Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cơ chế tài chính nào cho giáo dục?

Tạp Chí Giáo Dục

Mặc dù gặp nhiều khó khăn về tài chính do tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, song Việt Nam sẽ không cắt giảm chi phí cho lĩnh vực giáo dục và y tế. Những mối quan hệ Nhà nước và tư nhân trong lĩnh vực tài chính sẽ giải quyết được nhiều vấn đề xã hội cấp bách…
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã khẳng định như vậy tại cuộc hội thảo "Đổi mới cơ chế tài chính cho giáo dục: Các vấn đề liên quan trong khu vực châu Á" do Ngân hàng Thế giới tổ chức từ ngày 1 đến 3-4 tại Hà Nội.
Chi tiêu cho giáo dục: Một dạng đầu tư đặc biệt
Hiện đã có 50% số trường học trên toàn quốc được kết nối internet nhờ vào sự giúp đỡ của cộng đồng. Ảnh: Nguyệt Ánh
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thẳng thắn thông báo với các nhà hoạch định chính sách đến từ 12 nước Đông Á – Thái Bình Dương và các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới: "Chi phí cho giáo dục (GD) của Việt Nam hiện nay chỉ bằng 1/4 của Thái Lan, 1/11 của Nhật Bản, 1/16 của Mỹ. Với khoản tài chính hạn hẹp này, chúng tôi phải tìm cách để chi tiêu một cách hiệu quả bên cạnh việc thu hút thêm các nguồn tài chính. Chúng tôi đang rất mong học hỏi kinh nghiệm của các nước để có thể làm tốt điều đó". Việc tìm kiếm và phân bổ các nguồn tài chính sao cho có thể bảo đảm chất lượng GD và không làm mất đi cơ hội học tập của người dân cũng chính là chủ đề xuyên suốt được các chuyên gia bàn thảo.
Chia sẻ kinh nghiệm của Hồng Công, GS Ka Ho Mok đến từ ĐH Hồng Công (Trung Quốc) khẳng định: Các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á đang có những thay đổi lớn trong phương cách cung cấp tài chính cho giáo dục. Hồng Công và Xin-ga-po đã có các chính sách hữu hiệu khuyến khích doanh nghiệp tham gia đóng góp tài chính. Điển hình Xin-ga-po là nước có khu vực tư nhân đóng vai trò quan trọng trong chi phối tài chính GD do họ có chính sách mạnh mẽ mở cửa và đa dạng hóa môi trường giáo dục ĐH. Ông Mok nhấn mạnh: "Chi tiêu cho GD cũng chính là một dạng đầu tư đặc biệt, vì vậy chúng ta không thể bỏ qua các yếu tố thị trường trong việc cung cấp dịch vụ tài chính".
Về sự tham gia đóng góp của các nguồn tài chính bên ngoài cho GD tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nêu ra một ví dụ: "Nhờ vào sự giúp đỡ của các doanh nghiệp mà hiện nay 50% số trường học của Việt Nam đã được kết nối internet, điều mà ngân sách Chính phủ không đủ để làm. Chúng tôi đang cố gắng để tới cuối năm 2010, 100% số trường sẽ được kết nối. Hiện Bộ GD-ĐT cũng đang đề nghị một doanh nghiệp giúp đỡ mã nguồn mở để đỡ được chi phí mua bản quyền phần mềm." Phó Thủ tướng cũng khẳng định: Mối quan hệ tư nhân và nhà nước sẽ giải quyết được nhiều vấn đề cấp bách trong GD.
Bảo đảm cơ hội học tập trong điều kiện kinh tế khó khăn
Học sinh, sinh viên được vay vốn từ NHCSXH, có cơ hội học tập tốt hơn. 
Làm sao bảo đảm là những khó khăn về kinh tế không khiến cho người dân bị mất đi cơ hội học tập, đó là vấn đề nhiều người đặt ra khi đề cập tới sự tham gia mạnh mẽ của vai trò tài chính khối tư nhân. Theo GS Mok, tất nhiên chúng ta cũng nhận thức được rằng có nhiều thách thức, nhất là đối với GD đại học tại châu Á, chẳng hạn như vấn đề chất lượng GD, sự bất bình đẳng hoặc sự tác động của khối tư nhân, của các doanh nghiệp tới nội dung giảng dạy.
Để không làm mất đi cơ hội học tập của các sinh viên trong thời kỳ khó khăn, theo bà Rong Wang (ĐH Bắc Kinh), một số kinh nghiệm mà Trung Quốc đã áp dụng thành công là thực hiện các chương trình cho sinh viên vay tiền, kéo giãn thời gian trả nợ, trợ giúp đào tạo giáo viên… Còn ông Eduardo Velez, đại diện của Ngân hàng Thế giới cũng nêu ra kinh nghiệm khá đơn giản của Cam-pu-chia, nơi người dân có thu nhập thấp và cũng chịu sự ảnh hưởng lớn của khủng hoảng kinh tế. Để trợ giúp sinh viên, Chính phủ nước này đã mở rộng diện cấp học bổng thay vì đưa ra các cơ chế mới tốn nhiều thời gian. Biện pháp này đặc biệt hiệu quả đối với những hệ thống GD đã có sẵn một cơ chế học bổng ổn định.
Chương trình cho sinh viên vay vốn học tập của Việt Nam với nguồn vốn tới tay 1/3 tổng số sinh viên cũng được đề cập tới như là một phương cách trợ giúp thành công. Chương trình này cùng với một số chính sách hỗ trợ khác đã đón đầu cho việc đổi mới công tác tài chính, giao quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo, được coi là có thể dẫn tới việc tăng học phí, ảnh hưởng tới cơ hội học tập của sinh viên nghèo. Việc thu học phí nhằm mục đích trang trải được chi tiêu thường xuyên, tiến tới là bù đắp lại toàn bộ chi phí đào tạo. Theo bà Rong Wang, sự tham gia của các trường ĐH tư thục với mức học phí cao hơn công lập cũng tạo cơ hội tăng được chất lượng đào tạo, bởi nếu nhà trường không bảo đảm được chất lượng phù hợp thì sẽ không thu hút được sinh viên và không thể tiếp tục hoạt động.
Nhằm cung cấp cho xã hội một "dịch vụ giáo dục" hoàn thiện, Việt Nam cũng như các nước châu Á vẫn đang tiếp tục nỗ lực huy động các nguồn tài chính hữu hiệu để có thể bảo đảm hài hòa được mối tương quan giữa chất lượng GD với các điều kiện tiếp cận công bằng…
Thúy Quỳnh (Hà Nội mới)
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)