Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cô cho điểm 10, trò vẫn chưa phục

Tạp Chí Giáo Dục

Khi làm bài, chỉ cần viết đặt tay, đặt chân ở đâu, thắng xe như thế nào… hoàn chỉnh là được điểm 10. Nhưng thực tế lái xe được hay chưa?

Nhật Quang, học sinh Trường THCS Cao Thắng băn khoăn và đưa ra ví dụ về dạy học trò đi xe đạp để nói đến cách dạy học của ta hiện nay.
Bà Phạm Phương Thảo, chủ tịch HĐND TP.HCM trò chuyện với học sinh trong giờ giải lao. Ảnh: Minh Quyên

Có những điều người lớn phải giật mình nhìn lại khi nghe trẻ em trò chuyện trong ngày gặp gỡ giữa Hội đồng nhân dân TP.HCM với học sinh toàn thành với chủ đề Trẻ em – Người chủ tương lai của thành phố diễn ra ngày 5/2.
Dạy trẻ, trẻ bảo không hay
Qua câu chuyện đi xe đạp, Nhật Quang nêu vấn đề: Giáo dục làm sao áp dụng được vào cuộc sống, làm sao tránh học vẹt, làm sao để học trò ghi được vào tâm?
Nói thêm về câu chuyện giáo dục, Nhật Quang cho rằng khi ban hành luật thầy cô không dạy thêm thì lại chuyển thành dạy văn hóa ngoài giờ. Vậy thì hai việc này có gì khác nhau không?
Còn Huy Khang, học sinh Trường College đưa ra thực tế: Chương trình tiếng Pháp trong SGK không theo kịp thời đại. “Sách xuất bản từ năm 1996 mà vẫn áo dụng cho tới nay chưa đổi” – Khang bức xúc. Và cậu cho rằng, chương trình môn Toán, Lý tiếng Pháp còn so với chương trình môn Toán, Lý tiếng Việt nặng hơn 1 năm.
Khi có học sinh cho rằng trước cổng trường thường mất mỹ quan do tình trạng bán hàng rong, bà Đinh Thị Bạch Mai, Phó giám đốc Sở VH – TT – DL TP.HCM khuyên học sinh không nên mua hàng ở gánh hàng rong.
Kim Phụng, học sinh lớp 8, Trường THCS liền phản biện: Những người buôn bán hàng rong là đối tượng gây mất mỹ quan nhưng chúng ta đã bao giờ nghĩ là những người này cũng đang mưu sinh. Phụng đặt câu hỏi chất vấn: “Nếu ngăn cản họ thì đã hỗ trợ được gì cho họ chưa?”
Dở khóc, dở cười vì… người lớn
Lan Anh, học sinh lớp 9, Trường THCS Lam Sơn đưa ra vấn đề: Nói là cấm hút thuốc lá nơi công cộng nhưng ra đường vẫn thấy tình trạng này. Việc này phải ngăn chặn như thế nào? Các cơ sở sản xuất thuốc lá thì sao? Có nên chăng cần giảm bớt lượng hàng sản xuất ở những nơi này? Đó là những câu hỏi mà Lan Anh đã liên tục đặt ra cho lãnh đạo thành phố.
Trẻ em vô tư, hồn nhiên nhưng cũng rất dễ bị tổn thương. Ảnh: Minh Quyên
Ngoài đề xuất việc này, cô bức xúc: “Bố mẹ ngày nào cũng 11 – 12 giờ đêm mới về đến nhà. Cả bố và mẹ đều là giáo viên. Phải chăng do tiền lương ngành giáo dục quá ít mà bố mẹ con cả ngày lẫn đêm đều phải đi làm?”
Nói tới đây, nước mắt lăn dài trên khuôn mặt cô học sinh cấp 2 còn rất non nớt. Cô bé nói tiếp trong tiếng nấc: “Con muốn có bố mẹ vào những lúc ấy để khen con, khích lệ con nhưng… ”
Song song với câu chuyện buồn đáng cho người lớn suy ngẫm, còn có câu chuyện người lớn đã làm khiến trẻ em phải gọi nó là chuyện… nực cười.
Ngân Hà, học sinh lớp 5 Trường tiểu học Lê Anh Xuân cho rằng hiện nay khi không cho giáo viên sử dụng rọt trong lớp học, thay vào đó giáo viên chửi mắng còn gây áp lực lên học sinh nhiều không kém. Ngân Hà nghĩ giáo viên dùng roi vì thương học trò chứ không cốt đánh học sinh đau thì dùng roi vọt cũng không sao.
Ngọc Hòa, học sinh ở Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình chạnh lòng khi hoàn cảnh không cho phép được học bồi dưỡng nhiều hơn vì không đủ tiền. Thế nhưng, điều làm Hòa buồn hơn lại vì nguyên nhân khác. Hòa nói: “Không đi học thêm cô giáo thì bị cô đì nên em nản lắm, có lúc không muốn học nữa. Con mong có biện pháp để không xảy ra tình trạng này”.
Qua những lời nói, lời kể vô tư của trẻ con, người lớn thấy được những mong ước của các em dù mong ước ấy phần nào khó lòng thực hiện. Nhưng chính nó khiến người lớn không khỏi chột dạ.
Buổi gặp gỡ với sự tham dự của 120 em học sinh từ các trường tiểu học, THCS, THPT và các trường – lớp chuyên biệt, mái ấm, nhà mở tại TP.HCM.
Trong gần 50 ý kiến của học sinh, nhiều em còn mong muốn được thực hành nhiều hơn, cơ sở vật chất đầy đủ hơn, lãnh đạo thành phố tạo điều kiện cho các em được vui chơi, giảm áp lực học hành và có nhiều khu vui chơi hơn, nhất là khu vui chơi cho trẻ em ngoại thành…
Các em còn mong muốn những em nhỏ lang thang, thất học được xã hội quan tâm nhiều, người lớn ít tạo áp lực, lắng nghe và hiểu trẻ con thêm, đường xá giảm bớt ngập nước, kẹt xe, lô cốt, không còn tình trạng hố ga bật nắp, cột điện rò rỉ…  
Bà Phạm Phương Thảo, chủ tịch HĐND TP.HCM cho rằng tiếng nói của các em để người lớn, lãnh đạo thành phố quan tâm và có những cải cách cũng như bảo vệ các em tốt hơn nữa giúp các em phát triển toàn diện. Qua đó, nó còn nhắc nhở người lớn hãy làm gương để các em học theo. Bà cho biết những vấn đề như ngập nước, ô nhiễm môi trường, kẹt xe… trong tương lai không xa sẽ được xử lý. Riêng vấn đề kẹt xe sẽ được giải quyết khi có tàu điện ngầm. Bà hứa những điều này sẽ sớm có được từ nay đến năm 2015.

Minh Quyên / Vietnamnet

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)