Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Cô chủ nhiệm có duyên với học sinh “đặc biệt”

Tạp Chí Giáo Dục

Cô Phạm Kiều Thơ trong giờ lên lớp

Năm 1981, cô tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm TP.HCM (nay là Trường ĐH Sài Gòn). Rồi cô được phân về dạy tại Trường THCS Đoàn Thị Điểm, Q.3. Vừa kịp nhận nhiệm sở là cô “bị” giao làm chủ nhiệm lớp 6. Và từ đó cho đến nay, công tác chủ nhiệm luôn được đặt lên vai cô…
“Làm chủ nhiệm cực mà vui. Năm ngoái, lúc đó tôi chủ nhiệm lớp 8/5, trước khi nghỉ hè, học sinh tặng tôi một quyển lưu bút. Trong đó ngoài những tấm ảnh ghi lại khoảnh khắc của lớp là những dòng chữ ghi lại cảm xúc, tình cảm của 37 học sinh đối với tôi. Nhận món quà từ tay các em, tôi đã bật khóc. Đó là lần đầu tiên tôi khóc trước mặt học trò của mình”, cô Phạm Kiều Thơ – giáo viên Trường THCS Hồng Bàng, Q.5 tâm sự.
San sẻ chỗ ở cho học sinh
Năm học 1994-1995, cô Thơ được phân công chủ nhiệm lớp 6/2 Trường THCS Hồng Bàng, Q.5 (cô chuyển về đây từ năm 1987). Trong lớp cô đặc biệt chú ý tới học sinh Nguyễn Duy Linh. Điểm vào trường của Linh khá cao (19,25 điểm/2 môn) và em viết chữ rất đẹp. Những ngày đầu mới nhập học, Linh học hành rất chăm chỉ nhưng càng ngày càng xao nhãng việc học hành.
Là một giáo viên có kinh nghiệm trong công tác chủ nhiệm, nhưng trên hết là một người mẹ nên cô hiểu học sinh của mình có chuyện không vui. Sau nhiều lần tìm hiểu, cuối cùng cô Thơ cũng biết được hoàn cảnh đáng thương của Linh. Ba, mẹ của Linh bị giảm biên chế và bị thu lại nhà nên cả gia đình bốn người (bố, mẹ và hai chị em Linh) phải ra Công viên Văn Lang ở. “Thương quá tôi mời gia đình Linh tới sống chung với gia đình mình. Lúc đó, tôi đã nói với ba của Linh: “Chúng tôi mẹ góa, con côi nên không thể để đàn ông sống chung nhà được”. Vì vậy, Linh, em gái và mẹ dọn tới ở chung với ba mẹ con tôi, còn ba của Linh xin được một chân bảo vệ nên ở tại chỗ làm”, cô Thơ kể lại.
Cũng từ đó, căn nhà tập thể ở chung cư 727 Trần Hưng Đạo, Q.5 rộng chừng 20m2 của cô Thơ trở thành nơi trú ngụ của 6 người (2 người lớn và 4 trẻ em). Nhà chật chỉ kê được một cái giường, buổi tối – ba mẹ con cô ngủ trên giường, ba mẹ con Linh ngủ dưới đất. Chỗ đặt bếp nấu ăn nhỏ nên hai bà mẹ phải chia nhau thời gian mà nấu…
Cách đây khoảng ba năm, Linh đã gọi điện cho cô Thơ và nói: “Em đã thành đạt rồi cô ạ”. Nghe học sinh nói vậy, cô Thơ cảm thấy mãn nguyện vô cùng. Và với cô, đó chính là sự báo đáp tốt nhất…
Năm học 2007-2008, cô chủ nhiệm lớp 8/9 và đã giúp đỡ học sinh Lưu Tuấn Quân. Bố Quân bỏ đi từ khi em còn nhỏ, một mình mẹ em với gánh hủ tiếu dạo phải nuôi hai đứa con ăn học một cách chật vật. Khác với những bạn bè trong lớp, Quân tỏ ra ít nói, ít giao tiếp. Khi biết hoàn cảnh của em, cô Thơ đã xin nhà trường miễn tiền học cho em, đưa em về nhà dạy thêm mà không lấy tiền. Khi Quân chuẩn bị lên lớp 9, cô Thơ đã động viên em thi vào lớp chuyên và âm thầm đóng lệ phí thi cho em. Không phụ lòng cô, Quân đã trúng tuyển vào lớp 9 chuyên của trường. Khi Quân vào lớp 9, tuy không còn chủ nhiệm nhưng cô Thơ vẫn dạy thêm miễn phí và mỗi tháng còn xin mạnh thường quân hỗ trợ em 400 ngàn đồng.
“Trong một lần họp phụ huynh cuối lớp 8, mẹ của Quân – một phụ nữ người Hoa nhút nhát, nói và viết tiếng Việt còn kém đã nguệch ngoạc viết lên bàn mấy dòng chữ: “Cám ơn cô giáo đã giúp đỡ em Quân rất nhiều”. Đọc mấy dòng chữ của chị, tôi thấy ấm cả lòng”, cô Thơ nhớ lại.
Danh sách những học sinh được cô Thơ giúp đỡ ngày càng dài. Bên cạnh Nguyễn Duy Linh, Lưu Tuấn Quân còn có rất nhiều học sinh khác nữa, trong đó phải kể đến Tô Dũng Toàn – học sinh lớp 8/16 năm học 2008-2009. Ba mẹ Dũng ly dị, em ở với mẹ. Cũng như những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, Dũng rất ít nói, lúc nào cũng lặng lẽ một mình. Khi biết được hoàn cảnh của Dũng, cô Thơ đã âm thầm giúp đỡ em, xin học bổng Vừ A Dính cho em…
“Cuộc đời đi dạy của tôi, thành công nhất là đã giúp được không ít học sinh vượt qua khó khăn. Bây giờ những em này đều đã thành đạt, tôi rất mãn nguyện”, cô Thơ tâm sự.
Người mẹ “2 trong 1”

Cô Phạm Kiều Thơ và con gái Thanh Thảo

Năm 1987, chồng lâm bệnh rồi qua đời, lúc đó cô mới 27 tuổi. Một nách hai đứa con thơ chưa đầy hai tuổi, cô không biết phải sống như thế nào.
Thương em, chị gái cô (dược sĩ Bệnh viện Hùng Vương) đưa về sống chung tại khu tập thể của bệnh viện. Thế là ba mẹ con cô rời nhà bố mẹ chồng ở Q.Phú Nhuận về sống với vợ chồng chị gái. Và cô chuyển công tác từ Trường THCS Đoàn Thị Điểm, Q.3 về Trường THCS Hồng Bàng, Q.5.
Nhìn hai đứa con nhỏ dại, mỗi lần bệnh là bệnh cả đôi, lòng cô quặn đau. Đã có lần cô nghĩ đến cái chết, lúc đó chị gái cô nói: “Nếu bây giờ em chết, trái đất này không vì thế mà ngừng quay nhưng con em sẽ khổ”. Nghe xong câu nói này, cô quyết tâm phải kiên cường để nuôi dạy các con nên người…
Ở chung với gia đình chị gái được hai năm thì thông qua Công đoàn Q.5, cô được cấp tạm một căn hộ 20m2 ở chung cư 727 Trần Hưng Đạo. Nhanh chóng cô bồng bế các con qua “nhà mới”. “Nhà ở lầu 1 tiện việc đi lại nhưng mở cửa sổ ra là một đống rác to như cái núi do người dân sinh sống ở chung cư ném xuống. Bởi vậy, mẹ thì viêm xoang, hai đứa con thì sổ mũi triền miên. Còn nhà vệ sinh thì nứt, nước ở tầng trên dột xuống liên tục, mỗi khi vào là phải đội nón để nước bẩn không rớt xuống đầu”, cô Thơ kể.
Ba mẹ con ở được một năm thì Ban quản lý nhà tới kiểm tra và phát hiện không có giấy tờ. “Ngày mai là người ta sẽ dọn đồ của mấy mẹ con ra khỏi phòng, bữa đó tôi cứ như ngồi trên đống lửa. Rồi nghe mấy người mách nước, tôi chạy lên Sở Nhà đất Thành phố xin gặp Giám đốc. Vừa gặp được là tôi khóc hu hu và kể hoàn cảnh cho ông ấy nghe. Nghe xong, ông ký ngay quyết định cấp nhà cho tôi”, cô Thơ tâm sự.
Nhưng với cô, cực nhất vẫn là việc nuôi dưỡng hai đứa con nên người. Khi cô về “nhà mới”, hai đứa con chưa đầy bốn tuổi, đi đâu cũng phải “vác” chúng theo. Trên chiếc xe đạp cà tàng của cô, lúc nào cũng có hai bé gái – đứa nhỏ ngồi trước, đứa lớn ngồi sau. Còn ở nhà, để có thời gian làm việc, cô đành phải “nhốt” hai đứa vào cũi. Chúng đái, chúng ị rồi bốc phân trây hết vào quần áo là hình ảnh quen thuộc với cô…
Cùng với thời gian, hai đứa con của cô cũng dần lớn. Không thể để các con thiếu tình thương của người cha, cô yêu chúng gấp đôi. Lúc dịu dàng với tình cảm của một người mẹ, khi lại cứng rắn như một người cha. Ngay từ nhỏ, cô đã dạy các con tính tự lập. Bởi vậy mới học lớp 1, lớp 2 mà các con cô đã rất chững chạc. Cô kể: “Khi hai đứa vào tiểu học (học tại Trường TH Chính Nghĩa, Q.5), tan trường mà mẹ chưa tới đón là mua một ly trà đá rồi mượn cái bàn, hai cái ghế của bà bán hàng trước cổng trường ngồi chờ. Buổi tối mẹ đi dạy thêm, hai chị em khóa cửa ở trong phòng học bài. Một lần chung cư có hỏa hoạn, hai đứa gom tất cả quần áo cuộn vào cái mền đặt ở giữa giường rồi khóa cửa dắt nhau xuống đất đứng chờ mẹ…”. Đây là những kỷ niệm đi suốt cuộc đời của ba mẹ con cô và mỗi khi nhớ đến lại thấy cay cay ở mắt.
Bây giờ, sau hơn 20 năm chồng mất, cô đã nuôi dạy các con thành tài. Đứa chị Phương Thảo làm ở Ngân hàng ACB, đứa em Thanh Thảo làm cho một tập đoàn của Singapore. Trước đó, cả hai chị em đều là thủ khoa của Trường ĐH Hoa Sen…
Bài, ảnh: Hòa Triều

 

Cô tốt nghiệp khoa tiếng Nga và dạy tiếng Nga từ năm 1981 đến năm 1990. Từ năm 1990, khi tiếng Nga “hết thời”, cô chuyển qua dạy tiếng Anh. “Từ năm 1990 đến 1992 tôi đi học tiếng Anh, ngày làm thầy, tối thì làm trò. Lúc đó tôi xác định, học dở là đói nên dù rất khó khăn nhưng đã cố gắng để học”, cô Thơ tâm sự.

 

Bình luận (0)