Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cô chủ nhiệm cũ của tôi!

Tạp Chí Giáo Dục

1. Có dịp trở về thăm cô sau nhiều năm biền biệt, cô chủ nhiệm L. thời học phổ thông của tôi vẫn là hình ảnh của cô giáo ngày nào. Cô vẫn sống trong một căn nhà nhỏ giản dị mà ấm cúng. Trước hiên nhà là mấy chậu hoa hồng luôn đỏ nõn búp, ngoài vườn vẫn mấy luống cải ngồng luôn xanh tốt tươi. Chiếc bàn gỗ làm việc và kệ sách cứ dần bạc phếch màu nước sơn vì bụi thời gian, mà những tấm ảnh ngày nào thì vẫn cứ tươi những nụ cười tình cô trò không cũ.

Tốt nghiệp ĐH xong, cô L. được điều về dạy môn sử tại trường huyện tôi. Vì nhà cô ở tỉnh khác nên cô phải ở lại khu tập thể dành cho giáo viên trong trường. Lương không cao, đời sống giáo viên chật vật, ngoài giờ dạy cô còn tranh thủ làm thêm nhiều việc. Cùng với tiết kiệm, chi tiêu tiện tặn, cô mua được căn nhà nho nhỏ gần trường. Căn nhà mà hiện giờ cô đang ở.

Cái tuổi “nhất quỷ, nhì ma…” thường thì vô tư nhưng đôi lúc cũng hay có tính tò mò, nhất là về những cô giáo mới ra trường. Những giáo viên đã lớn tuổi mà chưa lập gia đình, chúng tôi thường quy kết cho là thầy cô… khó tính! Nhưng cô L. thì không. Sau khoảng thời gian nghe “đồn đoán” thầy A. trong trường có tình ý với cô mà cô chưa chịu, rồi thôi. Cô vẫn ở vậy dạy học, vẫn độc thân, vẫn vui vẻ và vẫn không hề… khó tính. Thời gian “đưa đò” vun vút trôi nhanh, 5 năm…, rồi 10 năm…, cô L. vẫn chưa chịu lập gia đình. Vì sao như thế, chúng tôi lấy làm tò mò. Nhưng mãi sau này chúng tôi mới hiểu về cô!

2. Câu chuyện của cô chủ nhiệm làm tôi nhớ đến một kỷ niệm thật xúc động. Năm ấy nhạc sĩ Trần Tiến về biểu diễn cho sinh viên sư phạm chúng tôi xem. Với chất nghệ sĩ đầy cảm hứng, ông đã tự đàn và hát bài “Chị tôi” mà ông mới sáng tác. Sau khi dứt lời, trong hội trường ngập tràn tiếng pháo tay, tôi đã thấy nhiều đôi mắt đỏ hoe, nhiều nữ sinh ôm mặt khóc nức nở. Bài hát ngợi ca đức hy sinh quá lớn của một người chị, mà đến khi xuống mồ xanh vẫn chưa… có chồng. Tôi nhớ một truyện ngắn đọc khá lâu viết về sự thầm lặng của người chị khác, vì mưu sinh nuôi em học ĐH đã bị nạn ở một ga xe lửa. Và còn biết bao nhiêu người chị như thế nữa trên đời!

3.  “Bà cụ mất cách đây 3 cái Tết sau nhiều năm trời bị bệnh nan y hành hạ”, cô L. nói. Em trai của cô sau khi học xong ĐH đã có công ăn việc làm và yên bề gia thất. Cô đã phải vừa nuôi mẹ bệnh yếu vừa nuôi em ăn học. Giờ cô sắp về hưu và vẫn sống một mình trong căn nhà nhỏ ấy. Hỏi cô có buồn không, cô không trả lời mà chỉ cười rất tươi.

Tôi thầm hiểu nụ cười rất tươi ấy nơi cô. Nụ cười tươi như hàng trăm bông hoa học trò tặng cô trong những ngày 8-3, ý nghĩa và rạng rỡ như hàng vạn lời chúc mừng cô trong những dịp lễ tết nhà giáo!

Trn Nhân Trung

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)