Y tế - Văn hóaThư giãn

Cô con gái nổi loạn của gia tộc Kennedy

Tạp Chí Giáo Dục

Không quá đỗi xinh đẹp hay thông minh nhưng Kathleen “Kick” Kennedy – cô em gái của Tổng thống Mỹ John Kennedy – có sức hấp dẫn kỳ lạ với công chúng Anh. Cuộc đời cô gắn liền với chữ nổi loạn khi dám chống đối gia đình để kết hôn với người mình yêu.

Người phụ nữ hấp dẫn
Cuộc đời bi kịch của Kick đã được tái hiện trong cuốn tiểu sử mới xuất bản mang tên “Kick: The true story of JFK’s forgotten sistter” (Kick: Chuyện thật về cô em gái bị lãng quên của Tổng thống JFK) của tác giả Paula Byrne.
Cha của Kick, chính trị gia Mỹ quyền lực Joseph Kennedy, từng nói về 9 đứa con của mình: “Mọi con vịt của tôi đều là thiên nga” nhưng cô con gái Kick của ông là “đặc biệt đặc biệt”. Sinh tháng 2/1920 ở Brookline, bang Massachusetts với cái tên Kathleen Agnes Kennedy, mọi người (trừ mẹ cô) luôn gọi cô là Kick – cái tên phù hợp hoàn hảo với cá tính sôi nổi, hoạt bát và thông minh của cô.

Kick Kennedy và chồng.

Năm 1938, khi Kick 18 tuổi, ông Joseph được bổ nhiệm làm Đại sứ Mỹ tại Vương quốc Anh và cả đại gia đình Kennedy chuyển tới London. Ngay lập tức, họ gây chú ý mạnh với người dân London. Báo chí Anh coi gia đình Kennedy như hoàng gia và đặc biệt bị Kick hấp dẫn. Mọi hoạt động của cô đều được ghi lại và ngưỡng mộ, từ việc cô phân phát bánh quy tự làm cho trẻ em tại bệnh viện cho đến cưỡi ngựa dạo chơi trong công viên. Mặc dù không có vẻ xinh đẹp theo kiểu truyền thống nhưng đàn ông bị hấp dẫn vì sức sống và trí thông minh của cô, còn phụ nữ yêu mến vì tính tình nồng ấm và sự hóm hỉnh.

Sau khi khiến London ngất ngây, Kick được quý bà Astor mời tới biệt thự Cliveden dự lễ Phục sinh. Trong đám đông, cô gây sự chú ý bởi tính tình tự do, không khuôn phép. Trong tiệc tối, Kick đã ném một miếng bánh mỳ xuống bàn vào một vị khách, khởi xướng màn ném thức ăn. Nếu ai đó làm như vậy, ắt họ sẽ bị coi là thô lỗ hoặc gây sốc. Nhưng với Kick, mọi người lại thấy đó là hành động tự do tuyệt đối.
Nhiều nhà quý tộc nhướn mày khi nhìn thấy Kick hất phăng giày trước mặt người khác nhưng rồi cô nhanh chóng thu hút họ bằng những trò đùa, sự sôi nổi và cử chỉ thoải mái. Đối lập với sự dè dặt của người Anh, Kick luôn khác biệt và tỏa sáng.
Bất chấp vì tình yêu
Mùa hè năm 1939, Kick gặp William Cavendish – Hầu tước Hartington, người thường được gọi là Billy. Họ dường như là một cặp đôi lạ lùng nhất: Billy cao ráo, trầm ngâm, tế nhị và là mẫu người Anh điển hình. Kick lại tràn đầy năng lượng, sôi nổi. Tuy nhiên, Kick thực sự thích con người của Billy vì anh là một quý ông thực sự, đối lập với cha và các anh trai của cô. Về phần mình, Billy đơn giản là bị tinh thần và nụ cười của Kick mê hoặc. Bạn bè để ý rằng khi có Kick ở bên, Billy dường như tự tin hơn vào bản thân. Anh luôn lo lắng rằng phụ nữ vây quanh mình là vì địa vị và tài sản của anh. Họ nhanh chóng gắn với nhau như hình với bóng.
Tuy nhiên, mẹ của Kick là bà Rose Kennedy không vui với mối lương duyên đó. Gia đình Billy không chỉ là người theo đạo Tin lành mà có lẽ là gia đình mang tư tưởng chống Công giáo nhất nước Anh. Bà lấy đó làm may mắn khi Chiến tranh Thế giới thứ hai bùng nổ khiến mối quan hệ của con gái với Billy bị gián đoạn. Mặc dù cầu xin được ở lại Anh nhưng cha cô vẫn đưa cô về Mỹ.
Trở về Mỹ là điều khốn khổ với Kick. Trái tim cô vẫn còn ở lại Anh cùng Billy. Họ tiếp tục viết thư cho nhau và sau bốn năm đằng đẵng, cha mẹ Kick đã buộc phải để cô trở về London khi cô đăng ký làm tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ. Tháng 8/1943, tờ Daily Mail đăng một bức ảnh chụp Kick đang đạp xe đi làm trong bộ đồng phục và cô nổi tiếng với biệt danh “cô gái đi xe đạp”, trở thành một biểu tượng của sự hợp tác giữa các nước thuộc phe Đồng minh.
Khi Kick trở lại London, Billy đã vội vã từ Yorkshire tới để gặp cô trong bữa tối tại khách sạn Mayfair. Họ cùng uống sâm panh mừng ngày tái ngộ. Chẳng bao lâu dư luận đồn họ sắp đính hôn cho dù khác biệt tôn giáo không thể vượt qua. Cha của Billy, Công tước Cavendish, không muốn con trai kết hôn với một người Công giáo còn Kick thì từ chối từ bỏ đức tin. Sau nhiều tháng họp bàn giữa các giáo sĩ ở cả hai bên, người ta đạt được một thỏa thuận: Kick sẽ kết hôn trong một văn phòng đăng ký và cô hứa sẽ để cho con theo đạo Tin lành. Billy quá đỗi vui mừng trong khi bà Rose trên bờ vực sụp đổ. Bà thực sự cho rằng linh hồn con gái đã bị nguyền rủa.
Với thanh thế gia đình hai bên, đám cưới của Kick và Billy lẽ ra phải là một đám cưới của năm. Thế nhưng, họ chỉ kết hôn trong một nghi lễ 10 phút ở văn phòng đăng ký Chelsea ngày 6/5/1944. Joe Jr, một người anh trai của Kick, là người thân duy nhất tới dự đám cưới. Khi nghỉ trăng mật cùng chồng, Kick viết thư cho mẹ, tha thiết nói rằng cô chưa từ bỏ đức tin. Cuối cùng, bà Rose cũng phá vỡ sự im lặng với con gái khi Billy được đưa ra mặt trận ở Bỉ sau ngày cưới 5 tuần.
Bi kịch chồng bi kịch
Tháng 8/1944, bi kịch dồn dập xảy ra với Kick. Anh trai Joe Jr chết khi đang làm nhiệm vụ của một phi công máy bay ném bom. Chưa đầy một tháng sau, Billy bị bắn chết ở Bỉ khi cùng đồng đội đánh chiếm thành phố Heppen bị Đức chiếm đóng. Kick viết trong nhật ký rằng cuộc đời thật độc ác với cô.
Mặc dù tan nát cõi lòng nhưng Kick vẫn luôn khiến mình bận rộn và quay lại với công việc của Hội Chữ thập đỏ. Nỗi buồn của Kick khiến cô thu hút nhiều người theo đuổi hơn bao giờ hết. Sau cái chết của Billy hai năm, cô lọt vào mắt của Peter Fitzwilliam, một người đã có vợ, và dấn thân vào một cuộc tình mới. Bạn bè cô sững sờ khi cô thông báo chuẩn bị kết hôn với một kẻ ham cờ bạc và gái gú như Peter.
Bà Rose dọa từ mặt nếu Kick lấy thêm một người Tin lành nữa. Vì thế, Kick đã cầu xin cha gặp Peter ở Paris. Ông Joseph đồng ý. Cặp đôi đi máy bay riêng tới thành phố Cannes nghỉ cuối tuần, định gặp ông Joseph trên đường trở về. Tuy nhiên, máy bay gặp bão và bị rơi ở phía bắc dãy núi Ardeche. Kick chết khi vẫn còn ngồi trong ghế, giầy văng ra. Cô mới 28 tuổi.
Khi sự nghiệp chính trị của anh trai Kick là John Kennedy đang lên, gia đình Kennedy nhanh chóng che giấu vụ việc. Tờ New York Daily News do bạn của ông Joseph làm chủ chỉ đưa tin ngắn gọn, gọi Kick là bạn cũ của ông bà Fitzwilliam.
Người dân ở Devonshires, Anh vẫn rất yêu quý Kick. Họ làm đám tang theo nghi lễ Công giáo và chôn cô tại Chatsworth. Joe Sr là người thân duy nhất dự đám tang. John Kennedy định tham dự nhưng hủy vào phút chót vì không thể đối diện với bi kịch. Trong nhiều năm liều, ông không thể nào khiến bản thân tới thăm mộ cô em gái yêu quý. Mãi đến tháng 6/1963, khi đã là Tổng thống Mỹ, ông mới tới Chatsworth sau một chuyến thăm Ireland, mang theo hoa, quỳ xuống và cầu nguyện trước mộ em gái. Trên bia mộ, người ta khắc dòng chữ: “Cô đã trao đi niềm vui và đã tìm thấy niềm vui”.

Thùy Dương/ Tin tức
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)