Đại học không phải là con đường duy nhất – suy nghĩ không mới mẻ ấy không hẳn đã nhận được sự đồng thuận xã hội suốt thời gian dài. Nhưng nay xu hướng chọn học nghề của người trẻ đã bắt đầu được ủng hộ nhiều hơn…
Phó chủ tịch Hội LHTN TP.HCM Nguyễn Tri Quang (trái) trao học bổng học nghề bác sĩ máy tính cho các bạn trẻ – Ảnh: Q.Linh |
Tại buổi giao lưu “Tài năng trẻ giỏi nghề” sáng 3-10, Thành đoàn TP.HCM đã tặng 40 máy tính để thành lập các điểm tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học công nghệ và truy cập Internet cho các bạn trẻ tại các huyện ngoại thành của TP. Số máy tính này trích trong nguồn vận động từ chương trình “Máy tính cũ – tri thức mới”. Dịp này, Trường CĐ nghề iSpace đã trao tặng 26 suất học bổng học nghề bác sĩ thực hành máy tính (66 triệu đồng) cho các bạn trẻ khó khăn của một số quận huyện tại TP.HCM.
|
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều bạn trẻ tìm đến với buổi giao lưu tài năng trẻ giỏi nghề do Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ trẻ (Thành đoàn TP.HCM) và Trường CĐ nghề iSpace tổ chức.
Nguyễn Phúc Hưng và Chu Tiến Dũng – hai huy chương vàng của hội thi tay nghề ASEAN, chứng chỉ nghề quốc tế tại Canada về công nghệ thông tin và thiết kế web – có mặt tại buổi giao lưu thoải mái và tự tin. Hưng đến với cuộc thi nghề chỉ vì nghe nói nếu được chọn đi thi sẽ ra Hà Nội, như vậy sẽ có cơ hội vào lăng thăm Bác, điều cậu từng mơ ước mà chưa làm được. Với Dũng, theo học hệ cao đẳng công nghệ thông tin chỉ vì không đủ điểm vào trường mình yêu thích: ĐH cảnh sát.
Theo học chính tại trường chuyên về mạng, Hưng đã chủ động tìm nơi học để trang bị thêm cho mình kiến thức về phần cứng, bởi cậu tự biết “khó có công ty nào lại trả lương cho người chỉ chuyên về mạng, người chỉ chuyên về phần cứng, như vậy sẽ không hiệu quả bằng một người biết cả hai kỹ năng đó”. Chủ động tìm đến Bệnh viện máy tính iCare để học nghề, tranh thủ cơ hội thực hành các tình huống, “trị bệnh” thực tế cho máy tính giúp Hưng tích lũy cho mình nhiều điều ở trường chưa biết hết. Dũng cũng thế, tốt nghiệp chuyên về phần mềm nhưng cũng đang mày mò theo đuổi thêm phần cứng chỉ vì “làm bác sĩ máy tính mà không trị được bệnh cho máy tính thì cũng không ổn lắm”.
Dũng chia sẻ: “Khi không vào được ĐH, chẳng có gì phải thất vọng vì sẽ còn rất nhiều chọn lựa phía trước, cứ khám phá và đi tới chắc chắn sẽ tìm được điều mình tìm”. “Cứ mạnh dạn theo đuổi và đầu tư hết mình cho nghề mình yêu thích chắc chắn bạn sẽ có kết quả tốt, quan trọng nhất là phải có đam mê” – Hưng nhắn nhủ.
Một câu hỏi gửi lên cho Hưng: “Hiện nay, các công ty thiết kế web mọc như nấm sau mưa, làm sao để cạnh tranh với đối thủ?”. Hưng bảo rằng không lo lắm chuyện cạnh tranh vì thật ra công việc này tại VN chỉ mới phát triển vài năm gần đây. “Quan trọng nhất với nghề thiết kế web là giao diện và code. Tôi luôn cập nhật các xu hướng mới về web của thế giới vì điều này gần như thay đổi hằng ngày” – Hưng cho biết. Trước câu hỏi “Để thành công với nghề lập trình cần yếu tố gì?”, Dũng trả lời: “Sự nhanh nhạy, khả năng sáng tạo, thông minh thôi chưa đủ mà còn phải thật sự đam mê, yêu và chuẩn bị tâm lý vì áp lực công việc khá cao”.
Ông Tạ Văn Doanh – tổng biên tập báo Giáo Dục TP.HCM – cung cấp thông tin về chương trình học bổng “Nhất nghệ tinh” mà ba tờ báo: Giáo Dục TP.HCM, Tuổi Trẻ, Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn cùng phối hợp thực hiện. Ông thông tin: “Dù khó đáp ứng hết mọi nhu cầu nhưng nếu bạn có đam mê, thật sự yêu thích và muốn học một nghề nào đó, cứ mạnh dạn gửi hồ sơ cho chúng tôi để làm ứng viên xin học bổng”.
QUỐC LINH (TTO)
Bình luận (0)