Học sinh đặt câu hỏi trong chương trình tư vấn tuyển sinh ĐH, CĐ 2012 do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức. Ảnh: D.B |
Thực tế cho thấy nhiều em học sinh rất mong muốn chọn cho mình một ngành nghề phù hợp với bản thân nhưng vẫn băn khoăn khi đặt bút ghi nguyện vọng trong hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ. Vậy làm thế nào để có định hướng đúng đắn khi chọn cho mình một con đường tương lai?
Báo Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Anh Duy – Trưởng phòng Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Sài Gòn – một người có nhiều năm gắn bó với công tác tư vấn tuyển sinh ĐH, CĐ.
Hiện nay vẫn còn một số em học sinh lúng túng khi chọn cho mình một ngành học phù hợp. Theo ông, làm thế nào để các em chọn ngành học cho phù hợp?
– TS. Lê Anh Duy: Để lựa chọn ngành nghề phù hợp, các em học sinh phải dựa trên nhiều yếu tố khác nhau. Vị trí quan trọng của các yếu tố đó cũng thay đổi tùy theo quan điểm của mỗi người. Theo tôi, trước hết cần xem xét đến sở thích của bản thân. Bởi vì, có ham thích mới có đam mê và có đam mê mới có cơ hội gặt hái nhiều thành quả quan trọng. Thông thường sở thích đi liền với sở trường. Chúng ta thích làm việc gì đó, vì chúng ta thấy mình có thể làm việc đó tốt hơn và mang lại nhiều kết quả thiết thực.
Có người lại biện hộ rằng: Chọn ngành theo sở thích cá nhân biết đâu lại không phù hợp với gia đình, xã hội và ngay cả sở thích đó sau này cũng có thể thay đổi?
– Ngành nghề nào cũng vinh quang cả. Cha ông ta có câu: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Chúng ta hãy đam mê và hết lòng với ngành nghề đã chọn thì xã hội sẽ công bằng với chúng ta.
Có phải chọn ngành theo năng lực lúc nào cũng tốt?
– Có năng lực nhưng không có đam mê, không yêu thích ngành học đã chọn sẽ làm cho các bạn mất đi sự hứng thú trong học tập, kết quả học tập sẽ không cao. Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên “sở thích thường đi cùng với sở trường”. Cũng có trường hợp lúc đầu chưa thể hiện rõ sở trường, nhưng nhờ đam mê, khổ luyện đã trở thành những chuyên gia trên lĩnh vực mình đã chọn.
Có bạn cho rằng, cha mẹ có quyền quyết định tương lai cho con cái theo kiểu “đặt đâu con ngồi đó”. Tuy nhiên khi lựa chọn ngành học theo ý thích gia đình thì không phải không có những hạn chế ?
– Vì không chọn ngành theo đúng sở thích cá nhân (mà theo ý muốn người khác) nên khi bắt tay vào công việc sẽ sinh ra chán nản, không hào hứng với việc làm. Hơn nữa, đối với những công việc đòi hỏi kỹ năng cao sẽ tạo nhiều áp lực và thậm chí gây ra stress.
Vậy làm sao để có được một cách chọn nghề hài hòa, thưa ông?
– Khi xác định ngành nghề cần chú ý các yếu tố: Sở thích và sở trường. Nhu cầu của thị trường lao động. Điều kiện của gia đình: Kinh tế, truyền thống nghề. Chú ý chọn nghề trước khi chọn trường.
Là người có kinh nghiệm nhiều năm tư vấn tuyển sinh ĐH, CĐ, ông thấy học sinh thường có tâm lý như thế nào khi lựa chọn nghề?
– Hiện nay, hầu như học sinh chọn nghề theo tâm lý “nghề thời thượng” và theo dư luận chung. Với tâm lý như vậy gây ra hiện tượng đổ dồn vào các ngành thời thượng khiến cho một số ngành dư thừa lao động trong khi các ngành khác lại thiếu. Một tâm lý nữa là học sinh bằng mọi giá phải vào được ĐH trong khi các cấp học khác lại không được chú ý đến dẫn đến tình trạng mất cân đối trong việc xây dựng nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế.
Thời gian tới Trường ĐH Sài Gòn sẽ tư vấn những vấn đề gì mà thí sinh cần quan tâm, thưa ông?
– Trường ĐH Sài Gòn tư vấn cho các thí sinh về những ngành học, chỉ tiêu tuyển sinh, chế độ chính sách đối với sinh viên của trường và một số điểm mới do Bộ GD-ĐT quy định trong kỳ thi tuyển sinh năm 2012.
Ngọc Quang (thực hiện)
Bình luận (0)