Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Có đành sống chung với tiêu cực trong thi cử?

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ GD-ĐT đã có thông tin chính thức về thi THPT quốc gia 2019. Vẫn với điệp khúc “trên cơ sở rút kinh nghiệm tổ chức thi các năm trước, nhất là năm 2018, Bộ GD-ĐT tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 theo hướng giữ ổn định về phương thức tổ chức như các năm 2017, 2018 để không ảnh hưởng đến quá trình dạy và học của giáo viên, HS; đồng thời, thực hiện một số điều chỉnh kỹ thuật trong quy trình tổ chức thi nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập để đảm bảo tổ chức kỳ thi nghiêm túc, khách quan, an toàn”. 

Để “đảm bảo tổ chức kỳ thi nghiêm túc, khách quan, an toàn” có nội dung “Đặt camera giám sát chấm thi 24/24 giờ”. Đây chính là “trên cơ sở rút kinh nghiệm tổ chức thi các năm trước, nhất là năm 2018” và đó là nhằm ngăn chặn tiêu cực ở phía người lớn. Cón các tiêu cực phía thí sinh?

Phàm làm người ai cũng muốn điều có lợi cho mình. Tuy nhiên, người có học khi đứng trước điều có lợi mà phải hành động giả dối, không trung thực đều biết suy nghĩ mà chọn lựa giữa đôi đường: Nhận đợi điều lợi nhưng phải hành động xấu xa với nhận điều bất lợi mà có hành vi trung thực. Người quân tử luôn chọn đường trung thực để có thể ung dung ngẩng mặt nhìn đời.

Trung thực trong cuộc sống là điều tốt đẹp, ai mà không muốn. Người trẻ càng không muốn quay lưng với sự trung thực. Vì cuộc đời họ còn quá dài phía trước. Nhưng giới trẻ ngày nay thường khó chọn lựa giữa trung thực và dối trá.

Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông quốc gia (TNPTQG) là bước ngoặt lớn, đánh dấu 12 năm đèn sách phổ thông. Tấm bằng TNPT là tấm vé thông hành để vào ĐH. ĐH là “viễn cảnh thiên đường” mà hầu hết HS lớp 12 mơ ước. Muốn đạt được ước mơ đó, HS đã bỏ nhiều công sức, thời gian và kinh phí để luyện thi, thậm chí luyện từ những năm lớp 10, 11. Thi TNPT là cửa ải đầu tiên không thể không vượt qua và phải vượt qua bằng mọi giá. Với chiến lược thực dụng là vào ĐH nên bước vào kỳ thi TNPTQG một số HS sẽ sẵn sàng dùng mọi chiến thuật (chính đạo hay tà đạo) để đạt được mục đích.

Trong bối cảnh kỳ thi TNPTQG với lượng kiến thức bao trùm, ít nhiều gây áp lực nặng nề, nhưng bắt buộc phải vượt qua để được vào ĐH thì những biểu hiện tiêu cực nhất định sẽ diễn ra ở một bộ phận không nhỏ HS. Vì để đạt được điều lớn, các em sẽ không từ bỏ mọi thủ đoạn nào (nếu có thể gọi thế) để đạt được điều nhỏ hơn, ở từng bài thi cụ thể.

Trước tình hình đó, những HS trung thực, làm bài bằng chính sự hiểu biết của mình sẽ cảm thấy thiệt thòi, nên cũng đành đưa tay “nhúng chàm”, rồi sau đó tự hứa với lòng khi vào ĐH sẽ không hành động dại dột nữa. Tuy nhiên, hành động giả dối đó của HS lại sẽ đưa đến tấm bằng tốt nghiệp thật. Sức hấp dẫn không nhỏ. Ai tin được rằng trước sự hấp dẫn của hành vi sai trái, người sinh viên tương lai ấy sẽ không tái lập lại hành vi đó.

Đừng trách cán bộ coi thi. Đành rằng việc buông lỏng kỷ cương phòng thi là sai phạm trăm bề, nhưng vì tâm lý, thầy cô nào không thương HS, ai nỡ vùi dập 12 năm đèn sách của HS? Ai đành ngăn cản HS thực hiện ước mơ vào ĐH của các em? Thầy cô đều chưa quên “dạy chữ là dạy người”, nhưng chính vì quan niệm trên nên thiên chức nhà giáo đã bị xem nhẹ ở một số thầy cô.

Đừng trách HS. Đành rằng việc vi phạm quy chế thi là tội nặng, nhưng có sống trong hoàn cảnh của các em với áp lực văn bằng ĐH mà xã hội đòi hỏi quá khắt khe (xin nhớ rằng đã có nơi đã nói không với bằng ĐH tại chức), buộc các em phải có hành vi quay lưng với sự trung thực. Hành vi tiêu cực trong thi cử như “mùa lũ tràn về”, đến hẹn lại lên, các em phải đành “sống chung với lũ” để “khai thác lợi thế do lũ mang lại”. Âu đó cũng là giải pháp tốt hơn cho các em trong hoàn cảnh hiện nay.

Hãy chờ đợi sự đổi mới giáo dục trong giai đoạn tới; hãy giảm áp lực thi cử cho các em; hãy tạo môi trường trong sáng hơn cho các em trên ghế nhà trường; hãy tạo góc nhìn cởi mở hơn của xã hội đối với HS khi các em vào đời; hãy tìm kiếm giải pháp; hãy đổi mới cách làm; hãy trông chờ, hy vọng; hãy cảm thông, sẻ chia…

Hãy vì tương lai của nước nhà qua việc loại hẳn những hành vi lệch lạc, tiêu cực trong thi cử, dù chỉ có trong suy nghĩ của thí sinh.

Trần Đăng Huy (Cần Thơ)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)