Lấy chồng, lập nghiệp và nhập quốc tịch Việt, hơn 40 cô dâu người Lào ở xã Ba Tầng (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) đã ghi danh mình vào lớp học xóa tái mù chữ để hòa nhập trên quê hương mới. Với các chị, học tiếng Việt không chỉ để hiểu về văn hóa đời sống của quê chồng mà còn để đồng hành cùng chồng, con xây dựng cuộc sống ấm no.
Những cô dâu Lào hào hứng tham gia lớp học tiếng Việt ở Ba Tầng
1.Tầm chập choạng tối, khi đèn điện điểm trường Tiểu học thôn Vầng (Trường TH-THCS Ba Tầng) bật sáng, nhiều chị em phụ nữ của thôn Vầng và thôn Măng Song (xã Ba Tầng) đã tập trung đông đủ. Nhiều học viên tóc đã ngả màu tiêu muối, vui vẻ mang trên vai chiếc cặp học sinh mượn từ những đứa cháu của mình, đựng bút, bảng, phấn, sách vở để đến lớp học. Có mặt từ rất sớm, bà Hồ Thị La Ham (70 tuổi) vui vẻ cho biết: “Tôi đến tham gia lớp học được gần 6 tháng rồi. Trước đây, thấy con cháu biết đọc sách, biết viết chữ tôi rất muốn được như các cháu. Về làm dâu Việt mấy chục năm, được nhập quốc tịch Việt Nam nhưng vẫn chưa có điều kiện để học tiếng Việt. Nay được đi học, biết đọc, biết viết tên mình tôi vui lắm. Học ở lớp xong về nhà tôi còn tranh thủ thời gian để ôn bài, hỏi thêm các cháu để nhớ được lâu như lời cô giáo khuyên”.
Bước qua tuổi 56, bà Y Hên mới có thời gian trở lại lớp học. Suốt 30 năm, kể từ ngày khăn gói theo chồng vượt dòng sông Sê Pôn từ nước bạn Lào đến quê chồng ở xã Ba Tầng để sống, bà Y Hên từng đôi lần đến lớp xóa mù nhưng thời gian học ít ỏi vì phải lên nương rẫy trồng ngô, trồng lúa để kiếm cái ăn cho các con. “Bây giờ các con khôn lớn, lập gia đình riêng rồi. Tôi cũng được nhập quốc tịch Việt Nam rồi nên tôi đến lớp học chữ để biết đọc, biết viết tiếng Việt để khi cần đến UBND xã làm giấy tờ còn ký được tên mình, thay vì điểm chỉ tay. Ở lớp, các thầy cô nhiệt tình lắm. Tôi quên chữ nào đều được các thầy cô chỉ lại rất cụ thể”.
Nhiều phụ nữ Lào miệt mài học tiếng Việt để xây dựng cuộc sống trên quê hương mới
2.Đồng hồ chỉ 19 giờ! Chị Hồ Thị Meng – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ba Tầng xuất hiện trước cửa lớp. Sau tiếng chào đồng thanh: “Chào cô giáo ạ” là tiếng sột soạt của bút, vở. Buổi học được bắt đầu bằng việc ôn tập lại các chữ cái, đọc lại bài hôm trước để ghi nhớ trước khi vào bài mới. Bà Y Hên cầm viên phấn trên những ngón tay gầy, nắn nót viết lại những từ đã học hôm trước một cách thật chăm chú. Thi thoảng đâu đó có tiếng nhắc bài nho nhỏ cho thành viên quên mặt chữ. Một không khí tập trung không khác gì một tiết học ở các trường học.
Chị Meng lần lượt kiểm tra 30 chiếc bảng con, cầm tay nắn từng nét chữ cho học viên. Chị không quên khen ngợi các học viên viết đẹp, nhớ tốt để động viên tinh thần các bà, các chị. “Các cô dâu người Lào đến lấy chồng và sinh sống ở Ba Tầng đều biết nói tiếng Việt nhờ học từ chồng nhưng không biết mặt chữ. Vì thế, họ rất e ngại tham gia các hoạt động ở địa phương, gặp nhiều khó khăn trong nuôi dạy con cái, mua bán nông sản, thậm chí nhiều lúc bị lừa vì không thạo tính toán. Lớp học bắt đầu mở từ tháng 6-2022 đến nay. Dự kiến, cuối tháng 11 này sẽ bế giảng. Các bà, các mẹ ở đây đến lớp rất chuyên cần. Ban đầu, việc ghi nhớ các con số và viết chữ cái rất khó khăn. Giáo viên đứng lớp phải thật kiên trì và hướng dẫn tận tình. Đến nay, đa số học viên đều đã biết viết, biết đọc và làm phép tính đến số 100. Nay các bà, các mẹ đã tự tin hơn rất nhiều”, chị Meng cho biết.
Mỗi tuần, lớp học được đều đặn tổ chức vào tối thứ tư và năm. Ngoài điểm trường thôn Vầng do chị Meng đứng lớp, điểm trường thôn Loa do các chiến sĩ Đồn biên phòng Ba Tầng phụ trách cùng với sự hỗ trợ của thành viên Hội Liên hiệp Phụ nữ xã và giáo viên trường tiểu học xã. Đại úy Hồ Xuân Lê, cán bộ Đồn biên phòng Ba Tầng cho biết: “Các học viên ở thôn Loa đa phần là chị em lớn tuổi, việc cầm bút, cầm phấn để viết chữ khá lóng ngóng nhưng ai cũng ham học. Chúng tôi luôn tìm phương pháp phù hợp để giúp học viên tiếp thu bài, nắm vững kiến thức cơ bản. Cùng với dạy chữ, phép tính, chúng tôi còn hướng dẫn thêm cho chị em về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, giữ gìn vệ sinh môi trường và tuyên truyền về chủ quyền biên giới”.
Lớp học tan muộn, tiếng chào tạm biệt cô giáo lại vang lên. Trên các nẻo đường về bản, tiếng cười nói và trao đổi bài lại rộn ràng. Đêm cuối thu, sương mù giăng kín núi rừng, tỏa ra hơi lạnh buốt. Nghĩ về những mái đầu tóc bạc nghiêng nghiêng dưới ánh đèn, tay cầm phấn nắn nót đưa từng nét chữ trên tấm bảng con, tôi tin, con chữ ở miền biên này sẽ sáng. |
3.Nằm bên dòng Sê Pôn – con sông chia đôi ranh giới Việt với nước bạn Lào, xã Ba Tầng có rất nhiều cô dâu người Lào đến lấy chồng Việt và sinh sống. Tháng 10-2021, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã phối hợp với Đồn biên phòng Ba Tầng và Trường Tiểu học Ba Tầng mở lớp xóa tái mù cho chị em. Trong số 60 học viên của 2 lớp xóa tái mù đặt tại điểm thôn Vầng và thôn Loa thì có hơn 40 học viên là cô dâu người Lào lấy chồng ở Ba Tầng và được nhập quốc tịch Việt Nam.
Thiếu tá Vũ Văn Trung, Chính trị viên phó, Đồn biên phòng Ba Tầng cho biết, đơn vị quản lý xã Ba Tầng và xã A Dơi (huyện Hướng Hóa). Hai địa phương này có nhiều chị em, nhất là các cô dâu người Lào lấy chồng Việt chưa biết đọc viết tiếng Việt. Để tạo điều kiện cho chị em hòa nhập tốt hơn với cuộc sống, nâng cao trình độ, đơn vị đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ và trường tiểu học tại hai xã này tổ chức mở 5 lớp xóa tái mù với 175 học viên. Tháng 5-2022 vừa qua đã có 2 lớp bế giảng, hiện còn 3 lớp đang tiếp tục dạy học với 110 học viên. “Đời sống của bà con miền biên cương này còn nghèo khó. Chỉ có con chữ và kiến thức mới thực sự giúp bà con đổi thay được tư duy phát triển kinh tế, xây dựng tốt cuộc sống của mình”, Thiếu tá Vũ Văn Trung nói.
Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)