Tác giả Brad Stulberg lập luận rằng sự cô đơn, mất kết nối xã hội khiến mọi người dễ tổn thương hơn trước những ý tưởng độc hại.
Cách đây vài tuần khi đang mua sắm tại cửa hàng làm vườn ở Ashevile, Bắc Carolina, Brad Stulberg nhận được một số lời khuyên về việc chuẩn bị cho ngày tận thế.
“Bạn phải thu hoạch hạt giống và đem trồng để làm thức ăn”, người phụ nữ ở quầy đăng ký nói với Brad Stulberg – người nghiên cứu và viết về sức khỏe tâm thần, đồng thời là tác giả cuốn sách The Practice of Groundedness – khi nghe rằng các cửa hàng tạp hóa sẽ đóng cửa do sự kết hợp từ Covid-19, lạm phát và bất ổn xã hội. Cô đã tự trồng thực phẩm cho mình để có thể tồn tại ở Mỹ.
Sự cô đơn sẽ hình thành cảm giác lo lắng và sợ hãi.
Trong bài viết trên TIME, Brad Stulberg nói rằng có rất nhiều điều để lo sợ trong thế giới hiện đại, nhưng sự phá vỡ xã hội hoàn toàn là điều không thể.
Nỗi sợ về sự diệt vong một cách thái quá là dấu hiệu tâm lý “hầm trú” mà các bác sĩ tâm thần thường gọi là rối loạn tâm thần chia sẻ. Số người mắc hội chứng này ngày càng tăng.
Thay vì dành thời gian để tận hưởng khoảng thời gian đang có, người bị chứng này sẽ dành toàn bộ thời gian để chuẩn bị cho ngày tận thế. Có nhiều điều góp phần tạo ra chiếc bẫy này nhưng phần lớn chứng hoang tưởng về ngày tận thế bắt nguồn từ sự cô đơn, một vấn đề đang diễn ra giữa Covid-19.
Nghiên cứu của John Cacioppo, nhà thần kinh học xã hội tại Đại học Chicago (Mỹ), cho thấy khi con người cảm thấy cô đơn họ cũng cảm thấy bất an.
Mặc dù họ không thực sự gặp bất kỳ mối nguy hiểm nào về thể chất nhưng sự cô độc kéo dài khiến tâm trí bắt đầu tìm thấy các mối đe dọa và kích hoạt các tín hiệu cảnh báo. Điều này làm gia tăng hormone căng thẳng, huyết áp cao, chất lượng giấc ngủ kém và tăng nguy cơ tử vong sớm.
Tiến sĩ Cacioppo phát hiện sự cô đơn có xu hướng tự hình thành khi ai đó cô đơn trong một thời gian dài và có nhiều khả năng bị cô lập, trở nên cô độc, lo lắng, bất an và sợ hãi hơn.
Việc này có thể trở nên trầm trọng hơn khi kinh tế khó khăn, lúc những người đang có rất ít hoặc không có thời gian để kết nối cộng đồng từ đó mất đi các kết nối xã hội.
Trên thực tế, một nghiên cứu năm 2021 được công bố trên Tạp chí Tâm lý học của Anh, cho thấy chủ nghĩa tân tự do thúc đẩy cảm giác mất kết nối xã hội, cạnh tranh và cô đơn.
Nỗi cô đơn hiện nay rất đa dạng và sâu rộng, nhà triết học Hannah Arendt gọi là “sự mất gốc”. Điều này mô tả trải nghiệm bị ngắt kết nối không chỉ với người khác mà còn với bản thân, việc mất tập trung và cảm thấy cuộc sống trở nên điên cuồng, mất khả năng tự suy nghĩ, không cảm nhận được sự tồn tại.
Bạn không chỉ bị cô lập với người khác mà còn không thể cảm nhận sâu sắc về bản thân. Trong cuốn sách năm 1951, Arendt gợi ý rằng kiểu mất gốc này dẫn đến chủ nghĩa bộ lạc.
Trong một nghiên cứu năm 2020 góp phần củng cố thêm khẳng định của Arendt được công bố trên tạp chí Group Processing and Intergroup Relations, cho thấy sự loại trừ xã hội là yếu tố hàng đầu đằng sau sự cực đoan hóa.
Cũng theo nghiên cứu vào năm 2021 bởi các nhà nghiên cứu tại RAND Corporation, cô đơn là một trong những lý do chính khiến mọi người áp dụng quan điểm cực đoan và gia nhập các nhóm cực đoan.
Sự yếu kém về mặt xã hội có liên quan đến việc gia tăng xác suất bỏ phiếu cho các đảng dân túy, đặc biệt là phe cánh hữu, nghiên cứu công bố trên tạp chí Political Psychology.
Xu hướng cực đoan bắt nguồn từ nỗi sợ cô đơn và bị cô lập.
Nền kinh tế dựa trên sự chú ý, đặc biệt là mạng xã hội, gây ra sự mất tập trung và hình thành sự phẫn nộ, chia rẽ đồng thời thay thế sự kết nối thuần túy bằng sự nông cạn và hời hợt.
Diễn đàn chính trị ngày nay hình thành xu hướng gây phẫn nộ và thù địch bằng các thuật toán, nghiên cứu cho thấy các bài đăng gây chia rẽ trên mạng xã hội hoạt động tốt hơn các bài đăng có tính chất bình thường.
Hàng triệu người Mỹ dành hàng giờ xem các chương trình làm mất đi khả năng tập trung và suy nghĩ sâu sắc, kích thích sự sợ hãi và chia rẽ, điều này hiện hữu dưới vỏ bọc của sự kết nối nhưng thực tế là sự ngắt kết nối, thời đại của xã hội cực kỳ phân cực với sự gia tăng của khuynh hướng độc tài.
Tại khu vực nông thôn có xu hướng bị cô lập gia tăng mức độ hoang tưởng và sợ hãi. Trong cuốn sách Hope In The Dark, nhà viết tiểu luận Rebecca Solnit, đã viết: “Những người bị cô lập ở các vùng ngoại ô, tránh xa khỏi tội phạm, nằm ngoài mục tiêu của chiến tranh hoặc khủng bố dễ bị tổn thương hơn bởi nỗi sợ này, đây là nỗi sợ an toàn vì nguồn gốc thực sự của nỗi sợ là sự cô lập và cô đơn".
Từ góc độ chính trị, cô đơn không chỉ như một vấn đề sức khỏe cộng đồng mà còn là một vấn đề xã hội.
Khi cuộc sống ngày càng trở nên tự động hóa và tối ưu hóa như Ross Douthat gọi là “Thời đại của thuật toán”, mọi người cảm thấy cô lập và cô đơn hơn dẫn đến sợ hãi và dễ bị tổn thương trước những ý tưởng và phong trào cực đoan.
Nền kinh tế chú ý đang ngắt kết nối chúng ta với bản thân và mọi người như việc dành phần lớn thời gian và tâm trí vào cuối ngày cho mạng xã hội. Brad gọi đây là “bộ não Internet”, không có khả năng tập trung vào bất cứ điều gì có chiều sâu và dễ dẫn đến kiệt sức.
Ông khuyên mọi người ưu tiên thời gian để kết nối với hàng xóm, cộng đồng và bản thân, xây dựng một cảm giác vững chắc tránh nguy cơ trở thành một trong những “cá thể bị cô lập và nguyên tử hóa” chờ đợi thời gian kết thúc trong hầm trú ẩn hay tìm kiếm sự thịnh hành trên internet và gieo mầm cho nỗi cô đơn và tuyệt vọng, điều đó không tốt cho bất kỳ ai.
NT (theo khoahoc.tv)
Bình luận (0)