Điểm ưu tiên khu vực được tính trên cơ sở căn cứ nào? Nhiều thắc mắc về việc sinh viên muốn đăng ký dự thi lại? Sơ tuyển khối các trường quân đội ở đâu? Cách thức làm hồ sơ ĐKDT như thế nào? Trường ĐH Cửu Long tuyển sinh khối B ngành kinh tế?…
Thí sinh tham dự kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ.
Hỏi: Trong hộ khẩu thường trú của em thì có ghi em thuộc dân tộc Mường, mà em lại thuộc xã Ngọc Lương – Yên Thủy – Hòa Bình. Nhưng khi học cấp 3 em lại học ở khu vực khác là huyện Nho Quan của tỉnh Ninh Bình. Vậy em muốn hỏi ban tư vấn là với trường hợp của em thì khi đi thi đại học em thuộc KV mấy? Và có được cộng điểm ưu tiên dân tộc không? Nếu là trường hợp như thế thì em được cộng tất cả bao nhiêu điểm vào điểm thi đại học? Và nếu như thế em cần làm những giấy tờ gì để được ưu tiên? Em xin ban tư vấn nói rõ cho em để khi em làm hồ sơ đăng ký dự thi không bị thiếu và sai sót. Cho em hỏi nữa là Trường ĐH Công nghiệp HN có hệ CĐ, vậy hệ CĐ của trường đó chỉ xét tuyển hay có cả thi nữa? (changlangtuchungtinh@gmail.com)
Trả lời:
Em nên lưu ý điểm này: Đối với kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ có hai loại điểm ưu tiên. Một là điểm ưu tiên đối tượng, hai là điểm ưu tiên khu vực.
Theo quy chế tuyển sinh hiện hành thì nếu thí sinh có bố mẹ là người dân tộc thiểu số thì sẽ thuộc đối tượng 01 nhóm ưu tiên 1. Như vậy em cần đối chiếu xem bố hoặc mẹ của mình có phải là người dân tộc thiểu số hay không thì lúc đó mới được hưởng quyền ưu tiên chứ dựa trên hộ khẩu thì chưa thể giải quyết được vấn đề.
Đối với điểm ưu tiên khu vực thì tính theo nơi cư trú của trường THPT mà thí sinh theo học chứ không tính theo hộ khẩu thường trú. Theo quy định thì khu vực của huyện Nho Quan thuộc KV1 nên khi em học trường THPT ở huyện này thì sẽ được hưởng mức điểm ưu tiên khu vực KV1.
Theo quy định thí sinh thuộc diện đối tượng ưu tiên từ 01-04 sẽ được cộng 2 điểm vào kết quả thi. Và thí sinh thuộc diện đối tượng ưu tiên từ 05-07 thì sẽ được cộng 1 điểm vào kết quả thi. Nếu thí sinh thuộc nhiều diện đối tượng ưu tiên khác nhau thì chỉ được hưởng duy nhất ở một mức đối tượng ưu tiên cao nhất.
Điểm ưu tiên khu vực được tính theo mức sau: KV1 được cộng 1,5 điểm, KV2-NT được cộng 1 điểm; KV2 được cộng 0,5 điểm.
Như vậy nếu em thuộc diện đối tượng ưu tiên 01, học tại trường THPT thuộc huyện Nho Quan thì sẽ được cộng tối đa 3,5 điểm vào kết quả thi.
Để được hưởng mức ưu tiên là đối tượng 01 thì em cần phải có giấy xác nhận của chính quyền địa phương về việc bố hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số.
Riêng với ưu tiên khu vực thì em không cần phải nộp giấy tờ gì vì các trường sẽ căn cứ trên mã trường THPT mà thí sinh theo học để xác định vùng ưu tiên khu vực của thí sinh.
– Em nên để ý điều này, tất cả các hệ CĐ của các trường ĐH đều không tổ chức thi tuyển mà chỉ xét tuyển mà thôi. Thông thường thì các hệ này chủ yếu xét tuyển từ kết quả kì thi ĐH, rất ít trường xét tuyển từ kết quả kì thi CĐ.
Em là sinh viên năm nhất của trường CĐ Điện lực Miền Trung, ngành Tài chính ngân hàng, nhưng em không thích học trường này. Em muốn năm nay thi lại ĐH, mà em vừa học tại trường vừa ôn thi ĐH. Em hỏi nếu em thi ĐH thì nhà trường có cho em thi không và em làm hồ sơ nộp tại sở GD-ĐT mình ở hay tại trường em đang theo học?(
giomuadong2006_1991@yahoo.com)
Theo quy chế tuyển sinh hiện hành thì những người thuộc diện dưới đây không được dự thi ĐH, CĐ: Không chấp hành Luật Nghĩa vụ quân sự; Đang trong thời kỳ thi hành án hình sự; Bị tước quyền dự thi tuyển sinh hoặc bị kỷ luật buộc thôi học chưa đủ hai năm (tính từ năm bị tước quyền dự thi hoặc ngày ký quyết định kỷ luật đến ngày dự thi).
Học sinh, sinh viên chưa được Hiệu trưởng cho phép dự thi; cán bộ, công chức, người lao động thuộc các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân chưa được thủ trưởng cơ quan cho phép đi học.
Như vậy chiếu theo quy chế này thì để được dự thi ĐH em bắt buộc phải được sự đồng ý của Ban giám hiệu nhà trường. Nếu em không thích học tiếp trường mình đang theo học thì tốt nhất là cần phải rút toàn bộ hồ sơ nhập học (làm thủ tục thôi học) trước khi dự thi. Khi em làm điều này thì coi như mình là thí sinh tự do và không cần phải xin phép Ban giám hiệu nhà trường nữa.
Việc nộp hồ sơ ĐKDT thì em có hai lựa chọn: Nộp theo tuyến Phòng, Sở GD-ĐT nơi mình đang cư trú hoặc nộp trực tiếp tại các trường ĐH, CĐ.
Đối với các trường quân đội, khi tuyển sinh thì phải khám sơ tuyển, vậy em phải khám ở đâu và cách thức nộp hồ sơ ra sao? (
tam_lecong@yahoo.com)
Để có thể dự thi vào khối các trường quân đội thì bắt buộc thí sinh phải tham gia sơ tuyển tại Ban chỉ huy quân sự nơi mình đăng ký hộ khấu thường trú. Chỉ có những thí sinh đạt sơ tuyển thì cán bộ tuyển sinh mới thẩm tra lý lịch và cấp hồ sơ ĐKDT.
Em nên lưu ý: Mẫu hồ sơ ĐKDT của khối trường quân đội là do Bộ Quốc phòng cấp phát không bán công khai. Chỉ có những thí sinh ĐKDT hệ dân sự của khối các trường quân đội thì không phải tham gia sơ tuyển mà chỉ cần mua mẫu hồ sơ của Bộ GD-ĐT và làm theo hướng dẫn sau đó nộp theo theo đúng thời gian quy định.
Em muốn hỏi làm hồ sơ dự thi như thế nào? Và ví dụ như thi khối A thì chỉ được nộp hồ sơ vào 1 trường hay được nhiều trường? (
white_rabbit9x@yahoo.com.vn)
Để làm hồ sơ ĐKDT em chỉ cần mua một bộ hồ sơ ĐKDT và làm theo hướng dẫn. Để có thể làm chính xác em cần phải tham khảo thêm thông tin mã ngành, mã trường mình muốn ĐKDT ở cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010”.
Bên cạnh đó em cần tham khảo thêm đối tượng ưu tiên (nếu mình thuộc diện đối tượng ưu tiên) và mã trường, mã tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Gần đến ngày làm hồ sơ ĐKDT, Dân trí sẽ có hướng dẫn chi tiết để các bạn thí sinh có thể tham khảo.
Ở hồ sơ ĐKDT chỉ có mục 2 và mục 3 là các bạn thí sinh thường hay nhầm lẫn. Em cần nhớ điều này: Nếu đăng ký nguyện vọng vào trường có tổ chức thi thì chỉ ghi mục 2, bỏ trống hoàn toàn mục 3.
Nếu đăng ký NV vào trường không tổ chức thi thì đồng thời ghi cả mục 2 và mục 3. Trong đó mục 2 là ghi trường muốn đăng ký dự thi nhờ (trường này có tổ chức thi) và bỏ trống ô mã ngành. Mục 3 là trường thí sinh muốn đăng ký nguyện vọng (ghi đầy đủ các mục tên trường, khối thi, mã ngành)
– Hiện tại Bộ chưa có một quy định nào cấm thí sinh ĐKDT nhiều trường. Chính vì thế ở mỗi khối thi em hoàn toàn có quyền nộp hồ sơ ĐKDT vào nhiều trường.
Theo em được biết thì trường ĐH Cửu Long có tuyển sinh một số ngành kinh tế khối B như Tài chính tín dụng, quản trị kinh doanh. Em dự định thi khối B, vậy trường này tuyển sinh như vậy có đúng không? (
khuugia10@yahoo.com.vn)
Thật ra vào thời điểm hiện tại mặc dù có nhiều trường đã công bố chỉ tiêu tuyển sinh năm 2010 nhưng đó mới chỉ là dự kiến. Việc được phân bổ chỉ tiêu ra sao, khối dự thi đầu vào là khối nào sẽ do Bộ GD-ĐT cân nhắc và quyết định. Thông tin này chỉ được cập nhật vào trong cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010”. Chính vì thế em nên đợi quyển cẩm nang này phát hành để biết chính xác trường ĐH Cửu Long có tuyển sinh khối B đối với một số ngành kinh tế hay không.
Theo Ban tư vấn được biết thì các năm trước đây trường ĐH Cửu Long là trường không thi tuyển mà chỉ xét tuyển. Nhằm tăng số lượng sinh viên vào trường nên có xét tuyển khối B ở một số ngành kinh tế. Tuy nhiên với sự quản lý chặt thì năm 2010 điều này sẽ khó có thể xảy ra nữa.
Em có xem lại các đề thi đại học môn Tiếng Anh từ năm 2006 đến năm 2009. Ở phần ngữ âm, tất cả các đề đều chỉ cho dạng bài tập về dấu nhấn, chứ không có dạng bài tập về phát âm. Em xin hỏi đây có phải là một quy tắc áp dụng cho tất cả các đề thi đại học môn Tiếng Anh không? Nếu vậy thì em có nên bỏ qua phần bài tập ngữ âm dạng phát âm không? (
nguyendinhtan1992@gmail.com)
Theo Ban tư vấn thì em nên bám theo cấu trúc đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ để ôn tập. Về cơ bản thì cấu trúc đề thi ĐH, CĐ năm 2010 không khác so với năm 2009 nên em có thể tìm cầu trúc năm 2009 để nắm rõ hơn về những phần kiến thức phải học.
Qua kiểm tra của Ban tư vấn thì về lĩnh vực ngữ âm thì yếu tố/chi tiết cần kiểm tra là trọng âm từ (chính/phụ); trường độ âm và phương thức phát âm. Như vậy không thể có cơ sở để kết luận là đề thi môn Tiếng Anh sẽ không có bài tập về phát âm.
Em có một câu hỏi chung và cũng là thắc mắc của rất nhiều các bạn. Năm nay em đang là sinh viên năm thứ nhất của 1 trường ĐH, đã thi xong HK1. Hiện nay, em có nhu cầu bảo lưu kết quả để ôn thi lại. Vậy em muốn hỏi sau khi bảo lưu thì em có phải là thí sinh tự do không và đi thi có cần xin phép hiệu trưởng không? Nếu em đậu trường mới thì có bị xử lý theo quy chế không? (
ip2007pro@gmail.com)
Trước hết phải nhấn mạnh với em điều này, đề được bảo lưu còn có những quy định ràng buộc chứ không có chuyện sinh viên nào muốn được bảo lưu thì nhà trường đều chấp nhận cả.
Theo quy định thì nếu hết thời gian bảo lưu mà sinh viên không đến học tiếp thì coi như bỏ học và sẽ bị xóa hồ sơ. Dựa vào điểm này thì có thể khẳng định khi sinh viên được nhà trường đồng ý cho bảo lưu thì hoàn toàn có thể coi mình là thí sinh tự do để dự thi lại ĐH mà không nhất thiết phải xin phép Ban giám hiệu nhà trường.
Nếu sau này em thi đậu không đến trường cũ tiếp tục học thì sau khi hết hạn bảo lưu thì coi như em đã bỏ học ở trường đó.
Theo Dân trí
Tin liên quan
Trong quá trình làm bài thi, một số học sinh hay bị căng thẳng, áp lực khiến các em tạm quên kiến...
Sau tốt nghiệp THCS, học sinh có thể học trường THPT công lập, trung tâm GDNN-GDTX, trung cấp nghề… Các em lựa...
Xét tuyển trực tuyến vào THCS; còn tuyển sinh vào lớp 10 thì gồm thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa...
Ngày 13-1, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có văn bản về việc gửi góp ý, kiến nghị phục vụ công tác xây dựng...
Bình luận (0)