Có thể bỏ phần đề riêng đã làm để chọn làm phần còn lại? Có được đổi hay xin tờ Phiếu trả lời trắc nghiệm khác hay không? Những lỗi thí sinh thường gặp dẫn đến mất điểm khi làm bài thi trắc nghiệm?… Những nội dung thí sinh quan tâm trước khi bước vào phòng thi đã được Tuổi Trẻ chuyển tới TS Trần Văn Nghĩa- Phó trưởng ban chỉ đạo thi tuyển sinh 2009 của bộ GD-ĐT.
Thưa ông, nhiều thí sinh thắc mắc xung quanh qui định chỉ được làm một phần đề riêng, nếu như đã chọn làm một phần đề riêng nhưng thí sinh thấy không phù hợp, muốn thay đổi, bỏ phần đã làm để chuyển sang làm phần riêng còn lại thì phải làm như thế nào để không bị coi là phạm qui?
Thí sinh có thể thay đổi sự lựa chọn phần riêng của đề thi trong lúc làm bài chứ không nhất thiết là đã chọn rồi thì chỉ được làm phần đó. Ví dụ như thí sinh chọn một phần riêng rồi sau đó thấy khó hoặc không muốn làm tiếp mà chuyển sang làm phần riêng còn lại. Tuy nhiên, thí sinh phải đặc biệt lưu ý để không bị rơi vào tình trạng vô tình phạm qui do bị tính là làm cả hai phần riêng. Vì theo qui định áp dụng cho kỳ thi tuyển sinh năm nay, dù làm hết hay chưa, có làm đúng hay không, nếu có phần bài làm cả hai phần riêng đều sẽ không được chấm, chỉ được chấm phần đề chung. Do đó, trong trường hợp muốn thay đổi, tùy theo đó là môn thi tự luận hay trắc nghiệm, thí sinh phải có cách xử lý bài làm phù hợp.
Đối với môn thi trắc nghiệm (vật lý, hóa học…), do các câu trả lời sẽ điền trên phiếu trả lời trắc nghiệm bằng bút chì nên thí sinh muốn thay đổi lựa chọn đối với phần đề riêng thì chỉ cần tẩy sạch các câu trả lời cho phần đó rồi mới chuyển sang trả lời các câu mới. Nếu để sót còn có câu trả lời nào ở phần đã bỏ bị đánh dấu, bài làm vẫn bị coi là làm cả hai phần và phạm qui.
Đối với môn thi tự luận như môn toán, phần bài làm bỏ đi cần lấy bút cùng màu mực với bài làm gạch ngang theo từng dòng kẻ đến hết phần cần bỏ, tuyệt đối không dùng bút xóa. Thí sinh cũng không được đóng khung rồi kẻ chéo phần bài làm muốn bỏ vì sẽ bị coi là có dấu hiệu đánh dấu bài và bài thi sẽ bị xử lý riêng theo qui chế.
Vậy những bài thi như thế nào bị coi là có dấu hiệu bất thường, đánh dấu bài và sẽ bị xử lý như thế nào, thưa ông?
Ngay trước khi bắt tay vào chấm thi, các hội đồng chấm thi sẽ kiểm tra, sàng lọc riêng những bài thi làm trên giấy khác với giấy dùng cho kỳ thi tuyển sinh năm nay, bài có viết bằng mực đỏ, bút chì, bài làm trên giấy nháp, bài có hai thứ chữ khác nhau hoặc có viết vẽ những nội dung không liên quan đến bài thi…
Đối với những bài thi nhàu nát hoặc có dấu hiệu bất thường, hội đồng chấm thi sẽ tổ chức chấm tập thể. Nếu đủ căn cứ xác định lỗi cố ý của thí sinh thì bài thi sẽ bị trừ 50% điểm toàn bài. Bài thi có thể bị cho điểm 0 đối với từng phần của bài thi hoặc toàn bộ bài thi nếu là trường hợp viết trên giấy nháp, giấy không đúng qui định, bài thi viết bằng các loại chữ, các loại mực khác nhau. Riêng với những trường hợp viết vẽ những nội dung không liên quan đến bài thi sẽ bị hủy bỏ kết quả thi của cả ba môn.
Thí sinh lưu ý, đối với các môn thi trắc nghiệm chỉ dùng bút chì để tô câu hỏi nhưng các môn thi tự luận lại tuyệt đối không được sử dụng bút chì để làm, viết bài thi.
Đối với các môn thi trắc nghiệm, nếu có vấn đề xảy ra với tờ phiếu trả lời như bị tẩy xóa, rách nát hay bôi bẩn…, thí sinh có được đổi tờ khác thay thế không?
Về nguyên tắc, tờ phiếu trả lời trắc nghiệm chỉ phát cho thí sinh một lần, không được đổi hay phát thay thế như đối với tờ giấy thi thông thường của các môn tự luận. Theo đúng qui định, số tờ phiếu trả lời chỉ in vừa đủ tương ứng với số lượng đề thi và thí sinh trong phòng thi. Tờ phiếu này chỉ được xem xét đổi duy nhất trong trường hợp ngay khi vừa phát cho thí sinh, nếu thí sinh phát hiện ngay có hiện tượng bị lỗi, rách, hỏng… trước khi làm bài. Vì thế, thí sinh cần lưu ý, khi nhận được tờ phiếu trả lời trắc nghiệm thì ngay lập tức phải kiểm tra kỹ để nếu phát hiện có vấn đề gì khác thường thì đề nghị cán bộ coi thi kiểm tra và giải quyết ngay. Sau khi cán bộ coi thi đã ký vào phiếu và đã tính giờ làm bài thì không được đổi nữa.
Trong quá trình làm bài thi, thí sinh phải chú ý tự bảo vệ tờ phiếu bài làm, không làm nhàu nát, rách rời, tẩy xoá cẩn thận, nhẹ nhàng không làm thủng giấy hoặc bôi bẩn. Vì nếu để xảy ra những tình huống đó, bài thi khi đưa vào chấm bằng máy cũng dễ gặp trục trặc hơn.
Vậy xin ông cho biết, theo kinh nghiệm xử lý bài thi trắc nghiệm những năm trước, những lỗi thí sinh thường mắc phải trong lúc làm bài có thể làm ảnh hưởng đến kết quả thi là gì?
Thí sinh chỉ được làm bài thi trắc nghiệm bằng bút chì đen, không tô câu trả lời bằng bất cứ màu mực nào khác để đảm bảo máy quét có thể đọc chính xác các câu trả lời. Đã có trường hợp thí sinh có thể lo tô bằng bút chì không rõ nên tô lại bằng bút bi, máy sẽ không nhận được và sẽ bị mất điểm nếu bài thi không được phát hiện và xử lý riêng. Sai sót thí sinh thường gặp trong lúc làm bài thi là khi muốn thay đổi sự lựa chọn phương án trả lời thì tẩy không kỹ, không kết vết tô ở phương án đã bỏ, thành ra cùng một câu, có 2-3 phương án lựa chọn. Những câu như vậy, máy sẽ tự động không chấm và không được điểm.
Thí sinh cũng cần đặc biệt chú ý, không được tô sai mã đề và viết sai số báo danh trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Đối với bài thi trắc nghiệm viết nhầm mã đề sẽ dẫn đến bài thi có kết quả bằng 0 vì các câu hỏi và phương án trả lời bị xáo trộn hoàn toàn khác nhau giữa các mã đề. Liên quan đến kết quả thi, thi sính cũng phải chú ý kiểm tra, đối chiếu thứ tự giữa câu hỏi và câu trả lời trên phiếu trả lời trắc nghiệm, tránh trường hợp chọn phương án đúng lại thành sai do bị lệch thứ tự giữa đề và câu trả lời.
Đối với những thí sinh nếu chọn phần riêng thứ hai của đề thi còn phải chú ý trên phiếu trả lời cũng để bỏ cách đúng số câu trả lời tương ứng với phần đề riêng thứ nhất mình không làm. Đã có trường hợp chọn các câu trắc nghiệm của phần đề riêng thứ hai nhưng khi điền trên phiếu trả lời thì quen tay đánh dấu tuốt vào những câu của phần đề riêng thứ nhất liền sát với phần đề chung.
Xin cảm ơn ông.
THANH HÀ thực hiện(TTO)
Bình luận (0)