Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Cơ duyên Việt – Nhật

Tạp Chí Giáo Dục

“Những ngày giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản” lần 7-2009 (14 đến 16-8) vừa khép lại đêm 16-8 tại Hội An (Quảng Nam).

Múa trống Nhật Bản – một trong những màn trình diễn đặc sắc tại Những ngày giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản – Ảnh: H.Duy

Có mặt tại Hội An những ngày qua, đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản Sakaba Mitsuo nói: “Mùa hè năm nay, “phố người Nhật” từng tồn tại cách đây 400 năm tại Hội An được tái hiện trong sự kiện Những ngày giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản. Đây cũng chính là sự kiện chứa đựng tâm huyết của những người tổ chức nhằm tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị Nhật – Việt lên tầm cao mới. Và cách đây mười năm khi Hội An được công nhận là di sản văn hóa thế giới, rất nhiều chuyên gia Nhật Bản đã tới để hợp tác và hiện vẫn đang nỗ lực trong công tác bảo tồn di tích. Đây cũng là minh chứng cho cơ duyên hợp tác sâu sắc Nhật – Việt hơn 400 năm qua”.

10 năm nhìn lại hành trình di sản

Tại hội thảo quốc tế kỷ niệm 10 năm đô thị cổ Hội An được công nhận di sản văn hóa thế giới (15 và 16-8), ông Nguyễn Sự ghi nhận từ khi Hội An được công nhận là di sản văn hóa thế giới (4-12-1999), đô thị cổ này không chỉ là tài sản của VN mà là tài sản chung của cả nhân loại. Và để bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đó không chỉ có sự quan tâm của chính quyền mà chính những người dân ở đô thị cổ đã chung tay bảo vệ có hiệu quả các di tích. “Các nhà khoa học đã và đang thực hiện 20 đề tài nghiên cứu về lịch sử, kiến trúc, văn hóa… đã có những kết quả khả quan. Địa phương cũng đã đầu tư hơn 60 tỉ đồng để tu bổ 149 di tích, ngoài ra còn hướng dẫn người dân tu bổ, nâng cấp 1.125 di tích khác” – ông Sự cho biết.

Ông Tsuno Motonori và ông Nakamura Toshio đến từ khu di sản văn hóa thế giới mỏ bạc Iwami (Nhật Bản) cũng ghi nhận những cố gắng của Hội An trong công tác trùng tu, bảo tồn di tích…

ĐOÀN CƯỜNG

Chính từ tình cảm đó, tâm huyết đó mà năm nay các bạn Nhật Bản đã quy tụ một đội ngũ hùng hậu gồm hơn 500 chuyên gia, nghệ sĩ, doanh nhân, tình nguyện viên đến với phố cổ Hội An cùng phối hợp tổ chức các hoạt động.

Năm đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp với các màn trình diễn đặc sắc như: đánh trống Nhật của ban trống Takatomi Seiungumi, biểu diễn của ban nhạc Gypsy Queen, trình diễn tap dance trẻ trung, sôi động của nhóm Rhym Collection với nghệ sĩ trống Aya hay trình diễn piano bằng ngón đàn điêu luyện của nghệ sĩ Higuchi Ayuko. Đó là không kể những hoạt động đã thành nền nếp như trình diễn trà đạo, chụp ảnh với trang phục yukata, lễ hội đập bánh nếp, ẩm thực Nhật Bản, trò chơi trẻ em, trình diễn thời trang kimono…

Về phía Việt Nam, Hội An đãi các bạn Nhật và du khách một đại tiệc thịnh soạn với “Không gian văn hóa Việt” gồm hơn 30 gian giới thiệu đặc trưng văn hóa ba miền Bắc – Trung – Nam. Chỉ riêng việc đúc thành công một trống đồng Đông Sơn theo công nghệ truyền thống ngay tại phố cổ (14-8) và chương trình nói chuyện chuyên đề văn hóa của GS-TS Trần Văn Khê (15-8) đã để lại những dấu ấn tốt đẹp.

Đáng chú ý trong hai ngày 15 và 16-8 đã diễn ra 15 hội thảo mang tầm châu Á về “Hội An – 10 năm di sản văn hóa thế giới” với các chuyên đề về quản lý, bảo tồn di sản, khảo cổ, kiến trúc, du lịch, môi trường, phòng chống thiên tai, giáo dục, công nghệ thông tin, ẩm thực… Các hội thảo thu hút nhiều chuyên gia cùng khoảng 300 sinh viên chín trường đại học trên cả nước và đại diện năm trường đại học tại Nhật Bản cùng các nước lân cận tham dự.

Trong ngày cuối của hội thảo “Hội An – 10 năm di sản văn hóa thế giới” sáng 16-8, ông Tsuno Motonori, trưởng đại diện văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại VN, đại diện các đại biểu đọc “Tuyên bố chung Hội An 2009” với những kiến nghị bổ sung góp phần cải thiện công tác bảo tồn và phát triển bền vững các khu vực lịch sử. Đó là việc sử dụng đất và những chính sách, kế hoạch quản lý đô thị; phát huy việc sử dụng các vật liệu và kỹ thuật truyền thống để bảo tồn di sản kiến trúc ở các khu vực lịch sử; tăng cường hợp tác khu vực trong nghiên cứu bảo tồn và phát triển các dự án liên quan đến các khu vực lịch sử và kỹ thuật ứng dụng bền vững.

Dịp này, chiều 16-8 người dân Hội An và các bạn Nhật cùng nhau hoan hỉ đón chào tấm bằng Unesco công nhận Cù Lao Chàm – Hội An là khu dự trữ sinh quyển của thế giới ngay tại xã đảo.

Ông Nguyễn Sự, bí thư Thành ủy Hội An, không giấu nỗi vui mừng trước những thành công ngoài dự kiến của Những ngày giao lưu văn hóa Việt – Nhật lần 7 này và khẳng định: “Quan hệ giao lưu Việt – Nhật trên đất Hội An hiện nay là chuỗi tiếp nối không bị cắt đoạn của cả quá trình lịch sử”.

HOÀNG DUY

Không gian Truyện Kiều tại Hội An

Cuốn thư pháp Truyện Kiều (độc bản) của Nguyệt Đình trong gian trưng bày về Nguyễn Du tại Hội An – Ảnh: Hoàng Duy

Từ 14 đến 18-8, trong khuôn khổ tuần lễ “Những ngày giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản”, một không gian Truyện Kiều với những hiện vật đặc sắc về Nguyễn Du đang được Ban quản lý di tích Nguyễn Du (Hà Tĩnh) triển lãm tại TP Hội An.

Không gian Truyện Kiều là điểm nhấn chính của gian trưng bày do Sở VH-TT&DL tỉnh Hà Tĩnh thực hiện, chủ đạo là cuốn Kiều cổ năm 1866, đĩa sứ mai hạc có bút tích của Nguyễn Du, hai cuốn sách thư pháp Truyện Kiều – một cuốn nặng 75kg và một cuốn dài 300m.

Lần đầu tiên, một số hiện vật cũng được trưng bày như bốn con tem mệnh giá 12 xu và 1 đồng phát hành một lần vào năm 1965 nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du.

L.GIANG

Theo TTO

Bình luận (0)