Y tế - Văn hóaThư giãn

Cô gái Cao Lan mê cải lương miền Nam

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Không phải chờ đến mùa giải Chuông Vàng vọng cổ 2014 và giải ba của thí sinh Nguyễn Thị Lý, khán giả cải lương miền Nam mới được thưởng thức tài năng của “phái đẹp” ở Nhà hát cải lương Việt Nam.
Trước đó, trong chuyến "Nam tiến” với vở Chuyện tình Khau Vai, Nhà hát cải lương Việt Nam đã “trình làng” khá nhiều gương mặt nữ có cả thanh lẫn sắc của cải lương đất Bắc. Trong số đó, Ninh Thị Như Quỳnh nổi trội cả với lợi thế của một đào chánh từ sắc vóc đến ca diễn và bản lĩnh của một diễn viên chuyên nghiệp.

Ninh Thị Như Quỳnh – cô gái Cao Lan mê cải lương miền Nam
Câu chuyện tình tình yêu phảng phất sắc màu cổ tích của chàng Ba – nàng Út trên đỉnh Khau Vai trở nên sống động, lãng mạn, bay bổng hơn một phần không nhỏ nhờ nét đẹp trong sáng, chất giọng mềm mại và lối diễn xuất nhẹ nhàng nhưng đầy ắp cảm xúc của Như Quỳnh.
Thực ra, với không ít khán giả cải lương miền Nam, Ninh Thị Như Quỳnh không phải là cái tên quá lạ lẫm. Trong Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2012 tổ chức tại Đồng Nai, Ninh Thị Như Quỳnh đã là một cái tên được nhiều người chú ý với vai diễn Hoa (vở Mê Cung). Sau xuất diễn dự thi, Mê Cung cũng có một đêm diễn ra mắt khán giả TP.HCM ở rạp Thủ Đô.
Vào vai một người vợ biết chồng nhiễm HIV do thiếu chung thủy, Hoa dù đau đớn và rất giận chồng nhưng cô vẫn cố gắng yêu thương, chăm sóc chồng từng miếng ăn, giấc ngủ. Chỉ có điều nỗi ghê sợ HIV đã khiến Hoa không thể cho chồng cảm giác ấm áp của cuộc sống vợ chồng. Tất cả những cung bậc cảm xúc, sự dồn nén trong tâm hồn được Như Quỳnh thể hiện bằng ánh mắt, khuôn mặt và cách xử lý khá thông minh trong từng hành động hình thể.
Nhẹ nhàng, không lên gân, không gào thét khi đau khổ nhưng Hoa của Như Quỳnh vẫn đủ sức dẫn dắt người xem cùng trăn trở với số phận của nhân vật. Trước đó, tên Ninh Thị Như Quỳnh cũng từng được nhắc đến ở cuộc thi Chuông vàng Vọng cổ liên tục trong hai năm 2009 và 2010. Tuy cả hai lần đều chỉ được trao giải khuyến khích, nhưng Ninh Thị Như Quỳnh cũng đã để lại cho khán giả nhiều ấn tượng đẹp về một cô đào trẻ của cải lương đất Bắc.
Trái ngược với một Như Quỳnh nhẹ nhàng và có phần hơi nhút nhát, rụt rè trong cuộc sống, Như Quỳnh trong nghề nghiệp lại là người rất mạnh mẽ và dám dấn thân, chấp nhận thử thách để được hóa thân vào nhân vật. Ra trường sau 3 năm, lần đầu tiên được đạo diễn giao đảm nhnận vai thứ chính với điều kiện phải ca, thoại lời bằng giọng miền Nam. Ròng rã cả tháng trước khi lên sàn tập, Như Quỳnh không chỉ nghe băng đĩa các chương trình cải lương của nghệ sĩ miền Nam để bắt chước luyện giọng mà còn tận dụng mọi cơ hội tiếp xúc với người miền Nam để lắng nghe cách họ phát âm khi nói chuyện và học cả phong thái, tính cách của người Nam bộ.

Như Quỳnh trong Mê Đê
Với vóc dáng, chất giọng tưởng chừng chỉ phù hợp với những vai diễn đào thương, nhưng ở cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên sân khấu cải lương và dân ca kịch tháng 6/2014, Như Quỳnh đã khiến không ít những người biết cô ngạc nhiên với một hóa thân hoàn toàn khác lạ. Mê Đê (vở Mê Đê) của Như Quỳnh có hai gương mặt hoàn toàn khác biệt trong một con người. Đó là một Mê Đê ngây thơ, trong trắng và một người phụ nữ độc ác, sẵn sàng ra tay sát hại cả những người thân yêu ruột thịt của mình chỉ vì thứ tình yêu mù quáng và khát vọng chiếm hữu tình yêu.
Linh hoạt trong biến đổi những sắc thái tâm lý, rất giỏi trong diễn xuất bằng ánh mắt, Mê Đê của Như Quỳnh được nhiều khán giả, đồng nghiệp và dư luận đánh giá khá cao. Rất không có duyên trong thi cử, chiềc huy chương tưởng đã cầm chắc trong tay vẫn cứ thích chơi trò “cút bắt” với Như Quỳnh. Nhưng cô vẫn hồn nhiên chia sẻ: “Mê Đê là cơ hội để tôi được thử sức với dạng vai vẫn bị cho là không hợp sở trường. Vượt lên được chính mình, được bạn bè đồng nghiệp và khán giả công nhận, với tôi những điều đó còn giá trị hơn các giải thưởng gấp nhiều lần”.
Xem, nghe Như Quỳnh ca diễn, trò chuyện với cô về nghề nghiệp hẳn nhiều người sẽ còn ngạc nhiên hơn trước tình yêu đến kỳ lạ dành cho cải lương Nam bộ của cô gái dân tộc Cao Lan. Nhà ở huyện miền núi Sơn Dương (Tuyên Quang) xa xôi, từ bé Như Quỳnh chỉ mê viết văn, mơ sẽ theo nghiệp viết lách khi trưởng thành. Khi những bài tản văn đầu tiên của Như Quỳnh được phát trên Đài tiếng nói Việt Nam, cô đã được bố tặng cho một chiếc radio.
Với cô bé học sinh lớp 9, cuộc sống còn nhiều khó khăn thì chiếc radio nhỏ là cả một “gia sản” . Và như Như Quỳnh bộc bạch thì “Cải lương với tôi như là duyên, là nợ” . Cô bé vốn chỉ mê viết văn bắt đầu chuyển sang mê cải lương Nam bộ qua những bài ca cổ được phát trên đài từ lúc nào chẳng hay. Dù giấu kín bạn bè, nhưng thông tin Như Quỳnh làm hồ sơ thi vào ĐH SK-ĐA Hà Nội Khoa Diễn viên cải lương vẫn nhanh chóng “lan truyền” khắp khối 12 năm đó và khiến cả bạn bè lẫn thầy cô đều ngỡ ngàng.

Như Quỳnh, vai nàng Út trong vở Chuyện tình Khau Vai
Từng có cảm giác chênh chao, suy nghĩ nên đi tiếp hay bỏ nghề sau những thất vọng về cách làm việc, quan điểm của một số người làm nghề và cả những tiêu chí chấm giải của các cuộc thi cử, liên hoan.
“Đặt tất cả mọi thứ lên “bàn cân”: bỏ nghề mình vẫn có nhiều cơ hội theo đuổi những loại hình nghệ thuật khác và còn kiếm được nhiều tiền hơn; cơ hội được công chúng biết đến cũng nhiều hơn. Nhưng mình sẽ hụt hẫng, chơi vơi lắm nếu không còn được nghe tiếng đàn, không được ca diễn và khóc cười với số phận nhân vật… Cuối cùng tôi đã quyết định chọn ở lại với cải lương và tâm niệm: mình sẽ làm hết sức vì nghề nghiệp, vì sự tiến bộ của bản thân mà không quan tâm đến bất kỳ yếu tố nào khác, kể cả giải thưởng, danh hiệu. Quan niệm sống của tôi rất đơn giản, chỉ cần được làm điều mình muốn và sống hết mình với đam mê của mình” – Như Quỳnh chia sẻ.
Tốt nghiệp gần sáu năm nhưng mới chỉ được giao 4 vai quan trọng trong các vở diễn. Con số tuy không nhiều nhưng thể hiện một quá trình phấn đấu bền bỉ không ngừng của cô đào trẻ – người vốn được cho là không nhiều tố chất diễn viên do quá nhút nhát, rụt rè.
Đến với cải lương bằng tình yêu mộc mạc và gắn với nghiệp diễn bằng tất cả niềm đam mê, con đường nghệ thuật của Ninh Thị Như Quỳnh vẫn đang trải dài thênh thang phía trước.
Theo PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)