Tròn 6 năm trên cương vị Phó Bí thư Đoàn thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), Trần Thị Một đã có nhiều đóng góp trong các phong trào hoạt động, chia sẻ khó khăn với đoàn viên, chung tay cùng bản làng phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống, giữ gìn nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Cơ Tu đến với bạn bè khắp nơi.
Trần Thị Một (thứ ba từ phải sang) tích cực vận động đoàn viên trong thôn giữ nghề thổ cẩm
Trần Thị Một cũng là người con Cơ Tu đầu tiên ở Hòa Bắc được tham dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc vào ngày 30-5 vừa qua.
Chia sẻ khó khăn với đoàn viên
Về Giàn Bí, muốn gặp Trần Thị Một, không còn cách nào khác phải đợi tới giờ nghỉ trưa bởi hầu hết thời gian trong ngày Một rất bận rộn với các hoạt động của công tác Đoàn. Một nói, ở miền xuôi, việc tổ chức một hoạt động Đoàn khó một thì ở vùng cao này khó gấp nhiều lần. Tròn 28 tuổi, Một đã có tới 8 năm công tác Đoàn, trong đó 6 năm liên tục giữ chức vụ Phó Bí thư. Với Một, hoạt động Đoàn như cơ duyên. Một từng theo học lớp trung cấp sư phạm mầm non rồi theo nghề giáo 3 năm. “Năm 2013 ra trường là em đi dạy luôn. Hồi đó em vừa đi dạy vừa tham gia Đoàn ở thôn. Đến năm 2016 em bị ốm nặng nên quyết định nghỉ dạy, tập trung cho công tác Đoàn”, Một nói.
Cách trung tâm thành phố tầm hơn 30km, thôn Giàn Bí là nơi tập trung chủ yếu đồng bào Cơ Tu sinh sống. Cũng như nhiều vùng núi khác dưới chân dãy Trường Sơn, dọc miền Trung, người Cơ Tu ở Giàn Bí vẫn còn nghèo, đời sống kinh tế phần lớn dựa vào nương rẫy, những khoảng rừng trồng keo tràm. Thanh niên trong thôn lớn lên phần đi làm thuê, học nghề hoặc theo nương rẫy. Chuyện tham gia sinh hoạt Đoàn không mấy ai mặn mà. Dấu chân của Một in khắp nơi từ đầu tới cuối thôn để vận động. Một lần chưa thông, lần sau cô quay lại tiếp tục động viên thanh niên tham gia. Cứ thế, số đoàn viên thôn đến nay đã có hơn 20 người.
Giữ gìn văn hóa truyền thống
Người Cơ Tu có rất nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc nhưng vì nhiều điều kiện khách quan nên dần phai nhạt. Một kể, người Cơ Tu có nghề dệt thổ cẩm truyền thống rất đẹp nhưng từ nhiều năm trước, ở Giàn Bí dường như không còn ai giữ nghề. Trong một lần được tham quan tìm hiểu về nghề thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu ở Quảng Nam, Một trăn trở rất nhiều. Ý tưởng sẽ gầy dựng lại nghề truyền thống đã mai một được chính quyền xã quan tâm ủng hộ. Lớp học nghề dệt thổ cẩm được xã mời nghệ nhân từ Tây Giang (Quảng Nam) về dạy. Thế là Một có điều kiện đi học và vận động thêm nhiều đoàn viên khác trong thôn cùng đi. “Vận động mọi người đi học dệt trước hết là phát truy được làng nghề truyền thống, mặt khác mình có thể làm ra những sản phẩm có thể bán kiếm thêm thu nhập lo cho gia đình, không phải đi lên rừng làm thuê. Đó là chưa kể, từ vải dệt thổ cẩm mình có thể may được túi xách và quần áo cho con đến trường, đỡ được một khoản chi tiêu mua sắm”, Một chia sẻ.
Ở thôn, Một còn tham gia và là đội trưởng đội múa của thôn với khoảng 40 thành viên. Một đã cùng đội mang điệu múa “Tung tung da dá” của đồng bào Cơ Tu đi biểu diễn ở các chương trình xúc tiến du lịch, giới thiệu với du khách đến tham quan tại địa phương. Chi đoàn thôn cũng tham gia phát triển du lịch trải nghiệm và giới thiệu nghề dệt thổ cẩm, các điệu múa truyền thống Cơ Tu, giúp các đoàn viên trẻ không chỉ phát triển kinh tế mà còn bồi đắp tình yêu quê hương, am hiểu sâu hơn về văn hóa của dân tộc mình.
Vinh dự góp mặt trong Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc với Trần Thị Một là một niềm tự hào: “Em rất hạnh phúc khi được đại diện cho các bạn trẻ Cơ Tu tham dự đại hội. Em mong các bạn trẻ nỗ lực hơn nữa để rèn luyện bản thân, đưa quê hương mình phát triển hơn nữa cũng như chung tay giữ gìn nét văn hóa đặc sắc của đồng bào mình. Em cũng mong muốn thời gian tới sẽ duy trì phát triển du lịch trải nghiệm, tìm được nhiều đầu ra cho sản phẩm thổ cẩm để bà con cũng như các đoàn viên trong thôn có thu nhập ổn định cuộc sống, đưa văn hóa, sản phẩm của đồng bào mình đến mọi miền đất nước”.
Bài, ảnh: Vĩnh Yên
Bình luận (0)