Y tế - Văn hóaThư giãn

Cô gái đam mê nghệ thuật dân tộc Khmer

Tạp Chí Giáo Dục

Trưởng thành từ ca, diễn sau đó lại lấn sân sang làm biên đạo múa, lĩnh vực nào Sơn Thị Na Vy (Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Khmer tỉnh Bạc Liêu) cũng thành công và để lại dấu ấn trong lòng khán giả.

Tiết mục do Na Vy dàn dựng và tham gia biểu diễn tại Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam bộ tổ chức tại Hậu Giang – Ảnh: Hằng Ni

Con nhà nòi
Năm 17 tuổi, Sơn Thị Na Vy biểu diễn lần đầu tiên tại chùa Kosthum (xã Ninh Thạnh Lợi, H.Hồng Dân) và có một kỷ niệm để đời. Hôm ấy, khi Na Vy đang hát bỗng dưng trời đổ mưa. Xong tiết mục, toàn thân ướt sũng, đêm về đổ bệnh nhưng Na Vy cảm thấy hạnh phúc vô cùng vì những tràng pháo tay tán thưởng của khán giả. Sau lần diễn thành công ấy, Na Vy chính thức được lãnh đạo Đội Thông tin – văn nghệ Khmer tỉnh Bạc Liêu (nay là Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Khmer tỉnh Bạc Liêu, thường được gọi là Đoàn Samaky Bạc Liêu) cho vào biên chế. “Vậy mà đã hơn 11 năm rồi. Đó cũng là khoảng thời gian giúp tôi trưởng thành hơn trong nghiệp ca, diễn”, Na Vy tâm sự.
Là con gái độc nhất trong gia đình có cha mẹ đều là diễn viên, nhạc công của Đoàn Samaky tỉnh Minh Hải (cũ), máu nghệ thuật thấm trong cô bé Na Vy từ nhỏ. Niềm đam mê ca, diễn lớn dần trong Na Vy theo thời gian qua những lần theo cha mẹ đi lưu diễn cũng như từ sự truyền dạy của đấng sinh thành. Nhờ đó, ngay lần đầu tiên đứng trên sân khấu, Na Vy đã gây bất ngờ không chỉ với khán giả mà còn với chính lãnh đạo đoàn.
Sau ngày đội mưa diễn ấy, Na Vy được lãnh đạo Đoàn Samaky Bạc Liêu cử đi học lớp trung cấp diễn viên tại Trường trung cấp Văn hóa – nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu. Tốt nghiệp năm 2010, Na Vy tiếp tục được tham dự nhiều lớp tập huấn ngắn hạn về biên đạo múa và dàn dựng các chương trình nghệ thuật. Niềm đam mê, kiến thức đã học cộng với sự chỉ dẫn tận tình của các bậc tiền bối đã giúp Na Vy ngày càng vững vàng hơn trong môi trường sân khấu chuyên nghiệp, đặc biệt là phát triển sở trường biên đạo và dàn dựng các chương trình phục vụ quần chúng từ năm 2013 đến nay.
Kế thừa “nghiệp tổ”
Cột mốc đánh dấu cho sự thành công rực rỡ của Na Vy chính là tại Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam bộ được tổ chức tại Hậu Giang năm 2014. Cả 6 tiết mục dự thi của Đoàn Samaky Bạc Liêu do Na Vy biên đạo và dàn dựng đều đạt giải (1 giải A, 3 giải B, 1 giải C và 1 giải khuyến khích). Tâm sự với chúng tôi, Na Vy nói rằng cô rất vui vì chương trình đầu tay do mình dàn dựng thành công ngoài mong đợi.
“Na Vy bộc lộ tài năng lúc mới tham gia vào đoàn chưa được bao lâu. Không chỉ múa, hát nhạc và làm diễn viên dù kê ở mức khá, cô còn có khả năng dàn dựng chương trình tốt, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả, đạt nhiều giải cá nhân cũng như đồng đội”, nghệ sĩ Lâm Thế Hiệp, Trưởng đoàn Samaky Bạc Liêu, nhận xét. Hiện Na Vy đã dàn dựng xong 3 chương trình với 45 tiết mục cho đợt lưu diễn phục vụ Tết Chol Chnam Thmay 2015 của đồng bào Khmer. “Một trong 3 chương trình ấy được Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Thị Ái Nam đánh giá rất cao khi lần đầu tiên trình làng phục vụ Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số nhiệm kỳ 2014 – 2019”, nghệ sĩ Thế Hiệp tiết lộ.
Nghệ sĩ Thế Hiệp còn cho biết Ban lãnh đạo đoàn có hướng đào tạo để Na Vy trở thành một hạt nhân trong chiến lược phát triển và tạo mọi điều kiện để Na Vy trau dồi, phát huy sở trường về dàn dựng, biên đạo múa chương trình. Có lẽ đó cũng là mong muốn của Na Vy khi cô thú thiệt: “Tôi đã xác định đeo đuổi và kế thừa “nghiệp tổ” từ cha mẹ truyền lại nên chọn chồng cũng là một đồng nghiệp. Những người cùng nghề sẽ dễ dàng chia sẻ, cảm thông với nhau, giúp nhau cùng tiến bộ và trụ vững với nghề đã chọn”.
Theo TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)