Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Cô gái mù và khát vọng đại học

Tạp Chí Giáo Dục

Vượt quãng đường gần 70 cây số từ phố núi Pleiku về huyện biên giới Đức Cơ (Gia Lai) chúng tôi tìm đến nhà Rơ Lan H’Cămb – Chi Hội trưởng phụ nữ làng H’Rang-Ia Krel-Đức.
Căn nhà chưa đến 20 mét vuông, nhưng ở đó đang cưu mang 10 đứa trẻ mồ côi và một cô em gái mù cháy bỏng ước mơ đến giảng đường…
H’Lin cùng các em bé mồ côi trong nhà của H’Căm – Ảnh: H.K

Rơ Măl H’Căm mới 27 tuổi, song nhìn chị gầy còm, đen sạm cứ như một phụ nữ đã ngoại tứ tuần. Căn nhà trống hoác trước sau, nhìn quanh chẳng thấy gì đáng giá ngoài chiếc ti vi đã quá cũ để cả nhà quây quần bên nhau mỗi tối.

H’Căm, Chi hội Trưởng phụ nữ, đảng viên trẻ của làng H’Rang kể: Vợ chồng chị chỉ có 2 đứa con, một đứa 4 tuổi, một đứa 2 tuổi, song từ năm 2006 đến nay chị phải nuôi chục đứa trẻ con của 2 người chị ruột do bố chúng chết, mẹ chúng suốt ngày uống rượu say xỉn nên các cháu kéo về nương nhờ ở đậu nhà dì.
Căn nhà H’Căm tuy nhỏ nhưng sạch sẽ. Chị nghèo đến mức không có nổi một chiếc bàn cho các cháu  học, một đống sách vở cũ nát để bên góc nhà, việc viết lách làm bài tập 4 cháu nhỏ đều nằm xoãi dưới đất.
H’Căm bảo, việc lo gạo ăn cho 15 nhân khẩu (10 đứa cháu, vợ chồng H’Căm, 2 đứa con cùng cô em gái bị mù là H’Lin) vợ chồng chị đã không kham nổi, lấy đâu ra tiền sắm sửa bàn ghế, sách vở.
Giữa vùng sâu Tây Nguyên đêm muỗi mòng như vung cát, nhưng  gia đình này không có một tấm màn ngủ. Họ trải chiếu nằm sắp lớp dưới đất với tấm chăn mỏng.
Từ năm 2008 gia đình H’Căm lại đón một người em gái mù từ trại nuôi dưỡng trẻ khuyết tật ở TPHCM về. H’Lin, em ruột H’Căm sinh năm 1989, mới sinh ra đã bị Giàng cướp mất ánh sáng đôi mắt. Gia đình thương lắm song không biết chăm sóc bé bằng cách nào.
Có người giới thiệu họ đến các xơ ở TP Pleiku nhờ chăm nom. Thương H’Lin, các xơ đưa em vào bệnh viện Chợ Rẫy chữa mắt, song bệnh viện bảo em mù bẩm sinh không thể chữa được.
Thông qua các xơ, H’Lin  được gửi vào một trường dòng ở huyện Bình Chánh -TPHCM, được các xơ nuôi dưỡng và cho đi học.
H’Lin khoe với chúng tôi, em đã học cùng với các bạn mắt sáng bình thường, học hết trung học phổ thông bằng chữ nổi, kết quả xếp loại khá. Các môn văn, địa lý, sinh vật… em luôn được điểm cao, từ 8 trở lên. Em mơ ước được học lên đại học như bao người khác, song cuộc sống rất khó khăn.
Theo quy định của tu viện, các xơ chỉ nuôi những đứa trẻ khuyết tật như em học đến lớp 12. Qua 18 tuổi, các em phải tự bươm chải kiếm sống, dành suất chăm sóc cho những cảnh đời bất hạnh khác.
H’Lin đang tự rửa bát – Ảnh: H.K

H’Lin về lại gia đình, về với cộng đồng song em cũng chỉ quanh quẩn trong nhà, ăn bám mà không giúp được gì cho chị, chỉ rửa chén bát, tự giặt quần áo cho mình. Nhà quá đông người, ban ngày những đứa trẻ tản mát khắp nơi, đứa đi học, đứa đi chơi đến bữa lại kéo nhau về ăn.

Khao khát cháy bỏng của H’Lin là được học đại học. Cô bảo: Cháu ước mơ được có người giúp đỡ học đại học khoa tâm lý giáo dục. Học xong ra trường em có thể tự kiếm sống nuôi bản thân, không phải ăn bám vào người khác.
H’Lin quả quyết rằng em sẽ thi đỗ đại học, sẽ học cùng với những bạn bình thường, lên giảng đường nghe thầy giảng. H’Lin bảo ước mơ của em là sau này được làm tư vấn tâm lý giáo dục cho các bạn học sinh sinh viên hoặc có thể đi dạy học môn tâm lý.
Mặc dù đã rời mái trường 2 năm nay song H’Lin khẳng định nếu có điều kiện đi học đại học cô sẽ ôn thi, đã có băng cát – sét ôn tập các môn giúp người mù nghe qua băng.
Mùa tuyển sinh năm 2007, khi còn ở TPHCM, H’Lin đã được các bạn đăng ký cho dự thi Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Em đã dự thi tại một hội đồng thi ở Thủ Đức, vào phòng có cô giáo giám thị coi riêng.
Cô giáo đọc bài, H’Lin làm ra chữ nổi sau đó đọc lại cho cô giám thị nghe và chép ra giấy như chữ thường. Bạn bè cho biết H’Lin đã đỗ, song không tìm được người tài trợ kinh phí nên em chán nản, bỏ về quê.
Nhìn cô bé mù nhỏ nhắn, lanh lợi khao khát cháy bỏng được học, được tự nuôi sống bản thân, Nghe H’Lin bày tỏ khát vọng cháy bỏng ấy, chúng tôi chỉ biết vỗ về động viên an ủi em rằng tương lai vẫn còn dài ở phía trước. Rồi lại ước biết đâu bài báo nhỏ này có thể là nhịp cầu để tấm lòng đến với một tấm lòng.
 Huỳnh Kiên/TPO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)