Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Cô gái Nùng xinh đẹp và ước mơ công chức

Tạp Chí Giáo Dục

Vừa tốt nghiệp Khoa kinh tế đối ngoại (Đại học Ngoại thương – Hà Nội), hiện Vũ Phượng Uyên, cô gái dân tộc Nùng, sinh năm 1991, đã tìm được nơi để tiếp tục ước mơ "trở thành một người con dân tộc có nhiều cống hiến cho đồng bào dân tộc" của mình…

Phượng Uyên ước mơ “trở thành công chức nhà nước”.
Xinh đẹp, sắc sảo, Phượng Uyên chinh phục người đối diện ngay từ phút đầu tiên tiếp xúc. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống hiếu học ở Lạng Sơn, 12 năm học phổ thông, Phượng Uyên đều đạt danh hiệu học sinh giỏi.
"Bố mẹ em đều là những học sinh giỏi của ngôi trường cấp III, nơi em theo học. Mẹ em đã từng đoạt giải nhất quốc gia môn Văn hồi lớp 5 và được sang Đức tham dự trại hè", Uyên tâm sự. Học giỏi, nhưng do nhà quá nghèo, nên dù thi đỗ vào trường Đại học Dược, mẹ Phượng Uyên đã phải nghỉ học giữa chừng.
“Mẹ luôn là tấm gương để em phấn đấu noi theo. Mẹ cũng là người định hướng và đưa ra những lời khuyên bổ ích rằng nên học tập như thế nào, nên phấn đấu như thế nào thì sẽ tốt… Và những lời khuyên của mẹ thực sự rất có ích cho em”, Uyên rưng rưng chia sẻ.
Học cấp III tại trường chuyên Chu Văn An (Lạng Sơn), ba năm liền Uyên là học sinh giỏi của lớp chuyên Anh, được nhận học bổng của nhà trường. Trong thời gian học cấp III, Phượng Uyên còn là Bí thư gương mẫu của lớp, từng được Thành đoàn Lạng Sơn khen thưởng vì tích cực tham gia công tác Đoàn.
Năm 2009, Uyên thi đại học và cùng lúc thi đỗ vào hai trường đại học: ĐH Kinh tế – ĐHQG HN và khoa Kinh tế đối ngoại – ĐH Ngoại thương. Phượng Uyên quyết định chọn học trường ĐH Ngoại thương theo đúng ước mơ và nguyện vọng đã nung nấu từ lâu của mình.
Sau khi vào trường đại học, Phượng Uyên tiếp tục đảm nhận vai trò Bí thư lớp và 4 năm liền Phương Uyên là cán bộ đoàn hoạt động năng nổ, nhiệt tình tham gia công tác của đoàn trường và của lớp Anh 16 – K48.
Tâm sự về những khó khăn ngày đầu xuống Hà Nội học đại học, Phượng Uyên chia sẻ: “Thời gian đầu xa nhà em hay tủi thân lắm, ở nhà việc gì cũng có bố mẹ ở bên giúp đỡ, chỉ bảo. Khi xuống đây em phải tự mình làm tất cả mọi việc, phải học cách sống tự lập. Em học cả việc sửa điện để lỡ có vấn đề gì em có thể tự làm được mà không cần phải nhờ đến người khác”.
Năm 2012 và 2013 Uyên được nhận học bổng của trường ĐH Ngoại thương dành cho sinh viên có thành tích học tập xuất sắc, với điểm phẩy hai năm là 8,9 và 9,6.
Không chỉ dừng lại ở đó, với những nỗ lực phấn đấu không ngừng trong học tập và trong hoạt động đoàn thể, năm thứ ba ĐH, Phượng Uyên đã được kết nạp Đảng. Phượng Uyên chia sẻ, việc được đứng trong hàng ngũ của Đảng là điều rất vinh dự và có ý nghĩa với bản thân Uyên, vì nhờ đó em có cơ hội học hỏi kinh nghiệm, vốn sống của những người đi trước.
Uyên tâm sự, vì xác định mục tiêu của mình ngay từ đầu nên trong thời gian học ở trường, nhiều bạn bè tìm những công việc để làm thêm, tích lũy kinh nghiệm sống, thì Uyên vẫn dành toàn bộ thời gian của mình cho việc học tập. Những nỗ lực ấy của Phượng Uyên phần nào được đền bù xứng đáng khi kết quả tốt nghiệp đại học của Uyên xếp thứ 7 toàn trường.
Khác với nhiều bạn bè cùng trường lớp, muốn làm việc tại các tập đoàn lớn hoặc các công ty tư nhân với mức lương “cơ bản” sau khi ra trường, về phần mình, Uyên cho biết: “Em muốn làm việc tại một cơ quan nhà nước, em muốn đóng góp vốn tri thức nhỏ bé của mình vào việc xây dựng và phát triển đất nước. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc mơ ước và nguyện vọng của cá nhân em và của bố mẹ đã được hoàn thành”.
Hiện tại, Phượng Uyên mới nộp hồ sơ và chờ thi công chức vào một cơ quan nhà nước tại Hà Nội, trong thời gian chờ đợi này, Uyên tranh thủ dạy thêm lớp TOEFL tại một trung tâm tiếng Anh. Uyên tâm sự “Việc dạy học giúp em trao dồi thêm kiến thức để phục vụ cho công việc của em sau này”.
Theo Tin tức

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)