Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cô gái thoát chết trong vụ cháy quán karaoke ở Hà Nội: Bài học cơ bản về kỹ năng thoát hiểm

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều người cho rằng việc dùng nội y bịt mũi là một hành động thông minh giúp cô gái trẻ thoát chết trong gang tấc.

B.C may mắn thoát khỏi quán karaoke bị bốc cháy. Ảnh: T.L

Tâm tư của người thoát nạn

Trên dòng status được đăng trên facebook vào ngày 18-9, một ngày sau vụ hỏa hoạn xảy ra, B.C (23 tuổi) viết: “Ngày hôm qua là một ngày quá nặng nề xảy ra với tôi, vừa thoát khỏi thần lửa trong gang tấc vừa đối mặt với bao lời gièm pha của người đời. Chuyện chẳng có gì khi một cô gái bình thường chạy thoát thân ra khỏi đám cháy, chỉ khác thường đám cháy ấy là quán karaoke và trên tay cô gái là một cái áo ngực. Vâng, tôi không làm gì vi phạm đạo đức, không vi phạm pháp luật thì có gì sai? Phải chăng cứ làm việc ở quán karaoke là gái hư? Vậy các bạn có chắc là các bạn chưa từng đến một quán karaoke nào để hát hò với bạn bè? Có phải quán karaoke nào cũng xấu như hầu hết mọi người nghĩ? Có lẽ, cái sai trong mắt các bạn là trên tay tôi là cái áo ngực tôi úp trên mũi mình để thoát chết là sai…”.

Theo lời B.C thuật lại thì đám cháy xảy ra quá nhanh, trong khi những nhân viên nam lấy áo thấm nước che miệng, thì cô “không thể cởi váy ra được nên không còn cách nào khác phải dùng chính áo ngực của mình để tự cứu lấy mình khi khói của đám cháy bắt đầu nghi ngút khắp căn nhà”. Tuy nhiên, vào buổi tối cùng ngày xảy ra vụ cháy, trên mạng xã hội đã lan truyền hình ảnh cô dùng áo ngực bịt mũi, tháo chạy khỏi quán karaoke đang bốc cháy dữ dội cùng với lời ngụ ý “là nhân viên của quán karaoke, trên tay với chiếc áo ngực thoát thân”.

Quá bức xúc, B.C đã có lời “đáp trả” trên facebook nhằm giúp mọi người hiểu đúng về sự việc và những gì cô đã phải trải qua: “Nếu các bạn theo dõi một số video về đám cháy nơi tôi làm việc, các bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy nhiều bạn gái bị sốc khí khi chạy ra khỏi quán. Thoát khỏi cái chết quá may mắn cho tôi, nhưng không ngờ sự may mắn này lại biến tôi trở thành trò cười, sự chế giễu của cư dân mạng. Có lẽ nào tôi chết trong đám cháy ấy còn tốt hơn là may mắn sống đến bây giờ để nhận những lời miệt thị từ các bạn?”.

B.C là một trong những người đã may mắn thoát chết khỏi đám cháy bùng phát tại quán karaoke 7 tầng, số 85G Nguyễn Khang, Hà Nội vào khoảng 18 giờ tối 17-9. Vụ hỏa hoạn xảy ra do cháy biển quảng cáo ở tầng 2, cháy lan ra các tầng khác khiến 20 nhân viên và khách hoảng hốt chạy tán loạn ra ngoài. Nhờ sự nỗ lực của cơ quan chức năng, đến 23 giờ 10, ngọn lửa cơ bản được dập tắt. Bên cạnh những lời lẽ khiến B.C bị sốc, những người đồng tình đều cho rằng cô gái trẻ đã rất nhanh trí và khá thông minh khi dùng “nội y” để tự cứu lấy mình.

Kỹ năng thoát hiểm cần thiết

Theo chiến sĩ Cảnh sát PCCC Huỳnh Quang Tâm, trong các vụ hỏa hoạn, đa phần nạn nhân tử vong vì ngạt thở do khói nhiều hơn là bỏng hay chết cháy. Tâm trạng hoảng loạn lúc đó khiến nạn nhân không còn đủ tỉnh táo để quan sát tìm ra lối thoát hiểm. Do đó, trong tình huống xảy ra hỏa hoạn, khi lượng khói và khí độc cuồn cuộn dày đặc bao phủ, người gặp nạn cần phải thực hiện đúng một số kỹ năng thoát hiểm cơ bản. Trước tiên, để tránh bị ngạt khói, cần lấy khăn hoặc vải hay đồ vật mềm thấm nước che kín miệng và mũi để lọc không khí khi hít thở hoặc sử dụng mặt nạ chống khói nếu có. Sau đó, giữ người ở tư thế đi khom, hạ thấp hoặc bò sát mặt đất (vì không khí sạch hơn ở gần sàn nhà, nên để mũi càng thấp càng tốt) và men theo tường để tìm lối ra. Trong trường hợp phải thoát ra khỏi đám lửa, người gặp nạn cần sử dụng mền nhúng nước, trùm lên người và chạy thật nhanh hướng theo lối thoát hiểm. Tuy nhiên, sau khi thoát khỏi đám lửa nếu bị cháy quần áo, người gặp nạn lập tức phải ngưng chuyển động, tuyệt đối không được chạy vì gió có thể làm lửa cháy bùng thêm, cũng không được nhảy vào hồ bơi, bể hoặc thùng chứa nước vì nước cũng có thể bị nấu sôi khi bị lửa tác động. Do đó, biện pháp duy nhất cần làm lúc này là lấy tay che mặt, nằm xuống và lăn qua, lăn lại cho đến khi lửa được dập tắt hoàn toàn. Sau đó nhanh chóng di chuyển đến lối thoát nạn an toàn, có thể là cửa ra vào, hành lang dẫn tới cầu thang bộ, lối ngang dẫn sang công trình liền kề…

Trong trường hợp không thể ra ngoài vì khói, lửa đã chặn hết lối thoát hiểm, các chuyên gia khuyên cần tập hợp mọi người vào một căn phòng có cửa sổ, ngăn khói và lửa tấn công bằng cách chặn các khe hở quanh cửa ra vào bằng chăn trải giường, mền, quần áo hoặc băng dính; dùng khăn (hoặc quần áo) thấm nước để tránh bị ngạt khói. Nếu phòng có cửa sổ nhưng không giúp người bên trong thoát ra được, hãy mở nó ra để hít thở, gọi cứu hỏa và vẫy tấm vải ngoài cửa sổ để cầu cứu.

Đối với nhà chung cư, sống ở tầng cao không có nghĩa là sẽ nguy hiểm hơn khi có cháy. Hầu như các kế hoạch đều giống như nhà dưới đất. Chưa kể các căn hộ cao tầng luôn có tường, trần và cửa chống lửa sẽ giúp ngăn chặn lửa và khói lại. Tuy nhiên, điểm khác biệt cần lưu ý là khi có cháy ta sẽ không thể sử dụng thang máy, nên cần phải thuộc nằm lòng xem có bao nhiêu cửa trên đường đến thang bộ (phòng trường hợp không nhìn thấy đường). Điều đặc biệt quan trọng là phải đảm bảo cầu thang bộ và cửa thoát hiểm không có chướng ngại vật và cửa không bao giờ bị khóa…

Đinh Vũ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)