Chemoscope – phần mềm hỗ trợ học hóa học tích hợp công nghệ thực tế ảo tăng cường (Augmented reality – AR) thắng một giải tư và hai giải đặc biệt tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế (ISEF) 2017 tổ chức ở Mỹ.
Trần Thị Anh Thư đang đang kiểm tra lại độ hoàn thiện công nghệ thực tế ảo tăng cường được tích hợp trong phần mềm – Ảnh: M.VINH |
Trong thất bại em nhìn ra sai lầm. Thay vì lựa chọn đi cùng đam mê tin học, em đã lựa chọn khác và thất bại. May mắn thất bại đã đến sớm với em. Em bắt đầu học lập trình phần mềm và vùi đầu vào đó dù môn học này chỉ là môn phụ trong trường |
Trần Thị Anh Thư |
Chemoscope là cách “trả thù” môn hóa học và chính tuổi trẻ của Trần Thị Anh Thư, học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Bảo Lộc (Lâm Đồng).
Thư bảo: “Em là học sinh chuyên hóa đã thất bại trong một cuộc thi. Em đi tìm một thành công khác để “trả thù” cho chính thất bại của bản thân và một thời gian tuổi trẻ đã đi sai đam mê và mơ ước”.
Dạy và học hóa trực quan
Chemoscope là công cụ giúp việc học và dạy môn hóa học của học sinh, giáo viên trở nên trực quan. Với phần mềm này, chiếc điện thoại biến thành một phòng thí nghiệm sinh động. Người dùng có thể tra cứu các thông tin về hóa chất, tự xây dựng một phản ứng tương tự trong phòng thí nghiệm và chứng kiến quá trình phản ứng hóa học xảy ra. Nếu phản ứng đó gây nguy hiểm cho người thực hiện thì phần mềm cũng cảnh báo.
Mặt khác, Chemoscope dùng camera của điện thoại đưa không gian phòng thí nghiệm về nhà người dùng để việc học môn hóa trở nên gần gũi.
“Công nghệ AR phần mềm tích hợp cũng chính là công nghệ mà trò chơi Pokemon GO dùng và gây sốt một thời gian. Công nghệ này giúp người dùng Chemoscope đưa cái ảo của phòng học môn hóa về nhà hay bất cứ nơi đâu. Chính vì vậy việc học sẽ dễ dàng thực hiện bất cứ ở đâu với chiếc điện thoại thông minh trên tay” – Thư giải thích.
Công ty công nghệ GoDaddy và Học viện Oracle tại Mỹ đã đánh giá phần mềm của Anh Thư nổi bật trong hạng mục phần mềm dành cho di động. Tuy nhiên, Anh Thư cho rằng “đứa con” của mình quá nhiều lỗi. “Giao diện người dùng chưa khoa học, dữ liệu chưa hoàn thiện, tính tiện dụng chưa cao” – Thư nhận xét. Thư tự đánh giá phần mềm chỉ mới đi đúng hướng về mặt lựa chọn công nghệ và cấu trúc.
Cô Trương Nguyễn Nha Trang, giáo viên tin học Trường THPT chuyên Bảo Lộc, cho rằng Thư tự đánh giá mình khắt khe vì Thư chỉ có một năm vừa học vừa viết phần mềm và vẫn phải đảm bảo kết quả học tập tại trường. Cô Nha Trang là người hướng dẫn và giúp Thư lựa chọn công nghệ hợp với xu hướng.
Thư cho biết thêm: “Em dự tính học thêm công nghệ thời thượng nhất hiện nay là công nghệ thực tế ảo (VR – Virtual reality). Với công nghệ này, người dùng sẽ giống như “kỹ sư” hóa học đang thực hiện các phản ứng kỳ diệu trong môi trường hoàn toàn ảo”.
Từ chiếc máy tính bị mất
Nhắc lại chuyện “trả thù”, Thư cười và kể lại câu chuyện thất bại của mình. Cách đây gần hai năm, Thư tham gia thi tuyển vào đội tuyển học sinh giỏi quốc gia và rớt. Cô gái nhìn những người bạn vào đội tuyển như thần tượng mà cô gọi là giỏi “khủng khiếp”. Kèm theo sự ngưỡng mộ bạn bè là sự “căm thù” môn hóa học mà cô giỏi nhất trong các môn học và “thù” luôn chính sự lựa chọn không dẫn đến thành công của mình.
Cô tự hỏi mình yêu thích điều gì? Câu trả lời xuất hiện chỉ trong chốc lát: “Lập trình”. “Em thù môn hóa vì quá khó dù em học chuyên hóa. Em cũng nghĩ đến những bạn học khác, chắc họ sợ môn hóa hơn cả em. Chemoscope ra đời là cách để em “trả thù” và giúp các bạn học khác làm điều tương tự” – Anh Thư cười lý giải suy nghĩ học trò của mình.
Chemoscope là kết quả Anh Thư đã vùi đầu hơn năm trời với nhiều bộ công cụ lập trình mới nhất và nhiều lần xóa trắng để cấu trúc lại phần mềm. “Cộng đồng lập trình trên mạng là người thầy của em” – Thư nói. Chemoscope ban đầu chỉ là sản phẩm thực hành, Thư không có ý định mang phần mềm ấy đi thi cho đến khi có gợi ý của người bạn thân.
Thư có một smartphone (điện thoại thông minh) và một máy tính cấu hình đủ mạnh để học lập trình. Đó là sự sắm sửa có phần quá sức đối với gia đình Anh Thư khi cả nhà cô sống dựa vào khoảnh đất trồng cà phê nhỏ sau nhà. Mẹ kể Thư mê tin học năm học lớp 8. “Mê vọc vạch máy tính. Thấy thích quá nên gia đình sắm cho vọc phần mềm đủ thứ nhưng nhắn nhe cố mà học cái gì có ích trong trường lớp, coi chừng rồi học không tới đâu” – bà Trần Thị Linh Trang, mẹ Anh Thư, kể.
Có máy tính, đọc được bất kỳ tài liệu nào liên quan đến lập trình Thư cũng lưu lại. Đối với Thư đó là cả thế giới dù thế giới đó cô không chạm vào để toàn tâm chăm lo việc học. Hai năm sau, máy tính bị trộm mất. Thế giới với bao tò mò về lập trình bị mất.
“Em ân hận nhiều ngày vì nhiều tài liệu tích cóp mất đi. Em tự trách mình sao không học lập trình khi máy tính còn, để đến khi không còn máy tính nữa mới tiếc” – Thư kể.
Không để ân hận kéo dài, cô bắt đầu mò mẫm những điều cơ bản nhất về lập trình ở những phòng máy tính công cộng và… trên giấy. Gần hai năm sau, Thư có máy tính mới sau mùa cà phê được giá của mẹ và cô dành nhiều thời gian để ươm mầm đam mê lập trình mỗi ngày mỗi lớn.
“Em sẽ không hối hận dù đi con đường nhánh nhỏ và có thể lại thất bại. Những lần hối hận, thất bại em đều nghĩ về lập trình phần mềm, em tin đó là đam mê lớn của mình” – Thư nói rõ quyết tâm, đôi mắt không rời màn hình máy tính đang cập nhật bộ công cụ mới nhất Google phát hành dành cho người phát triển phần mềm chuyên nghiệp.
Ước mơ làm việc tại Google
Với những thành tích đạt được tại Cuộc thi ISEF 2017, Trần Thị Anh Thư trở thành một trong 135 học sinh được miễn thi tốt nghiệp THPT. Trong khi bạn bè dốc sức ôn luyện thì Thư dành thời gian bố cục lại phần mềm Chemoscope để khi vào đại học sẽ cùng bạn bè phát triển phần mềm hoàn thiện. Ngoài ra, cô tìm người tư vấn kỹ lưỡng để nộp đơn vào một trường đại học có thể chắp cánh cho ước mơ được làm việc tại Google với tư cách một lập trình viên. |
MAI VINH/TTO
Bình luận (0)