Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cô gái Úc và duyên nợ với trẻ khuyết tật Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Cô Trish Franklin ngồi sau cùng

Năm 1992, từ xứ sở của những chú Kangaroo xa xôi, Trish Franklin cùng một số người bạn đã đến Việt Nam du lịch. Khác xa với những gì cô và bạn bè tưởng tượng, Việt Nam có nhiều điều rất thú vị, đặc biệt là trẻ em…
Bén duyên Việt Nam
Trong những lần cùng bạn bè thả bộ trên đường phố Sài Gòn, Trish Franklin đã gặp rất nhiều trẻ em. Đó là những đứa trẻ cơ nhỡ, ngày ngày lang thang hết hẻm này đến phố khác để đánh giày, bán vé số, bán hàng rong… Khi bị những đứa trẻ này mời chào mua hàng, thoạt đầu cô cảm thấy hơi khó chịu. Nhưng khi tiếp xúc với các em, Trish Franklin dần dần cảm nhận được sự đáng yêu của lũ trẻ. Qua lũ trẻ, cô hiểu được ở đất nước cong cong hình chữ S này còn có nhiều đứa trẻ bất hạnh hơn nữa – những đứa trẻ khuyết tật.
Sau đó, cô tìm đến những mái ấm dành cho trẻ khuyết tật. Tiếp xúc với các em, Trish Franklin phát hiện chúng không chỉ bị thua thiệt về thể xác mà cả tinh thần. Những đứa trẻ khuyết tật hầu như rất nhút nhát, tự ti. Thế là Trish Franklin quyết định dạy cho các em biết những kỹ năng giao tiếp, quyền của trẻ em (theo công ước quốc tế) để chúng tự tin bước vào đời.
Trở về Úc, cô quyết định đăng ký học ngành công tác xã hội để được hiểu thêm về những thân phận bất hạnh, đặc biệt là trẻ em khuyết tật, mồ côi. Ngoài ra, Trish Franklin còn học thêm nghiệp vụ và lấy chứng chỉ sư phạm của Cambridge về giảng dạy tiếng Anh.
Năm 1995, Trish Franklin quay lại VN. Lần này không phải là đi du lịch mà đi làm công tác xã hội. Cô tham gia giảng dạy tiếng Anh ở Hội Từ thiện trẻ em Sài Gòn (Saigon Children Charity) cho trẻ em ở quận 4. Suốt hai năm dạy tiếng Anh ở đây, cô đã có dịp tiếp xúc với nhiều mảnh đời thiếu may mắn, những đứa trẻ sớm phải vào đời. Và cô nhận ra, ngoài tiếng Anh, tụi trẻ còn cần rất nhiều kỹ năng, kiến thức khác để có một tương lai tươi sáng, vững vàng hơn.
Những công trình mang tên từ thiện
Tổ chức Loreto Việt Nam Australia program (LVAP) – tổ chức từ thiện phi chính phủ, chuyên hỗ trợ và giúp đỡ trẻ em cơ nhỡ, khuyết tật và bất hạnh được ra đời từ ý nghĩ đó.
Theo đó, năm 1997, LVAP chính thức đi vào hoạt động. Công việc đầu tiên của tổ chức là hỗ trợ huyện Hóc Môn sửa chữa, xây dựng Trường Tiểu học Võ Văn Thặng. Một năm sau, LVAP bắt đầu hỗ trợ kinh phí cho mái ấm Bình Minh và Ánh Sáng.
Năm 1999, LVAP đã cung cấp thiết bị dạy học, thiết bị massage, xe đưa đón học sinh cho Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Và từ đó, cô Trish Franklin trở thành giáo viên dạy tiếng Anh cho các em ở đây.
Cũng trong năm 1999, cô cùng đoàn Nine Network thực hiện bộ phim A current affair. Số tiền thu được từ bộ phim 9 phút này hỗ trợ vào kinh phí xây dựng Trường chuyên biệt Bình Minh (Q.Tân Phú) vào năm 2001 – đây là nơi học tập và vui chơi của hàng trăm trẻ em khuyết tật trên địa bàn Q.Tân Phú và các quận, huyện lân cận. Gần 8 năm sau, ngày 17-3 vừa qua, LVAP và Hiệp hội Doanh nghiệp Úc đã trao số tiền 70.000 USD để xây dựng cơ sở 2 Trường chuyên biệt Bình Minh.
Trong những năm qua, cô Trish Franklin cùng tổ chức LVAP đã đi vận động nhiều nhà hảo tâm, tổ chức xã hội đóng góp hỗ trợ sửa chữa, xây dựng Trường Tiểu học Tây Bắc Lân (huyện Hóc Môn) và Trường Tiểu học Tân Nhựt (huyện Bình Chánh).
Không chỉ giúp đỡ hàng ngàn trẻ em bất hạnh và xây dựng trường học trên địa bàn TP.HCM, tổ chức LVAP còn triển khai nhiều dự án giáo dục tại các địa phương khác.
Với những gì mà cô Trish Franklin và tổ chức LVAP đã cống hiến cho trẻ em Việt Nam, họ đã vinh dự nhận giải thưởng “Vì sự nghiệp giúp đỡ nhân loại và trẻ em tại Đông Nam Á” của Hội đồng Úc và nhiều phần thưởng của Việt Nam. Riêng cô Trish Franklin đã được Sở GD-ĐT TP.HCM trao tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” vào ngày 20-11-2004.
Sau 14 năm gắn bó với trẻ em Việt Nam, cô Trish Franklin tâm sự: “Chúng tôi mong muốn được làm nhiều hơn nữa cho các em có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là trẻ em khuyết tật. Chúng tôi muốn tạo ra những cơ hội để học tập, làm việc và sống như mọi người cho các em. LVAP hy vọng tiếp tục nhận được sự chung tay chia sẻ những công việc này từ phía các nhà hảo tâm, các tổ chức xã hội”.
Bài & ảnh: Thái Hiệp

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)