Từ 6 năm trước, Thùy Vân đã nỗ lực để lập kế hoạch cho chuyến đi tới Nam Cực, cô vừa thực hiện được ước mơ của mình bằng suy nghĩ "không ngừng rèn luyện bản thân và luôn sống tích cực".
Nguyễn Thị Thùy Vân (sinh năm 1984) hiện đang làm tư vấn tài chính tại một công ty kiểm toán tại Việt Nam. Cô vừa trở về từ chuyến đi khám phá Nam Cực vào tháng 3/2016. Đó là hành trình “Leadership on the Edge” của Tổ chức 2041 xuất phát từ thành phố cực Nam của thế giới Ushuaia (Argentina) đến châu Nam Cực cùng với hơn 100 thành viên tiêu biểu khác được tuyển chọn từ hàng ngàn hồ sơ đến từ khắp các quốc gia trên thế giới.
Chuyến đi dài 12 ngày đã để lại cho Thùy Vân nhiều ấn tượng khó phai như là: ngắm những chú cá voi, hải cẩu, chim cánh cụt các loài sinh vật biển đặc trưng của Nam Cực, được trải nghiệm mưa tuyết, thử bơi trong nước biển lạnh -2 độ C… Hơn hết là tình cảm giữa Vân và những người bạn sống hết mình, có trách nhiệm đã cùng bạn chia sẻ trải nghiệm ở Nam Cực.
Nơi đầu tiên Vân ghé thăm ở Nam Cực là đảo núi lửa, là nơi có hệ sinh vật có phần phong phú hơn do ấm hơn từ địa nhiệt của núi lửa. Dọc theo bờ biển Nam Cực, Vân và đoàn của mình gặp được những chú chim cánh cụt non.
Vào mùa này, chim cánh cụt nhìn hết sức đáng yêu vì chúng đang trong thời kì thay lông, có dáng hình tròn trĩnh giống như búp bê. Dù phải đảm bảo khoảng cách 5 mét với những chú chim cánh cụt theo quy định nhưng tất cả các thành viên viên trong đoàn đều không tiếc thời gian dừng lại ngắm nhìn những chú chim nhỏ bé.
Thời điểm lý tưởng nhất để đến Nam Cực là mùa hè ở Nam Cực. Thời điểm Vân ghé thăm Nam Cực đang là cuối mùa hè, nhiệt độ dao động vẫn chỉ trên dưới 0 độ C, không quá lạnh. Khó khăn lớn nhất có lẽ là có những lúc sức gió rất mạnh. Vân kể: "Nhiệt độ không quá thấp nhưng gió ở nơi đây có khi lên tới 70-80km/giờ, việc đi lại rất khó khăn và nguy hiểm, đặc biệt là khi đi qua sông băng".
Thử thách của Nam Cực không chỉ là những cơn gió có sức công phá như bão mà còn đòi hỏi các vị khách ghé thăm mảnh đất này nên là những người có kiến thức và kinh nghiệm nhất định về trang bị cho những vùng rất lạnh.
Xuyên suốt hành trình, Thuỳ Vân phải mặc quần áo giữ nhiệt, đeo kính râm bảo vệ mắt do tầng ozone ở phía trên Nam Cực bị thủng có thể hại mắt, mang một chiếc balo chống nước có quần áo dự phòng trường hợp xấu, đi ủng theo quy định. Thậm chí, Thuỳ Vân liên tục phải rửa sạch ủng trước và sau khi xuống thuyền lên bờ để giữ sự sạch sẽ cho vùng đất này.
May mắn là Thuỳ Vân vừa mới tham gia chuyến leo núi ở Kenya (Châu Phi) nên bạn có được nền tảng thể lực tốt, cũng như các kiến thức leo núi, kinh nghiệm hoạt động trong điều kiện nhiệt độ thấp.
Một hoạt động đáng nhớ mà Vân được tham gia đó là thử bơi ở biển Nam Cực. "Khi nhảy xuống nước -2 độ C, mình cảm thấy da như bị đóng băng ngay lập tức, giống như là có một lớp băng phủ toàn bộ người. Với một số người khác, họ lại cảm thấy giống như bị điện giật hay giống như bị kim châm.
Thời gian nhảy xuống nước chỉ kéo dài chưa tới một phút, sau đó bạn được kéo lên bờ và hong khô. Đó là một cảm nhận khó quên trong đời", Thuỳ Vân chia sẻ. Luôn có một bác sĩ đi kèm và các chuyên gia chuẩn bị cho các thành viên trong đoàn 2041 trước khi tham gia thử thách sông băng này.
Người sáng lập tổ chức 2041 – ông Robert Swan, đại sứ thiện chí của Liên Hiệp Quốc về Thanh nhiên, đồng thời cũng là người đầu tiên trong lịch sử đi bộ đến 2 cực của Trái đất vào những năm 1980 – dành nhiều lời khen cho Thuỳ Vân.
Ông rất ấn tượng với quyết tâm của cô gái Việt Nam để được tham gia hành trình này. Cô đã dành 6 năm để thực hiện kế hoạch được đi tới Nam Cực. Đó là khoảng thời gian Vân nộp hồ sơ và xin tài trợ để có thể đi tới Nam Cực.
Động lực để Thuỳ Vân tiến hành "khám phá thế giới" là tình yêu thiên nhiên. Vân muốn thông qua những chuyến đi của mình, cô sẽ tìm hiểu về kiến thức bảo vệ thiên nhiên và nỗ lực hành động cùng với những con người có chung chí hướng.
Khi tham gia hành trình của 2041, lịch hoạt động của Thuỳ Vân khá là dày đặc. Cô được đi thuyền, đi xuồng quanh vịnh để tìm hiểu về các sinh vật biển, các hoạt động trên bờ như: leo núi băng, học các kĩ năng sinh tồn ở Nam Cực, workshop, viết về cảm nhận của bản thân trong hành trình, tìm hiểu về lịch sử của Nam Cực, quá khứ bị đánh bắt đến gần tận diệt của cá voi và hải cẩu. Mỗi hoạt động đều để lại trong Vân cảm xúc và ấn tượng đặc biệt.
Vân đã dành cho Nam Cực một tình cảm sâu sắc. Tuy vậy, Vân không được mang bất kỳ kỷ vật gì từ Nam Cực trở về. Do những hiệp ước bảo vệ vùng đất này, các đoàn thám hiểm, tham quan đều không được phép mang tới hay để lại bất cứ vật hay sinh vật gì tại đây. Theo Vân cho biết, tại Nam Cực không có con người định cư mà chỉ có các cơ sở nghiên cứu khoa học.
Sống ở Nam Cực không có liên lạc với con người, về đến Việt Nam cô cảm giác như vừa tỉnh dậy sau một giấc ngủ. Thuỳ Vân tin vào sự thay đổi của thiên nhiên theo chiều hướng tốt khi mà có những người như Robert Swan nỗ lực để bảo vệ thiên nhiên và có những tổ chức như 2041.
Hành động đầu tiên của Thùy Vân khi trở về sau chuyến đi Nam Cực là lập ra một fanpage song ngữ trên Facebook để chia sẻ những câu chuyện của mình tới cộng đồng giới trẻ. Sau chuyến đi này, Vân tự tin nói rằng: "Đi tới Nam Cực chứ không phải cực nam, nhất là vào mùa hè khi thời tiết thuận lợi, điều kiện sức khoẻ không có gì khó khăn đối với thể chất của người Việt Nam. Những ai có mong muốn và có điều kiện đi tới Nam Cực đều có thể thực hiện mong muốn của mình".
Hiện nay, Vân là thành viên của Quỹ bảo vệ động vật hoang dã thế giới. Thời gian bên ngoài công việc, cô luôn sẵn lòng dành nó để tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Qua nhiều chuyến đi, cô đã gặp được những người bạn, có uy tín trong cộng đồng, cô mong rằng có thể cùng các bạn lập kế hoạch cho những hành động bảo vệ môi trường có tổ chức.
Trước mắt, Thuỳ Vân sẽ dành thời gian để tới các trường học tuyên truyền về hành động bảo vệ thiên nhiên, chia sẻ tình yêu thiên nhiên, yêu khám phá của cô. Để thực hiện những kế hoạch của mình, Vân luôn tâm niệm: "không ngừng rèn luyện bản thân và luôn sống tích cực".
Theo Dân Trí
Bình luận (0)