Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Cô gái Việt kết nối sinh viên quốc tế

Tạp Chí Giáo Dục

Vượt qua 6 ứng viên khác tại vòng chung kết cuộc thi dành cho những người đứng đầu các hạng mục (học tập, hoạt động…), cô gái đến từ Cố đô Huế – Lê Thái Uyên Chi – vinh dự được trao giải thưởng “Sinh viên quốc tế của năm”, trở thành đại sứ giáo dục của bang Victoria (Úc). Nhiệm vụ của Uyên Chi là quảng bá cho nền giáo dục của bang và giúp đỡ, truyền cảm hứng cho các sinh viên quốc tế…

Lê Thái Uyên Chi với GS. Chris Pakes (Hiệu trưởng Trường nghiên cứu sau ĐH, ĐH La Trobe) và bà Kerri-Lee Krause (Phó Giám đốc phụ trách học thuật của ĐH La Trobe)

Chân tình và cởi mở, là cảm nhận đầu tiên của những ai khi trò chuyện cùng Uyên Chi. Cô gái 33 tuổi này luôn biết cách truyền cảm hứng cho người đối diện đúng như công việc mà cô đang đảm nhận ở xứ sở Kanguru.

Uyên Chi sinh ra và lớn lên tại TP.Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế). Tốt nghiệp THPT, cô chọn ngành môi trường để thi vào ĐH. (Năm 2002, môi trường là một ngành mới được mở tại Trường ĐH Khoa học Huế). Uyên Chi cho biết: “Thời điểm ấy, các vấn đề về ô nhiễm môi trường bắt đầu được chú ý. Tôi chọn học về môi trường vì mong muốn có thể hiểu rõ cơ chế gây ô nhiễm môi trường, vai trò của con người như thế nào trong việc gây ra ô nhiễm và cải thiện môi trường sống của chính mình. Càng học tôi càng nhận ra rằng đây là một ngành học rất rộng, chỉ hy vọng mỗi người đóng góp một phần nhỏ bé của mình trong đó để làm cho môi trường tốt đẹp hơn”. Chọn ngành với mục tiêu đó, 4 năm ĐH, Uyên Chi luôn đạt thành tích học tập tốt và được các bạn tin tưởng bầu làm lớp phó học tập. Năm 2006, Uyên Chi tốt nghiệp ĐH loại giỏi. Đến năm 2008, cô tham gia ứng tuyển chương trình “Cao học quốc tế Okayama – Huế về sự bền vững các hệ thống nông nghiệp và môi trường nông thôn”. Đây là chương trình hợp tác giáo dục sau ĐH giữa ĐH Okayama (Nhật Bản) và ĐH Huế bắt đầu từ năm 2007, mỗi năm chỉ tuyển 8 học viên trên toàn quốc. Tiêu chí tuyển chọn của chương trình này dựa trên thành tích học tập ĐH (điểm số), trình độ tiếng Anh (chứng chỉ IELTS), khả năng nghiên cứu (dựa vào tóm tắt khóa luận tốt nghiệp hoặc đề xuất nghiên cứu) và khả năng bảo vệ ý tưởng nghiên cứu của mình. Ngần ấy yêu cầu của các vòng thi, Uyên Chi đều đáp ứng được hết…

Can đảm vượt qua sự e ngại của bản thân

Uyên Chi chia sẻ rằng, trong môi trường học tập ở nước ngoài với nhiều cạnh tranh khốc liệt, những khó khăn ban đầu như rào cản ngôn ngữ, văn hóa, cảm giác mất phương hướng, cô đơn, nhớ nhà, hay áp lực về kinh tế (đối với sinh viên du học tự túc)… luôn là các tác nhân gây trở ngại không chỉ về tinh thần mà còn là thể chất, từ đó ảnh hưởng tới thành tích học tập của các bạn. Vì vậy cần sự can đảm vượt qua e ngại của bản thân, tích cực hòa nhập với cộng đồng xung quanh, tham gia các hoạt động tình nguyện… để từng bước khẳng định giá trị của một sinh viên quốc tế.

Năm 2015, Uyên Chi nhận học bổng toàn phần của ĐH La Trobe (Úc), chuyên ngành đào tạo tiến sĩ quản lý môi trường. Ở môi trường mới, Uyên Chi nhanh chóng bắt nhịp và trở thành một trong những nhân tố đầu lớp. Uyên Chi cho biết: “Ngoài thời gian học tập, tôi còn tham gia làm International student host (tạm dịch là người đón tiếp sinh viên quốc tế) cho các du học sinh mới đến học tại Trường La Trobe, cơ sở Albury-Wodonga. Vai trò của hoạt động này là giúp đỡ các bạn như đón tại sân bay, đưa tham quan trường và thành phố, giới thiệu các bạn với cán bộ chuyên trách của trường, hướng dẫn thông tin cần thiết cho việc học tập và sinh hoạt…”. Ngoài ra, Uyên Chi còn tham gia thành lập câu lạc bộ Kết nối sinh viên quốc tế với sinh viên địa phương (cô điều hành câu lạc bộ từ năm 2016) nhằm tạo môi trường cho các bạn trao đổi kinh nghiệm học tập, sinh sống tại nơi mới; tư vấn, giải đáp các thắc mắc, khó khăn của sinh viên quốc tế hoặc kết nối các bạn với người có trách nhiệm trong việc giải quyết các khó khăn đó. Đồng thời câu lạc bộ còn tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, tìm hiểu các nét đẹp văn hóa, thiên nhiên, con người của địa phương, qua đó giúp các bạn vượt qua những rào cản ngôn ngữ, văn hóa ban đầu để hòa nhập vào cuộc sống tại xứ người…

Hiện Uyên Chi đã qua hơn nửa chặng đường chương trình tiến sĩ. Ở tuổi 33, Uyên Chi không nhận mình là người trẻ, nhưng để gửi đến các bạn trẻ Việt Nam thông điệp từ kinh nghiệm học tập và vượt qua khó khăn, cô khuyên: “Dù ở đâu, trên đất nước nào, các bạn cũng đừng e ngại, tự ti, hãy mạnh dạn bước ra khỏi vỏ bọc an toàn mình tạo ra để làm bạn, để kết nối, để làm việc tốt và tạo sự khác biệt”.

Phan Vĩnh Yên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)