Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Cô gái viết nhật ký bằng âm nhạc

Tạp Chí Giáo Dục

Ai đã nghe giọng hát của Thùy Chi không thể không tưởng tượng. Giọng hát trong trẻo và hồn nhiên ấy mở ra trước mắt ta một chân trời xanh mướt miên man đầy hoa cỏ.

Nhưng khi mới gặp Chi, nghe giọng nói ồm ồm hơi “nam tính” và vẻ bề ngoài bụi bặm của cô, ta sẽ có một chút thất vọng, một chút hoài nghi. Trò chuyện rồi sẽ thấy ngạc nhiên và thú vị: làm sao một cô gái mới 18 tuổi lại có thể chín chắn đến nhường ấy.

Thùy Chi là một trường hợp lạ của thế giới âm nhạc: không có vẻ bề ngoài xinh xắn như hoàng tử, công chúa ở ngoài đời. Không phải “hot girl” chinh phục khán giả bằng những tấm hình “kute” trước khi tung ra những ca khúc. Chi đến với người nghe hoàn toàn bằng giọng hát của mình. Hoàn toàn bằng giọng hát. Những ca khúc Chi đi thu cùng bạn bè chỉ để giữ lại làm kỷ niệm bị bạn bè tung lên mạng và giọng hát trong trẻo, cao vút ấy đã chinh phục những đôi tai khó tính của cư dân mạng. Nó mở ra cánh cửa đưa Chi vào thế giới âm nhạc.

Giống như cô bé Alice lạc vào xứ sở thần tiên, nhưng Alice đơn độc trong thế giới hào nhoáng xa lạ và lúc nào cũng mong muốn “trở lại chỗ mọi thứ là chính mình thì thích thật”. Chi thì không đơn độc trong thế giới thần tiên của mình.

Chi dắt người đối thoại miên man cùng Chi đi ngược hành trình về quá khứ giống như đi ngược một con đường trên thảo nguyên xanh mướt.

Hành trình dài với cây đàn piano

Tuổi thơ của Chi là những vạt nắng xiên qua những hàng cây ven con đường từ Hải Dương lên Hà Nội học đàn, để rồi bắt đầu sống một mình xa gia đình tại Hà Nội khi mới lên 9 tuổi. Trong ký túc xá của nhạc viện, cô bé 9 tuổi ấy phải tự giặt quần áo, tự làm tất cả công việc cá nhân. Và kinh khủng nhất là cảm giác phải quen với cảnh một mình vào mỗi buổi sáng thức giấc.

Chưa bao giờ Chi trách ba mẹ vì quyết định để Chi một mình đi trên hành trình ấy. Chi bảo lần duy nhất Chi “trách” ba là khi Chi 8 tuổi. Lúc đó cô bé Xuân Mai với những ca khúc Con cò bé bé, Mẹ yêu không nào, Cả nhà thương nhau… “đổ bộ” trên các chương trình tivi, Chi đã hồn nhiên hỏi ba: “Tại sao con biết hát trước em ấy mà lại không được lên tivi như em ấy?”. Đến bây giờ, Chi hoàn toàn tin vào quyết định của ba khi định hướng cho Chi theo nghệ thuật, gắn bó với cây đàn piano.

Chi kể trong suốt hơn mười năm sống xa gia đình, chưa bao giờ Chi khóc trước mặt một người khác. Thời gian đầu, thỉnh thoảng những lúc nhớ nhà quá, Chi chỉ dám khóc một mình trong chăn vào ban đêm khi mọi người đã ngủ. Bây giờ bé con đã cứng cáp, đã kiên cường và những lúc buồn đã có cây đàn piano là bạn. Những phím đàn, những nốt nhạc giúp Chi thoát khỏi nỗi buồn nhanh chóng và tình yêu cuộc sống, tình yêu âm nhạc lại đầy như lúc ban sơ.

Sau này, Chi học được một cách “tiêu diệt” nỗi buồn: làm cho mình thật bận rộn. Những lúc đó, Chi thường rủ những người bạn thân ra phòng thu thu lại những ca khúc mình yêu thích. Chi không còn nhớ mình đã thu bao nhiêu ca khúc tính đến thời điểm này. Chi nói gửi tâm sự của mình vào những bài hát giống như một cách viết nhật ký, ghi lại những cảm xúc của mình một cách chân thật.

Cuốn nhật ký âm nhạc

Chính vì cuốn nhật ký đặc biệt bằng âm nhạc ấy được ghi lại bằng những cảm xúc chân thực nhất mà ngay khi bị bạn bè “lén” tung lên mạng, những ca khúc ấy đã được đón nhận nồng nhiệt và lập tức trở thành bản “hit” được nhiều người nghe và download nhất trên các diễn đàn âm nhạc. Cũng từ đó, cái tên Thùy Chi trở nên hot và những ca khúc mới của Chi được chờ đợi và chào đón. Có lẽ, Chi là trường hợp ca sĩ online duy nhất không có “anti fan”.

Trong những bản thu của mình, Chi hát cả những bài hát mới do bạn bè cùng trường sáng tác và cả những ca khúc đã đóng đinh với tên tuổi của nhiều ca sĩ đã nổi tiếng. Chi hồn nhiên: “Em hát bằng cảm xúc riêng của mình với mỗi bài hát nên không sợ bị so sánh với những người đi trước”.

Thính giả từng rung động trước giọng ca trong vắt và cao vút của Khánh Linh hát Giấc mơ trưa vẫn tìm thấy được sự tinh khôi, tươi mới trong Giấc mơ trưa qua giọng hát giàu cảm xúc của Thùy Chi. Giọng hát lạ này đến tai nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến – tác giả bài thơ đã được nhạc sĩ Giáng Son phổ nhạc thành Giấc mơ trưa và sau này Tiến trở thành một người bạn của Chi. Thỉnh thoảng, anh lại nhờ Chi hát “demo” những ca khúc tham gia chương trình Bài hát Việt.

Một ca khúc hát lại nữa cũng ghi nhiều dấu ấn của Chi là Đêm nằm mơ phố của nhạc sĩ Việt Anh, trước đó đã có Thu Phương và Nghi Văn hát. Nếu như Đêm nằm mơ phố của Thu Phương đau đáu giấc mơ của người con tha hương “nhìn đâu cũng thấy biển rộng” ngoái đầu nhìn lại cố hương, thảng hoặc trong giấc mơ ấy người ta giật mình choàng tỉnh và nhận ra thực tại đơn độc của mình rồi ngậm ngùi tiếc nhớ, còn phố của Nghi Văn giàu tính hồi cố về một cuộc tình đã qua không bao giờ trở lại, thì những con phố qua giọng hát của Thùy Chi kể cho người nghe về tâm sự của một cô bé đang lớn thấy con phố của mình cũng đang dần thay đổi, những con phố của tuổi thơ không còn được như ngày thơ bé nữa.

Trong “gia tài” những ca khúc được yêu thích của Chi còn rất nhiều bài hát khác và phần lớn là những ca khúc nhẹ, trữ tình sâu lắng như: Niệm khúc cuối, Giấc mơ mang tên mình, Phía cuối con đường, Xe đạp, Thành thị… Từ một giọng ca được chú ý trên các diễn đàn âm nhạc mạng, Thùy Chi đã bước ra những sân khấu ca nhạc lớn hơn, chuyên nghiệp hơn từ Bài hát Việt đến chương trình Trò chơi âm nhạc với tư cách là ca sĩ bên cạnh những giọng ca khác đã nổi tiếng, và giọng hát Thùy Chi là một sự lựa chọn sáng giá trong những cuộc biểu diễn âm nhạc dành cho học sinh, sinh viên.

Từng đoạt giải nhất tại gala Tuổi đời mênh mông của VTV3, cùng bạn bè lập nhóm nhạc TSD đoạt giải đặc biệt của cuộc thi ban nhạc học sinh sinh viên toàn quốc năm 2006, tham gia nhiều chương trình ca nhạc lớn và đặc biệt có một lượng người hâm mộ khổng lồ từ các diễn đàn âm nhạc trên Internet nhưng Thùy Chi không mong muốn trở thành một ca sĩ. Thậm chí Chi từng từ chối rất nhiều lời mời đi học thanh nhạc vì sợ rằng khi đã bị đưa vào khuôn khổ, cảm xúc và bản năng âm nhạc sẽ mất đi. Chi sợ sẽ không bao giờ còn được gửi tâm sự của mình vào những bài hát nữa.

Với Chi, tất cả điều đó giống như cuộc dạo chơi, một cuộc rong ca với niềm đam mê âm nhạc của chính mình. Thế nên ngoài đời thực, Chi hồn nhiên và giản dị giống như bao cô bé học trò cùng trang lứa. Chỉ có điều đằng sau vẻ hồn nhiên ấy là một ước mơ hết sức nghiêm túc: “Muốn đem những kiến thức âm nhạc đã học được dạy cho các em nhỏ để các em khám phá được cái hay cái đẹp trong từng nốt nhạc, để các em tìm thấy nét trong sáng trong âm nhạc”.

Chi thích làm những công việc âm thầm nhưng có ý nghĩa bởi Chi tin: “Mỗi con người có mỗi con đường khác nhau. Có những người thích bước đi hào nhoáng nhưng Chi thích những bước đi chậm mà có ý nghĩa”.

Hành trình ấy vẫn tiếp diễn và “cô bé Alice” vẫn sẽ kể tiếp những câu chuyện của mình bằng những giai điệu giàu hình ảnh: Lâng lâng trên cao xanh vời vợi/Chập chùng núi đồi/Trải dài đến cuối trời/Miên man miên man nước tuôn chảy/Một bờ hoa dại/ Kể về ngày xưa…

TUẤN NGỌC (Theo TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)