Bằng tình yêu đặc biệt dành cho hương vị bánh chưng quê nhà, cô gái trẻ Huỳnh Thị Thu Thủy, phố Đoan Trai, phường Tân Thạnh, thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) không chỉ dày công giữ nghề truyền thống mà còn tìm đường xuất khẩu thành công bánh chưng sang Mỹ. Tết này, người Việt xa quê được thưởng thức món bánh chưng bà Ba Hội đậm vị Việt trên đất Mỹ bằng đường chính ngạch.
Với khát vọng lan tỏa tinh thần văn hóa Việt, cô gái trẻ Huỳnh Thị Thu Thủy đã đưa bánh chưng bà Ba Hội sang Mỹ
Giữ nghề truyền thống
Càng về cận Tết, không khí ở cơ sở bánh chưng truyền thống bà Ba Hội ở khối phố Đoan Trai, phường Tân Thạnh (TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) càng trở nên tất bật. Chị Huỳnh Thị Thu Thủy – chủ cơ sở bánh chưng bà Ba Hội chia sẻ: “Sống với nghề truyền thống, không chỉ có tình yêu, niềm đam mê mà còn có cả niềm tự hào mỗi khi giới thiệu chiếc bánh chưng đến với thực khách thập phương”. Đó cũng là lý do, trải qua bao thăng trầm, khó khăn, chị Thủy vẫn giữ bếp lửa nồi bánh chưng và xem đó là linh hồn quê xứ.
Bếp bánh chưng gia đình chị trải qua hơn 40 năm đỏ lửa. “Thời bà nội tôi có nghề làm bánh chưng bán quanh năm. Kế nối bà nội, mẹ tôi giữ lửa nghề. Mỗi ban mai, sau khi nồi bánh được mẹ công phu gói ghém, nấu chín thì mẹ gánh bánh chưng ra chợ bán và bỏ mối sỉ. Mấy chục năm mẹ nuôi chúng tôi bằng gánh bánh chưng như thế”, chị Thủy kể.
Người sành ăn ở các ngôi chợ thuộc thành phố Tam Kỳ, cái tên bánh chưng bà Ba Hội không còn xa lạ. Không chờ đến dịp lễ tết, hễ ra chợ sớm, bà con đều ghé qua mua cặp bánh chưng của bà Ba Hội về làm quà sáng cho con cháu. Hỏi vì sao bánh chưng bà Ba Hội đắt khách? Bà Hội cười hiền: “Chiếc bánh này được gói bằng cả tình yêu, niềm đam mê và sự cẩn trọng trong từng khâu chọn lựa nguyên liệu, từ hạt nếp, nhân bánh, xấp lá cho đến sợi dây buộc. Nồi bánh ngon một phần phụ thuộc vào ngọn lửa và thời gian đun nấu. Người làm bánh phải biết lúc nào nên gia giảm lửa đến bánh chín được ngon hơn, mềm dẻo và thơm hơn”.
Tết này, mâm cỗ của bà con xa xứ có thêm món bánh chưng xanh bà Ba Hội đậm chất Việt
Nhiều lần đứng lặng phía sau nhìn mẹ bán bánh trong niềm vui, chị Thủy nghĩ, mình phải làm điều gì đó để giữ nghề truyền thống của bà, của mẹ. Dù đang làm việc ở một cơ quan Nhà nước, chị Thủy vẫn dành thời gian tìm hiểu thêm về nghề làm bánh chưng, thử nghiệm các nguyên liệu để tạo ra chiếc bánh thật hấp dẫn. “Năm 2019, tôi thành lập cơ sở “Bánh chưng bà Ba Hội” với mong muốn giữ gìn làng nghề truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa ẩm thực của người Việt”, chị Thủy kể. Chiếc bánh chưng chuẩn được chị Thủy làm bằng lá dong, nếp bầu Tam Mỹ được gieo trồng trên đồng ruộng của huyện Núi Thành, đậu xanh và thịt heo đảm bảo chất lượng, dây cột bánh chưng là dây chẻ từ cây dang của vùng núi tỉnh Quảng Nam. Sản phẩm bánh chưng hoàn chỉnh sau hơn 12 tiếng đồng hồ đun nấu thơm ngon, đậm hương vị xứ Quảng. Chị Thủy bảo, để làm ra một chiếc bánh chưng, tỷ lệ nếp và nhân được chia đều 50% mỗi nguyên liệu. Nếp được trộn với lá ngót ép khô, nhân ướp với tỷ lệ gia vị phù hợp tạo được vị thơm hấp dẫn. Chiếc bánh nấu chín mềm có mùi thơm của nếp và vị béo ngậy. Sau khi để nguội, bánh được bọc trong túi nilon PE, hút chân không để đảm bảo được thời hạn sử dụng dài hơn. Bánh có thể bảo quản trong môi trường bình thường 30 ngày, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh đến 180 ngày, bánh hoàn toàn không dùng chất bảo quản. “Công đoạn làm bánh rất cầu kỳ, từ chuẩn bị nguyên liệu đầu vào, chế biến, sản xuất, đóng gói, bảo quản… mỗi công đoạn đều phải thật cẩn trọng và tỉ mỉ. Các nguyên liệu như nếp, đậu, thịt đều phải qua một quá trình kiểm tra nghiêm ngặt, thịt phải tươi, nếp phải sạch, đậu phải đúng đậu xanh theo chuẩn quy trình HACCP”, chị Thủy nói.
Xuất khẩu bánh chưng sang Mỹ
Nhờ sự cẩn trọng trong từng công đoạn, bánh chưng bà Ba Hội được công nhận OCOP 4 sao, là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Bánh bà Ba Hội đang được tiêu thụ khắp cả nước, có mặt trong hệ thống siêu thị Winmart, Big C, Co.opmart… Bếp bánh đỏ lửa quanh năm, tạo việc làm cho hàng chục lao động với mức thu nhập ổn định.
Chị Thủy bảo, chiếc bánh chưng là linh hồn văn hóa Việt. Ở phương xa, mỗi dịp Tết cổ truyền về, kiều bào thường đau đáu nỗi nhớ quê xứ mình với những món ăn đậm vị truyền thống. “Sẽ rất vui khi nghĩ về mâm cổ ngày Tết cổ truyền của bà con xa quê có món bánh chưng truyền thống quê mình. Thế là tôi quyết định tìm cách đưa bánh chưng xuất khẩu”.
Để chinh phục được thị trường nước ngoài khó tính, chị Thủy xây dựng chất lượng bánh chưng xanh theo chuẩn ISO 9001-2015, HACCP và tiếp tục hướng đến ISO 22000. Một lần tình cờ gặp đối tác ở TP.HCM với đề nghị đặt đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ ngay trước Tết cổ truyền. Nhận thấy đây là cơ hội tốt, chị nhận lời hợp tác. Các thiết bị máy móc hiện đại được đầu tư, mở rộng nhà xưởng, tập huấn thợ bánh làm bánh theo chuẩn FDA.
Một tháng trước, lô bánh chưng xanh bà Ba Hội với 32.000 chiếc bánh có trọng lượng 10 tấn chính thức lên tàu biển qua Mỹ phục vụ kiều bào đón Tết cổ truyền. Chị Thủy bảo, “Để được thị trường nước ngoài chấp nhận, chúng tôi đã nỗ lực không ngừng nhằm “định vị” sản phẩm truyền thống lâu đời của quê hương mình. Hiện tại, bà Ba Hội đã được công nhận thương hiệu độc quyền trong nước và đang tiến hành các thủ tục để được cấp chứng nhận thương hiệu độc quyền quốc tế”.
Hôm nhận tin lô bánh chưng xanh bà Ba Hội cập cảng trên đất Mỹ, chị Thủy nở nụ cười thật tươi: “Ngày Tết cổ truyền, với người xa xứ luôn mong mình được trở về quê hương đón Tết, vui vầy đầm ấm bên mâm cơm sum họp có đủ hương vị truyền thống dưa hành, bánh chưng xanh. Nhiều người vui vẻ xách ba lô lên những chuyến bay ngày cuối năm để trở về. Cũng có nhiều người vì mưu sinh, nỗi nhớ Tết đằm sâu đành cất vào một góc nào đó trong ký ức. Chỉ cần nghĩ, mâm cơm ngày Tết ở xứ người vẫn có đủ vị bánh chưng xanh, đem lại cho bà con niềm vui, sự an lành, ấm áp đã là niềm hạnh phúc của mình”, chị Thủy bộc bạch.
Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)