Việc nhà nước đang dần tiếp cận được nguồn mua, hỗ trợ vắc-xin hiệu quả, các doanh nghiệp cho rằng đã đến lúc cần tính đến trạng thái "bình thường mới" ít nhất từ nay đến hết năm 2022…
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước trong tháng 8 vừa qua chỉ đạt khoảng 26,2 tỉ USD, giảm 6% so với tháng trước và giảm 5,4% so cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, ước tính kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8 đạt 27,5 tỉ USD, đem lại kết quả nhập siêu 1,3 tỉ USD cho Việt Nam trong tháng này. Tính chung 8 tháng, ước tính nhập siêu cả nước là 3,71 tỉ USD. Trong khi cùng kỳ năm 2020, cả nước xuất siêu tới 13,69 tỉ USD.
Sản xuất sụt giảm
Bóc tách số liệu cụ thể cho thấy nhập siêu đến từ khu vực trong nước với khoảng 20,36 tỉ USD, còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn xuất siêu khá lớn. Nhập khẩu lớn và tập trung ở nhóm máy móc, thiết bị, phụ tùng và nguyên – nhiên – vật liệu được lý giải là để phục vụ những đơn hàng đã ký kết từ trước. Tuy nhiên, sản xuất trong nước sụt giảm đã ảnh hưởng phần nào đến xuất khẩu là một trong những nguyên nhân căn bản khiến nhập siêu gia tăng.
Theo khảo sát của các cơ quan nghiên cứu, trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần này, chuỗi cung ứng của 2 ngành dệt may, da giày tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong khi đơn hàng được ký kết khá nhiều dẫn đến nguy cơ doanh nghiệp (DN) bị phạt hợp đồng. Ngoài ra, dự báo trong thời gian tới, đơn hàng của nhiều ngành sản xuất như ôtô, cơ khí, thép… cũng sẽ sụt giảm, đòi hỏi nỗ lực duy trì liên tục các chuỗi giá trị và cung ứng này trong ngắn hạn để bảo đảm phát triển kinh tế trong dài hạn. "Chuỗi cung ứng mặt hàng chế biến, chế tạo như điện tử, máy móc, thiết bị… bị đứt gãy liên quan tới các khu vực bị nhiễm dịch mạnh, trong đó có TP HCM. Đặc biệt, chuỗi cung ứng các ngành công nghiệp công nghệ cao như điện, điện tử, ôtô… bị ảnh hưởng bởi vấn đề đáp ứng điều kiện lao động. Chưa hết, ngành ôtô còn bị tác động bởi việc hạn chế thương mại của Mỹ đối với các nhà sản xuất chip, vật liệu bán dẫn ở Trung Quốc" – nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) chỉ rõ.
Theo nhóm nghiên cứu, để duy trì chuỗi cung ứng ở tất cả các lĩnh vực, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất. Đặc biệt, thay thế cơ chế "luồng xanh" bằng cơ chế cho phép xe tự do di chuyển trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và các tuyến đường chính với điều kiện tài xế đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin Covid-19 hoặc xét nghiệm âm tính trong 72 giờ. Không bắt buộc tất cả phương tiện vận tải phải dừng để kiểm tra mà có thể nhận diện phương tiện an toàn bằng các ứng dụng công nghệ thông tin. "Mỗi địa phương tổ chức ngay vùng đệm là các trung tâm logistics để hạ tải và luân chuyển hàng hóa; tổ chức các đội tuần tra trên các trục quốc lộ, tỉnh lộ; không cho hạ tải hoặc luân chuyển hàng hóa ngoài khu vực quy định. Tại các trạm tiếp liệu xăng dầu, phải có khu xét nghiệm nhanh, cách ly tài xế khi tiếp liệu, quy định rõ các điểm dừng nghỉ, kể cả cung đường đi và về" – nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân kiến nghị.
Nhóm nghiên cứu cũng nhắc lại đề xuất cho phép DN được sử dụng người lao động đủ điều kiện an toàn (tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc xét nghiệm âm tính trong 72 giờ) cũng như cho phép người lao động đủ điều kiện an toàn được quyền tham gia các hoạt động kinh doanh bình thường; đặc biệt là lao động tại các KCN và DN trong chuỗi cung ứng có không gian độc lập, tách rời khu dân cư. Để làm được điều này, cần đẩy nhanh việc tiêm vắc-xin tiến đến miễn dịch cộng đồng đối với nhân lực logistics, nhân lực sản xuất cũng như dân cư toàn xã hội.
Một doanh nghiệp đang duy trì hoạt động sản xuất thông qua mô hình “3 tại chỗ”.
Sống chung với đại dịch?
Về giải pháp lâu dài hơn để tránh tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, nhóm nghiên cứu cho rằng chiến lược phòng chống dịch Covid-19 phải đi kèm chiến lược hậu cần – logistics một cách thống nhất. Chính phủ và các bộ, ngành cần hoàn thiện thể chế, pháp luật logistics để tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các hoạt động logistics trong mọi tình huống; bổ sung và hoàn thiện chính sách phát triển DN logistics thông thoáng để khuyến khích phát triển đa dạng các loại hình DN này. Đồng thời, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng logistics (KCN logistics, trung tâm logistics, cụm logistics…) đồng bộ, hiện đại, tiến tới xây dựng thị trường bất động sản logistics Việt Nam.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho hay trong 18 tháng qua, dịch bệnh đã quay đi quay lại với nhiều biến thể khác nhau, tốc độ lây lan của đợt sau cao gấp nhiều lần đợt trước khiến DN rơi vào trạng thái không biết khi nào có thể thực sự trở lại bình thường. Theo ông, tới thời điểm hiện tại vẫn chưa có giải pháp triệt để kết thúc dịch hoặc trở thành một bệnh thông thường có thuốc đặc trị nên khả năng tới năm 2022 vẫn sẽ có giai đoạn bị giãn cách, thậm chí cách ly ảnh hưởng tới sản xuất. Do đó, theo ông, cần nhận diện những đặc trưng mới của giai đoạn này để có cách "sống chung" phù hợp.
Trong bối cảnh đó, con đường duy nhất để DN duy trì tăng trưởng là trong thời gian không giãn cách phải có sản lượng cao hơn để bù lại. Cách tổ chức sản xuất này sẽ rất áp lực, thậm chí chi phí cao nhưng chắc chắn mang lại hiệu quả cao hơn so với việc ngồi "chờ chết". "Kế hoạch thị trường luôn ở trạng thái bị động, DN không nên đàm phán đơn hàng quá xa và phân tích, quản trị tài chính theo chu kỳ ngắn hơn dòng tiền trong bối cảnh mới sẽ bị ảnh hưởng, có thể xuất hiện nhu cầu vốn lưu động tăng vọt khi sản xuất vượt cả công suất đỉnh" – ông Lê Tiến Trường góp ý.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam, nếu xác định "sống chung với dịch", DN cần tăng cường khâu đào tạo nhân lực phù hợp, đáp ứng được tình hình, đồng thời cần thiết xây dựng hệ thống y tế tại chỗ. Những việc này nhằm giúp DN ứng phó những điều chỉnh bất ngờ luôn có thể xảy ra, tránh bị động, duy trì được sản xuất, xuất khẩu. Ngoài ra, cần có mô hình linh hoạt để DN với những loại hình, đặc thù khác nhau có thể tổ chức sản xuất một cách phù hợp dưới sự phê duyệt, giám sát của cơ quan y tế địa phương.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cũng cho rằng dịch bệnh khó chấm dứt ngay, trong khi phương án "3 tại chỗ" cũng không thể kéo dài. Vì thế, để tổ chức sản xuất lâu dài, DN cần xác định phải tự kiểm soát bằng chính nội lực thông qua các giải pháp về y tế tại chỗ, vắc-xin và tuân thủ những giải pháp phòng chống dịch của địa phương.
Đề xuất tạo luồng ưu tiên
Theo ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Thư ký Hiệp hội Logistics, nếu DN vận tải tháo gỡ được khó khăn trong vận hành thì đồng nghĩa với tháo gỡ được khó khăn cho DN sản xuất ở đầu ra. Do đó, hiệp hội đề xuất tạo luồng ưu tiên đối với vận tải hàng hóa quốc tế để hạn chế việc cản trở dòng cung ứng trong nước và quốc tế vì lý do chống dịch. Ngoài ra, ứng dụng công nghệ thông tin để khai báo y tế nhanh hơn hoặc có chỉ đạo nhất quán từ trên xuống dưới để tránh ách tắc ở địa phương.
|
Phương Nhung (theo NLĐ)
Bình luận (0)