"Đọc bài báo về việc một đồng nghiệp của mình bị theo dõi, tra hỏi và bị kỷ luật vì dạy thêm khiến một giáo viên như tôi phải rớt nước mắt", cô Liên bày tỏ.
Vừa qua, báo chí đưa tin trường tiểu học Bành Văn Trân (TP. HCM) đã quyết định cắt thi đua trong năm học 2016 – 2017 đối với cô Đ.T.T.N vì cô này đã tiến hành dạy thêm với học sinh.
Cụ thể, cô N. thuê một địa điểm dạy thêm ở quận Tân Bình và dạy thêm 2 nhóm (10 học sinh lớp 4, 5) luyện thi chứng chỉ Cambridge ở cấp độ Movers, Flyers. Chủ yếu đây là các em học sinh của trường Bành Văn Trân. Mỗi tuần học sinh sẽ học thêm của cô N. 2 buổi (mỗi buổi học là 90 phút, với học phí 500.000 đồng/tháng).
Thông tư 17 của Bộ GD&ĐT nêu rất rõ các trường hợp không được dạy thêm, trong đó không chỉ ở cấp tiểu học mà còn đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập (điều 4, Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT) nên việc dạy thêm của cô N. là trái quy định và đã bị hội đồng kỷ luật của nhà trường áp dụng hình thức cắt thi đua cho cả năm học 2016 – 2017. Ngoài ra, cô N. còn phải làm bản tường trình và phải ngưng việc dạy thêm của mình.
Khi biết bị phát hiện dạy thêm ở nhà, cô N. cho học sinh ra về nghỉ ngay lập tức (ảnh: P.L/ GDVN). |
Việc cô N. bị kỷ luật vì dạy thêm "vấp" phải phản ứng bất bình của dư luận, đặc biệt là những thầy cô giáo đã và đang công tác trong ngành giáo dục.
Giáo viên giống như "tội phạm"?
Bình luận về câu chuyện cô giáo N. bị kỷ luật vì dạy thêm, cô P.P (Giáo viên tại Hà Nội) bức xúc: "Giữa một lớp 60 học sinh học một môn trong 45' với một lớp 11 học sinh học môn đó trong 1-2 tiếng, mọi người nghĩ cái nào hiệu quả hơn?
Mà đây là người ta chỉ dạy có một vài học sinh của trường/lớp trên tổng số rất nhiều học sinh khác!"
Cô Hoàng Thị Liên (Vĩnh Phúc) chia sẻ: "Lệnh cấm dạy thêm nửa vời và phi khoa học rồi đây sẽ tạo ra rất nhiều câu chuyện cảnh giác, tìm kiếm, "vây bắt" giáo viên nửa khóc, nửa cười. Tôi hy vọng lệnh cấm này sau một thời gian nó sẽ lại bị xóa bỏ.
Cái mà chúng ta cần phải bàn đến là hãy đảm bảo lương đủ sống cho giáo viên. Bằng không sẽ còn ai đủ tự tin để theo đuổi đam mê, chuyên tâm với nghề nghiệp khi đồng lương không đủ, đã thế lại còn bị theo dõi, kỷ luật.
Đọc bài báo về việc một đồng nghiệp của mình bị theo dõi, tra hỏi và bị kỷ luật vì dạy thêm khiến một giáo viên như tôi phải rớt nước mắt".
"Xin ngừng làm tổn thương người thầy giáo"
Thầy giáo Thịnh Nam (Giáo viên trường Đoàn Kết, Quận Hai Bà Trưng – Hà Nội) không giấu nổi bức xúc trước cách xử lý có phần hơi cứng nhắc này.
Thầy giáo Thịnh Nam |
"Đầu tiên, cô giáo này không hề dạy lại chương trình mà trong trường đang thực hiện mà cô chỉ bồi dưỡng thêm cho một nhóm học sinh, phụ huynh có nhu cầu thi một chứng chỉ ngoại ngữ thôi. Theo thời buổi kinh tế thị trường như thế này thì đấy người ta có trình độ ngoại ngữ nên người ta bồi dưỡng cho các con em phụ huynh nhu cầu của phụ huynh, đó là việc làm tốt, không có gì sai trái ở đây cả.
Hai nữa, theo hiệu trưởng trả lời, cô giáo này dạy tiếng Anh lớp 1, trong khi 9 học sinh tham gia học ở đây lại là học sinh lớp 4 và lớp 5… Như vậy không có dấu hiệu gì cấu thành việc cô giáo vi phạm kỷ luật cả. Đưa lên hội đồng giáo dục nhà trường thì hơn 50 đồng nghiệp đều ủng hộ không kỷ luật mà phải căn cứ vào quy định của bộ. Quy định mang tính tương đối và không nên cứng nhắc quá", thầy Nam phân tích.
Vị giáo viên này cho rằng: "Việc quá tọc mạch và đi sâu như thế này vô tình sẽ làm tổn thương lòng tự trọng của các thầy cô giáo tâm huyết trong ngành giáo dục, trong khi có rất nhiều vấn đề khác cần phải bàn nhiều hơn thay vì chuyện "săn lùng" và kỷ luật một cô giáo dạy thêm".
Cũng là một giáo viên trong ngành, thầy Nam một lần nữa nhấn mạnh: "Dạy thêm không xấu, chỉ cần chúng ta không biến tướng nó đi là được, xin đừng làm tổn thương giáo viên!"
Lam Thanh/ PNO
Bình luận (0)