Nếu coi thư viện là trái tim của trường học thì cô thủ thư đó là trái tim của thư viện – người đã có công lớn biến phòng đọc ọp ẹp với vài kệ sách thành một thư viện nhộn nhịp người ra kẻ vào suốt ngày.
Cô Giang hướng dẫn các em học sinh lớp 3 đọc sách trong tiết đọc thư viện tại Trường tiểu học Ngũ Hiệp 1 – Ảnh: Bảo Châu |
Cô là Trần Phương Giang, thủ thư Trường Ngũ Hiệp 1, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Xin chuyển từ dạy tiếng Anh sang làm… thủ thư
Giúp trò lớn lên cùng trang sách
“Các em hãy bước vào và bước đi một cách mạnh mẽ, kiên cường vì nơi đó là tương lai của các em” – lời viết này của cô Trần Phương Giang đã được ông John Wood, người sáng lập Tổ chức Room To Read – xây dựng hơn 10 triệu thư viện trên toàn thế giới, trích đăng trang trọng ngay trên trang đầu cuốn sách Creating room to read (Xây dựng phòng đọc) của ông.
Và đúng với lời nói đó, gần 10 năm nay cô Giang đã luôn mở rộng cánh cửa thư viện cho các em bước vào và lớn lên với từng trang sách.
|
Trống ra chơi vừa điểm, thư viện Trường Ngũ Hiệp 1 đã đông chật các em học sinh ùa vào.
Không khó để bắt gặp hình ảnh ngộ nghĩnh của ba, bốn em học sinh ngồi hoặc nằm hẳn xuống sàn lát gạch, chân vắt vẻo, đầu chụm vào nhau cùng đọc sách đầy hứng thú. Nguyễn Ngọc Vy (lớp 5) cười khoe răng sún:
“Ở đây có nhiều truyện hay lắm, con đọc hoài, đọc hoài không hết luôn. Năm sau con lên lớp 6 rồi, phải học trường khác nên con phải tranh thủ đọc lẹ mới được”.
Bận rộn nhận trả sách, rồi xoay qua giúp các em lớp nhỏ đánh vần từng chữ trong sách, cô Giang vui vẻ cho biết:
“Với tôi, thư viện là trái tim trường học, có đọc mới có hiểu biết. Thấy tụi nhỏ ham đọc sách như vậy là mình mừng rồi!”.
Cô Giang từng là giáo viên dạy tiếng Anh ở một trường THCS. Trong suốt sáu năm làm giáo viên đó, điều làm cô đau lòng nhất là chứng kiến thư viện của trường chỉ là một căn phòng nhỏ xíu, tối tăm, kết hợp làm luôn phòng thiết bị nên chật càng chật.
Sau một thời gian suy nghĩ, cô quyết định xin ban giám hiệu chuyển công tác cho mình làm thủ thư, một công việc “ai nghe cũng ngán”.
Và cứ thế, từ trường THCS, rồi chuyển về công tác ở trường tiểu học, cô vẫn kiên trì gắn bó với từng trang sách, quyển vở, biến thư viện Trường Ngũ Hiệp 1 từ ba kệ sách ọp ẹp trở thành hai phòng có diện tích đến 90m², thiết kế thoáng rộng và luôn rộng mở cho học sinh vào ra mỗi ngày.
Bên cạnh công việc quản lý thư viện, cô còn làm bao thế hệ học trò mê mẩn với các tiết đọc thư viện – những buổi đọc truyện, kể chuyện mang tính chất giáo dục.
Vào tiết học, em nào cũng đều tròn xoe mắt, chăm chú dõi theo từng lời kể hấp dẫn của cô Giang, và sau đó là mê mẩn với rất nhiều hình ảnh cô cặm cụi tự vẽ, tự làm.
Ví dụ, khi kể chuyện Con thuyền ước mơ, cô cắt sẵn hơn 30 phiếu ước mơ đủ hình dạng từ lá, trái tim, đám mây… để các em tự ghi ước mơ của mình.
Kể chuyện Giấc mơ của hạt mầm, cô hướng dẫn các em cách gieo trồng một hạt mầm và chăm sóc cây…
“Tôi nghĩ rằng việc nghe kể chuyện như thế sẽ gieo vào tâm hồn các em lòng yêu thích đọc sách, hình thành nhân cách cho các em sau này. Mình không thể làm qua loa, phải chọn lọc câu chuyện, xây dựng nhiều hoạt động để các em hiểu sâu, nhớ lâu và quan trọng là biết vận dụng vào cuộc sống”.
Người về trễ nhất trường
Đó là nhận xét của cô Nguyễn Thị Mến (giáo viên chủ nhiệm lớp 3/3) về cô thủ thư Phương Giang:
“Dù thầy cô, học trò đã về hết, thư viện lúc nào cũng còn sáng đèn. Nhìn vào mới biết cô Giang tranh thủ ở lại để sắp xếp sách vở học sinh đến đọc bày bừa cả ngày, rồi nhập liệu lại đủ thứ sách cô mua mới cho trường”.
Cùng với hoạt động hiệu quả của thư viện, Trường Ngũ Hiệp 1 đã dần hình thành truyền thống: học trò và thầy cô đều tự nguyện góp tiền để mua thêm sách cho thư viện hằng năm.
Sách nào mua bằng tiền của học trò đóng góp, cô Giang đóng một dấu mộc hình con gấu trúc (do cô tự đặt làm) để ghi dấu kỷ niệm cho các em. Đối với thầy cô, cô gửi phiếu để mọi người ghi những cuốn sách mình muốn, từ y học đến thiên văn, trồng cây cảnh… để “mua sách theo yêu cầu”.
Nhờ cách làm này, số lượng sách trong thư viện Trường Ngũ Hiệp 1 tăng lên thấy rõ, đạt gần 18.000 cuốn. “Mỗi lần mua sách về, mở trang sách thơm mùi giấy mới là tôi thấy lòng mình xôn xao, chỉ muốn đọc, phân loại thật nhanh để đưa sách ra phục vụ bạn đọc, thành ra nhiều bữa về trễ là vậy” – cô Giang chia sẻ.
Tiếng lành đồn xa, thư viện Trường Ngũ Hiệp 1 không chỉ nhiều năm liền được công nhận là thư viện trường học xuất sắc cấp tỉnh Tiền Giang, mà còn trở thành một địa chỉ quen thuộc với cả người dân trong vùng, đặc biệt là phụ huynh học sinh.
Đầu đội nón lá sùm sụp, tranh thủ chở con đi học, anh Nguyễn Văn Ba (35 tuổi) tới mượn cô Giang mấy cuốn sách về cách trồng và chăm sóc cây kiểng:
“Thằng nhỏ ở nhà mê đọc sách dữ lắm, có bữa mình cũng lấy ra đọc ké thấy hay, lên đây hỏi thì cô Giang cho mượn luôn nên lâu lâu ghé qua”.
Hỏi cho cả người ngoài trường mượn sách như vậy, lỡ mất luôn sách thì sao, cả cô Giang và thầy hiệu trưởng Trương Thanh Hùng đều cười xòa:
“Đó giờ chưa thấy mất cuốn nào, mà mất gì chứ mất sách không sao, mình còn mừng nữa vì sách hay người ta mới đọc, mới muốn giữ lại. Sách ở thư viện này là do xã hội đóng góp, phải phục vụ lại xã hội chứ, sao lại đóng cửa với người mê sách?”.
Vừa trò chuyện cô Giang vừa luôn tay sắp xếp lại tranh của hơn 90 em học sinh tự nguyện tham gia cuộc thi “Vẽ tranh theo sách” trường vừa phát động.
Tay nâng niu từng bức tranh các em vẽ truyện Tấm Cám, Ăn khế trả vàng… cô Giang nói nhẹ nhàng:
“Nếu phải chuyển sang chỗ làm nào khác, tôi vẫn xin lại được làm thủ thư, dù tiền lương có ít một chút cũng không sao.
Sợ nhất là nếu mình không làm nữa thì kho sách mình gầy dựng bấy lâu sẽ ra sao, học trò vào hỏi sách thì ai sẽ biết để tìm cho các em”.
Thầy TRƯƠNG THANH HÙNG (hiệu trưởng Trường tiểu học Ngũ Hiệp 1, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang):
Chuyên tâm với công tác thư viện
Đối với công tác xây dựng và phát triển thư viện trường, có được cô Giang là một lợi thế rất lớn của chúng tôi.
Cô Giang là người rất chuyên tâm với công tác thư viện, vững nghiệp vụ và đặc biệt rất nhiệt tình trong công tác, thân thiện với thầy cô, học sinh.
Ban đầu, việc thuyết phục, khuyến khích các em đọc sách không hề dễ dàng ở vùng quê nghèo này, khi ba mẹ các em chủ yếu đều làm nông, không có nhiều thời gian đốc thúc việc học của con.
Tuy nhiên, đến nay với sự kiên trì của cô Giang, tôi nhận thấy các em ngày càng yêu thích sách, đã viết đúng chính tả hơn.
Năm vừa qua, trường đã đoạt giải nhất toàn đoàn cuộc thi “Viết đúng viết đẹp “cho học sinh tiểu học cấp tỉnh Tiền Giang.
Tôi cho rằng việc ham mê đọc sách ở thư viện đã giúp ích cho các em rất nhiều trong thành quả này.
|
ĐOÀN BẢO CHÂU
(TTO)
Bình luận (0)