Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cô giáo chăm chút từng lời nhận xét

Tạp Chí Giáo Dục

Cô Nguyễn Kim Oanh (Trường Tiểu học Minh Đạo) thường suy nghĩ thật kỹ, chăm chút từng chữ, từng câu để lời nhận xét vừa ngắn gọn, dễ hiểu
“Em viết chính tả tiến bộ, trình bày sạch, cô nhìn thấy sự cố gắng của em trong giờ học, cô rất vui! Hãy tiếp tục rèn luyện mình, cố gắng hết sức mình để vươn lên trong học tập Trí nhé!”…
Với những lời nhận xét vừa ngắn gọn, bám sát năng lực học tập của học sinh (HS), đưa ra định hướng cụ thể và không thiếu sự quan tâm, động viên đã giúp HS của cô Nguyễn Kim Oanh (chủ nhiệm lớp 3/1 Trường Tiểu học Minh Đạo, Q.5, TP.HCM) yêu thích lời nhận xét và học tốt hơn. Đặc biệt, phụ huynh cảm thấy yên tâm và tăng cường hợp tác cùng giáo viên (GV) để giúp con em học tốt hơn.
Bám sát sau từng lời nhận xét
Cô Oanh chia sẻ: “Mỗi HS có tính cách và năng lực học khác nhau. GV phải nhận ra điểm hạn chế hoặc tiến bộ, nổi bật để đưa ra nhận xét, đánh giá các em một cách chính xác nhất. Sau mỗi lời nhận xét HS phải có sự thay đổi. HS học yếu nhận ra điểm sai để khắc phục, tiến bộ; còn HS khá giỏi cần phát huy tốt hơn”.
Để làm được điều này, trong mỗi môn học, cô Oanh sẽ nhận xét 5 HS có nhiều hạn chế trước, sau đó luân phiên đến toàn lớp. Mặt khác, để lời nhận xét ghi ra thực sự tác động đến HS, cô thường xuyên theo dõi bằng cách dựa vào kết quả học tập. Đơn cử trong giờ chính tả, HS viết sai, đặt nhầm dấu… thì sang giờ tập đọc, cô tiếp tục khuyến khích các em rèn luyện đọc để chỉnh sửa. “Sĩ số HS một lớp đông, số lần các em được ghi nhận xét vào vở không nhiều vì thế nếu viết xong nhận xét mà không chú ý xem hôm sau em ấy có sửa sai tiến bộ không thì xem như lời nhận xét kém hiệu quả, và các em cũng không thấy được giá trị của lời nhận xét. Cách làm này còn giúp tôi theo sát được năng lực học của các em hơn”, cô Oanh cho biết.
Vì là năm đầu tiên thực hiện thông tư 30 nên bước đầu HS vẫn chưa quen với lời nhận xét, vẫn thích điểm số hơn. Minh chứng đó là một số em đã có sự so sánh giữa điểm số và lời nhận xét. Trong hoàn cảnh này, cô Oanh thường dò hỏi ngược lại HS của mình có thích nhận xét không, sau đó giải thích cụ thể để các em hiểu, chú ý. Dần dà các em đều tỏ ra thích và quan tâm các lời nhận xét mà cô ghi ra.
Nhận xét viết ra để cho HS và phụ huynh đọc, chính vì thế cô Oanh quan niệm lời nhận xét không thể “ăn xổi ở thì”, không thể qua loa. Mỗi khi đặt bút ghi, cô thường trăn trở, suy nghĩ thật kỹ, chăm chút cho từng chữ, từng câu để lời nhận xét vừa ngắn gọn, dễ hiểu, bám sát năng lực học tập của HS, vừa có định hướng và cả sự động viên. Nhiều hôm thiếu thời gian ghi nhận xét, cô không ngần ngại nán lại trường, thậm chí nán lại sau 10 giờ tối để hoàn thành các lời nhận xét cho các em một cách trọn vẹn…
Xem khó khăn chỉ là giai đoạn
Cũng như bao GV khác, khi bắt đầu thực hiện đánh giá HS theo thông tư 30, cô Oanh cũng gặp không ít khó khăn về sổ sách, thời gian, cách thực hiện và cả việc đầu tư vào bài giảng. Cô cho rằng, một lớp đến vài chục em, chỉ nội việc ghi thông tin HS từ sổ này sang sổ khác đã chiếm không ít thời gian. Đó là chưa nói đến công việc hàng ngày, công việc giữa kỳ, cuối kỳ. Tuy nhiên, xác định bất cứ công việc nào thực hiện tiên phong cũng không tránh được khó khăn, cô Oanh đã xem khó khăn chỉ là giai đoạn. Từ đó, cô tìm cách sắp xếp và giải quyết công việc.
“Cái hay của thông tư 30 là giảm áp lực điểm số, học thêm, trả lại sự hồn nhiên vui tươi cho trẻ; đặc biệt là thông tư đã giao toàn quyền thực hiện cho GV. Chính vì thế người thầy cần phải biết học trò cần gì ở mình, mình nên làm gì”, cô Nguyễn Kim Oanh cho biết.
Cô Oanh cho biết, bước đầu cô nắm kỹ mục đích, công việc mà thông tư 30 đưa ra. Sau đó viết nhận xét từng nhóm 5 HS và tăng dần số lượng khi đã quen công việc. Trong quá trình nhận xét, GV không nên quá cứng nhắc, nếu không ghi được bằng chữ thì có thể nhận xét bằng lời. Cũng không nên lạm dụng các phương tiện như dấu mộc đóng dấu lời phê. Phương tiện này có thể giảm bớt khối lượng công việc nhưng không thể hiện hết ý nghĩa, nội dung của lời nhận xét và năng lực học của HS.
Riêng đối với nội dung bài dạy, trước đó đánh giá HS bằng điểm số, cô thường mở rộng nội dung bài dạy, mở rộng kiến thức cho HS bằng cách sưu tầm thêm các đoạn phim, các câu chuyện hay ngoài xã hội rồi trình chiếu, kể cho HS. Còn hiện nay, do thời gian hạn chế, cô tập trung gợi ý, giới thiệu và gửi các địa chỉ thông tin rồi động viên HS nên tìm sách, tìm thông tin qua phương tiện internet để đọc, tìm hiểu. Cô Oanh chia sẻ: “Cái hay của thông tư 30 là giảm áp lực điểm số, học thêm, trả lại sự hồn nhiên vui tươi cho trẻ; đặc biệt là thông tư đã giao toàn quyền thực hiện cho GV. Chính vì thế người thầy cần phải biết học trò cần gì ở mình, mình nên làm gì. Và điều quan trọng là trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, người thầy vẫn phải luôn bồi dưỡng kiến thức cho học trò của mình”.
Bài, ảnh: Trinh Ngọc
Học sinh tiến bộ, phụ huynh quan tâm hơn
Trước những việc làm của cô Nguyễn Kim Oanh, những học sinh đầu năm hay mắc nhiều lỗi chính tả, lười đọc sách… thì cuối học kỳ I vừa rồi, các em đều khắc phục được hạn chế và học tiến bộ hơn. Riêng phụ huynh, nhiều người đã thường xuyên đọc, ký tên vào các sổ. Nhiều người còn phản hồi tích cực và cảm ơn cô như: “Phụ huynh đã xem, rất cám ơn những lời nhận xét của cô. Gia đình cố gắng kết hợp với cô để Bửu khắc phục những thiếu sót”. Hay “Nhờ những lời phê của cô giáo mà con đã tiến bộ hơn trong học tập. Ba mẹ con cũng thường xuyên xem tập vở và giúp con ôn bài. Cảm ơn cô rất nhiều và sẽ luôn ghi nhớ những lời cô căn dặn”…
 
 

Bình luận (0)