Cô Ngọc Nga và các học trò thân yêu của mình
|
Nhiều người bảo cô chuyên “dụ” học trò nên luôn dành được sự yêu mến từ các em. Thật ra, cô chẳng dùng kế sách gì mà chỉ quan tâm đến từng em cả trong giờ học đến cuộc sống hàng ngày bằng chính cái tâm để giúp các em trở thành những con ngoan trò giỏi. Tình cô trò cứ thế khắng khít lên từng ngày… Cô là Nguyễn Ngọc Nga, giáo viên bộ môn vật lý Trường THCS Võ Trường Toản (Q.1).
Chuyên gia “trị” học trò cá biệt
Năm 1986, mới “chân ướt chân ráo” về nhận nhiệm vụ tại Trường THCS Phan Văn Trị (Q.1), cô được phân làm giáo viên chủ nhiệm (GVCN) một lớp có tới 3 học trò cá biệt. Các em không những trộm đồ đạc của gia đình bán lấy tiền tiêu xài, bỏ học triền miên mà còn bàn nhau mua dao làm chuyện mờ ám. Biết chuyện nhưng chưa bắt được tận tay nên cô không dám “phạt”. Từ đó, cô ngầm theo dõi nhóm học sinh (HS) này. Bỏ ra rất nhiều thời gian và công sức để bám sát, cuối cùng cô cũng nắm trong tay đầy đủ chứng cứ. Cô nhanh chóng thông báo đến phụ huynh (PH) để gia đình kịp thời ngăn chặn. Học trò từ đó chuyên tâm học hành, gia đình các em cũng quan tâm đến con cái nhiều hơn.
Cô Nga chia sẻ: “Tiếp xúc nhiều với học trò chưa ngoan, mình thấu hiểu đằng sau những trái tim sắt đá ấy là cả một tâm hồn thiếu vắng sự quan tâm của gia đình. Cảm giác trống vắng khi bị bỏ rơi khiến các em luôn có những hành động cá biệt. Và khi gặp những hoàn cảnh này, người thầy cần kịp thời nhận ra vấn đề để giúp trò vững tin đến lớp”.
Còn nhớ năm học 2004-2005, phát hiện 4 nữ sinh lớp mình chủ nhiệm có ý định trốn lên Đà Lạt chơi, cô liền theo dõi, điều tra và kịp thời làm việc với các em. Nhận thấy HS bị người ngoài rủ rê, cô tức tốc nhờ một PH làm trong ngành công an phối hợp cùng ngăn chặn, giải quyết vấn đề ổn thỏa. Sự việc sau đó được thông báo chi tiết đến gia đình mỗi em. Đến lúc này, PH mới tá hỏa bởi “Lâu nay con gái tôi rất ngoan”.
Suốt 34 năm đứng lớp, hầu như năm nào cô cũng tham gia “phá án” những vụ HS “mê chơi bỏ học”. Đặc biệt trong vai trò GVCN, cô càng khó cho qua những sự việc như thế này. Mỗi sự việc một tính chất riêng nên trong quá trình điều tra, xử lý cô luôn khéo léo “mở nút thắt” nhằm tìm ra cách giải quyết nhẹ nhàng nhất. Với cô, khi gặp những HS cá biệt, GVCN không cần đánh hay dùng mưu mẹo gì mà đơn giản chỉ cần để mắt tới các em, kịp thời hỏi han, động viên cùng phân tích đúng sai rành mạch. Điều cô “tối kỵ” là la mắng hay bắt học trò làm bản kiểm điểm bởi hơn ai hết cô hiểu làm vậy rất dễ khiến các em tổn thương, PH phần nào giảm bớt niềm tin vào con cái.
Hơn 30 năm tuổi nghề là chừng đó thời gian cô “uốn” học trò cá biệt. Nhiều em nay đã trưởng thành, công ăn việc làm ổn định, dù đi đâu xa vẫn thường xuyên hỏi thăm cô. Những bó hoa, cánh thiệp, lời chúc sức khỏe của HS cũ khiến cô ấm lòng vì biết rằng con đường mình chọn là đúng. Trong sâu thẳm, cô rất đỗi hạnh phúc vì sau mỗi sự việc, học trò của cô được ba mẹ quan tâm sâu sát hơn.
Làm việc với hết tinh thần trách nhiệm
Cô Nga cho rằng, trách nhiệm của một GVCN không chỉ dừng lại ở việc quản lý HS về đạo đức, tác phong học tập mà còn từng bước xây dựng lớp của mình thành một tập thể có ý thức tự quản trong tất cả mọi hoạt động từ chính khóa đến ngoại khóa. Thay vì gò bó các em trong những khuôn phép, cô linh hoạt, nhạy bén trong từng cách quản lý. Ngoài giờ lên lớp, cô trò thường xuyên tổ chức những buổi tham quan ngoại khóa tại các trại trẻ mồ côi hoặc đến thăm những cụ già neo đơn. Cô tin, những mảnh đời bất hạnh đó sẽ khơi dậy tình yêu thương cộng đồng, giúp các em nhận ra giá trị đích thực trong cuộc sống mà cố gắng gìn giữ và phát huy.
Không yêu ngành vật lý nhưng cô lại chọn gắn cả tương lai của mình với nó vì lời thầy khuyên. “Thầy nói, ngành nào cũng là nghề, mình chuyên tâm và làm việc có trách nhiệm thì sẽ thành công” – cô Nga vui vẻ kể. Và rồi sau quyết định ấy, cô biết được mình đã đi đúng đường. Cô Nga chia sẻ: “Vật lý khô nhưng lại rất thực. Chỉ cần linh động vận dụng thực tiễn cuộc sống vào người học sẽ nắm bắt tốt vấn đề. Và sau đó ta lại vận dụng những lý thuyết đã học vào cuộc sống”.
Cô luôn tạo điều kiện để HS được thực hành hay ứng dụng những kiến thức trong sách vở vào cuộc sống. Đơn cử, đến bài về vai trò của điện, cô lấy ví dụ cụ thể từ việc sử dụng điện hàng ngày để dạy cho các em cách sử dụng nguồn năng lượng này hiệu quả và tiết kiệm. Tiết học tưởng chừng khô khan bỗng trở nên nhẹ nhàng, sinh động khiến các em HS tỏ ra thích thú. Cách dạy áp dụng vào thực tiễn của cô giúp học trò thêm yêu môn lý và sáng tạo hơn trong việc học. Kết quả, hàng năm Trường THCS Võ Trường Toản có khá nhiều em tham gia các kỳ thi HS giỏi lý cấp trường, cấp quận và thành phố. Đối với những HS trung bình, cô luôn tìm cách giúp các em nắm chắc kiến thức căn bản để không bị mất phương hướng mà nản lòng.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
Năm 2001, cô Nguyễn Ngọc Nga vinh dự được trao tặng giải thưởng Trái tim người thầy và Viên phấn vàng lần VII. Bên cạnh việc hoàn thành tốt vai trò của một GV bộ môn, GVCN, cô còn tích cực tham gia công tác bồi dưỡng HS giỏi vật lý; là nhóm trưởng môn vật lý của trường; Tổ trưởng bộ môn của Phòng GD-ĐT Q.1; thành viên Hội đồng Bộ môn của Sở GD-ĐT; Thanh tra viên; đạt danh hiệu Vì sự nghiệp giáo dục… Những thành tích này giúp cô vinh dự nhận giải thưởng Võ Trường Toản năm 2011. |
Bình luận (0)