Cô giáo Ma Thị Dua sinh năm 1975 là người con của đồng bào dân tộc Mông thôn Bản Phố 2B, xã Bản Phố, huyện Bắc Hà (Lào Cai). Năm 1999, tốt nghiệptrung cấp ngành tiểu học Trường Sư phạm Lào Cai, cô Dua được điều về công tác tại trường tiểu học quê nhà. đây là xã có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Mới nhận công tác, cô giáo Ma Thị Dua đã được nhà trường phân công dạy ở thôn Quán Dín Ngài, thôn khó khăn nhất xã.
Trước đây, khi cô chưa về thì thôn này chủ yếu do các thầy giáo, cô giáo miền xuôi lên đây dạy học. Do bất đồng ngôn ngữ nên việc tuyên truyền vận động để các gia đình người Mông cho con em đến lớp là rất khó khăn. Từ khi cô giáo Dua về, mọi việc trở nên thuận lợi hơn. Hàng ngày, ngoài giờ lên lớp, cô cùng chồng mình lại đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động bà con đồng bào Mông cho con em mình đến lớp học chữ. Thôn Quán Dín Ngài vào diện khó khăn nhất của xã trong việc học sinh ra lớp. Bằng tình cảm chân tình của người con của đồng bào dân tộc Mông và trách nhiệm người giáo viên, cô đã làm thay đổi hoàn toàn nhận thức của bà con về cái hay, cái tốt khi cho con đi học. Biết chữ rồi bà con mình sẽ biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc trồng cây và chăn thả gia súc, gia cầm để có thu nhập cao trong sản xuất nông, lâm nghiệp. Người Mông mình sẽ xoá được cái đói, giảm được cái nghèo, có của ăn, của để. Với sự ân cần chu đáo như là người mẹ thứ hai của trẻ, cô và đội ngũ giáo viên đã tạo niềm tin đối với phụ huynh và sự yêu mến của trẻ nhỏ, với việc giúp các em biết vệ sinh cá nhân, ăn uống đến việc học cái chữ mà giờ đây thay vì cảnh rụt rè sợ phải đi lớp, các em đã yêu trường mến bạn luôn hào hứng muốn được đến lớp. Từ đó, số học trò cứ tăng dần theo ngày tháng, phân hiệu ngày càng trở nên đông vui, tiếng hát, tiếng cười, tiếng đọc bài của con trẻ làm mát lòng, thoả lòng các bậc thầy cô và cha mẹ.
Các bậc cha mẹ học sinh Bản Phố khi nhắc đến việc học hành của con em mình đều lấy tấm gương vượt khó của cô Dua để rồi thành cô giáo mang cái chữ phục vụ dân mình, giờ đây bọn trẻ đã ý thức được đến lớp, lại muốn học giỏi nữa để sau này lớn lên cũng được làm giáo viên như cô, đem cái chữ về phục vụ quê hương yêu dấu của mình. Điều khác biệt đối với các giáo viên ở miền xuôi lên công tác, bởi cô thấu hiểu hơn hoàn cảnh chung của các em nhỏ độ tuổi cắp sách đến trường, cô bảo: Các em học lớp 1 và lớp 2 phần lớn còn chưa nói thạo tiếng phổ thông nên khi nghe thầy cô giáo giảng bài, các em không hiểu hoặc hiểu rất chậm. Vì thế mà trong khi giao tiếp, các em ngại nói, nên ngại học. Hiểu được tâm lý đó ngay buổi đầu tiên các em đến lớp, cô Dua đã phải áp dụng phương pháp học song ngữ, để cho các em dễ hiểu tích cực ghép vần, tạo tiếng. Một trong những kỷ niệm lớn nhất của cô Dua trong năm học (2005-2006) em Thào Seo Sần học sinh lớp 3 bỏ học thường xuyên, có khi bỏ học cả tháng, ròng rã 6 tháng liền ngày nào cô cũng đến gia đình vận động gia đình và em đến lớp, sau bằng ấy thời gian em đã ra lớp đều đặn. Nhờ sự quan tâm, khích lệ của cô giáo Dua mà từ chỗ em là học sinh yếu trở thành học sinh khá, giỏi, hiện em đang là học sinh lớp 7 của Trường THCS xã Bản Phố. Năm học này, cô lại được giao dạy lớp 1A, với 20 học sinh, tỷ lệ chuyên cần của lớp cô luôn đạt 98-100%. Thầy Trần Anh Tuấn hiệu trưởng Trường tiểu học Bản Phố nhận xét: Trong những năm qua, cô Ma Thị Dua đã có nhiều đóng góp tích cực cùng ban giám hiệu nhà trường huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp đạt 100%, tỷ lệ chuyên cần từ 98-100%, ngoài ra còn vận động nhân dân địa phương góp sức cùng nhà nước xây cơ sở vật chất, đến nay trường chính và phân hiệu đã được xây dựng khang trang kiên cố, có đầy đủ trang thiết bị cho việc dạy và học, đơn vị trở thành một ngôi trường thân thiện và đạt chuẩn Quốc gia vào tháng 11 năm 2008.
Suốt mười năm liền gắn bó dưới mái trường nên giờ đây, mỗi khi nhắc đến cô giáo Dua, người dân Bản Phố trìu mến gọi cô với cái tên thân mật cô giáo của bản người Mông.
Đinh Viết Vinh
Theo Giáo dục & Thời đại
Bình luận (0)