Các hành động không đúng quy tắc của phụ huynh có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến quá trình hình thành nhân cách của một đứa trẻ, đặc biệt là những đứa trẻ ở lứa tuổi nhỏ.
Phụ huynh bé N.B.G, học sinh Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (Q.1), tâm sự: “Có lần trời mưa tầm tã, đường sá vắng người nên tôi vượt đèn đỏ để nhanh chóng về nhà thì cháu bảo: “Ba đừng vượt đèn đỏ chứ, cô giáo dặn đèn đỏ là phải dừng lại ngay”. Vì quá vội nên tôi cũng ậm ờ cho qua chuyện: “Lâu lâu vượt không sao đâu con””. Trường hợp trên chỉ là một trong vô số những trường hợp mà các bậc phụ huynh thường ứng xử sai quy tắc trước mặt con cái.
Cứ ngỡ các việc làm tương tự như trên là những việc làm vô hại và hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến trẻ. Thế nhưng nó lại có tác động mạnh mẽ đến ý thức về cuộc sống và cả sự hình thành nhân cách của trẻ sau này. Lứa tuổi nhỏ là lứa tuổi mà các phẩm chất tâm lý, tình cảm, đạo đức… đang dần được tích lũy và xây dựng nên thành một hệ thống vững chắc. Tuy nhiên, đây cũng là lứa tuổi gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn cho mình những nội dung để học tập thông qua giáo dục trong nhà trường và đặc biệt hơn là những quy tắc ứng xử của cha mẹ. Chính vì vậy, bất cứ hành động nào của cha mẹ đều được trẻ đem ra so sánh với những điều được học trong nhà trường.
Có hai trường hợp có thể xảy ra như sau: Thứ nhất, những hành vi của người lớn phù hợp với những điều trẻ học thì các em sẽ rất dễ dàng tiếp thu, trở thành một thói quen của trẻ; thứ hai, cũng là vấn đề được đề cập ở đây, nếu các bậc cha mẹ có những hành vi ứng xử sai quy tắc và không giống với những gì trẻ được dạy thì các em sẽ cảm thấy trằn trọc, lạc lõng, bất an, thắc mắc về sự đúng sai của hành động và vô cùng lưỡng lự khi không biết chọn cho mình hành động nào để noi theo. Chính điều này làm cho sự phát triển nhân cách của trẻ trở nên nhọc nhằn và bị chậm lại so với những đứa trẻ ở trường hợp thứ nhất.
Là phụ huynh, ai cũng mong muốn cho con mình có sự phát triển toàn diện bản thân và quan trọng là có những hành vi đúng mực trong cuộc sống, trở thành người có ích cho xã hội. Chính vì vậy, việc rèn luyện cho bản thân những hành vi đúng quy tắc là một việc làm hết sức quan trọng. Cha mẹ chính là tấm gương để con cái noi theo. Giáo dục gia đình phải có sự thống nhất với giáo dục nhà trường mới là điều kiện tốt nhất cho sự phát triển nhân cách ở trẻ.
Nguyễn Thị Diễm My
(Học viên cao học chuyên ngành tâm lý học)
Bình luận (0)