Tòa soạnThư đi – tin lại

Cô giáo dạy văn của tôi!

Tạp Chí Giáo Dục

(Kính tặng cô Nguyễn Thị Hoàng)

Tình thầy trò (ảnh minh họa). Ảnh: THÀNH LÊ

Một trong những điều quan trọng nhất của cuộc đời mỗi người là việc chọn nghề. Sau những ngày suy nghĩ, cân nhắc, tôi đã quyết định sẽ đi tiếp con đường mà mẹ tôi, cô tôi đã chọn. Với tôi, có lẽ truyền thống giáo dục của gia đình đã ngấm sâu vào trong huyết quản tôi ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Tác phong sư phạm trong cách dạy con cùng lối sống thanh bạch của nhà giáo ở mẹ đã sớm hình thành trong tôi những suy nghĩ, tình cảm gắn bó, thân thiết với nghề dạy học. Ngày ấy, nhà tôi thường xuyên rộn rã tiếng cười từ các học trò cũ của mẹ. Các anh chị ấy giờ đã trưởng thành, làm việc khắp nơi nhưng vẫn hay về thăm hỏi mẹ tôi.
Trong những tháng năm đi học, tôi cũng có nhiều người thầy, người cô mà tôi mến phục. Năm học ấy, tôi đã được học cô. Giờ giảng văn từ đó đã trở nên sinh động hơn, hấp dẫn hơn. Cô có giọng giảng bài đầm ấm, thu hút. Với vốn kiến thức sâu rộng và nhiệt tình của mình, cô đã biến những giờ văn hàng tuần thành nỗi háo hức, mong chờ trong tôi. Cô giảng say sưa về trích đoạn trong tác phẩm Truyện Kiều, cái tâm trạng buồn thương, cái đau xé lòng khi Kiều phải ngậm ngùi trao duyên cùng những nỗi truân chuyên mà nàng phải cúi đầu chấp nhận trong suốt 15 năm lưu lạc. Nhờ đó, chúng tôi hiểu hơn về thân phận bị vùi dập của người phụ nữ thời phong kiến và hiểu thêm nỗi đau trong tâm hồn của thi hào Nguyễn Du. Giảng về Nam Cao, cô như say sưa đồng cảm với cuộc đời, nhân cách của một nhà văn có tài và cái tâm trong sáng tuyệt vời… Từ một học trò nhút nhát, tôi trở nên lanh lẹ hơn khi liên tục giơ tay phát biểu cũng như nói lên cảm nhận của mình về các nhân vật. Cô nổi tiếng là khắt khe trong việc cho điểm, nhưng các bài văn tôi làm điểm số cứ từ từ tăng vọt, và tự hào hơn, một số bài văn của tôi được cô chọn làm bài mẫu đọc cho cả lớp nghe để tham khảo.
Tất cả những điều đó đã đánh thức trong tôi cái vốn tiềm tàng về văn học. Tôi bắt đầu yêu văn và không biết tự lúc nào, cô đã trở thành tấm gương chuẩn mực để tôi soi lại mình và phấn đấu hơn. Mỗi lần lên lớp, bao giờ cô cũng mang lại một cái gì đó rất mới cho chúng tôi. Có cô, chúng tôi như lớn khôn hơn, hiểu hơn về cuộc đời, về lẽ sống. Năm nay, tôi không còn được nghe tiếng giảng bài của cô vang trên bục giảng nhưng lúc nào trong lòng tôi cũng in đậm vóc dáng hao gầy, mái tóc dài đen mượt và chiếc cặp bao giờ cũng đầy ắp sách với giáo án của cô.
Hình ảnh cô kính yêu đã khắc họa thêm trong tôi hình ảnh người mẹ năm xưa trên bục giảng. Và đó là động lực thúc đẩy tôi hướng tâm hồn mình vào một nghề thiêng liêng và cao cả: nghề dạy học.
Nguyễn Thị Khuyên (ĐHSP – TP.HCM)

Bình luận (0)