TT – Một học trò tương tư bạn gái, muốn tạt axit cho bạn ấy xấu đi, lúc ấy không ai thèm yêu bạn ấy cả, bạn ấy sẽ mãi mãi thuộc về mình.
Nghe xong cô giáo giật mình…
Cô Trần Thị Phú Thành và những học trò của mình tại Trường THPT Lương Thế Vinh, Q.1, TP.HCM – Ảnh: Như Hùng
“Đã là giáo viên mà không được làm chủ nhiệm thì coi như phí cả nửa cuộc đời”. Câu nói vui của cô giáo Trần Thị Phú Thành đã khiến cả hội đồng giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM) có mặt trong buổi tọa đàm “Công tác chủ nhiệm” đầu tháng 8 phải phì cười.
Đặc biệt, câu chuyện cô kể để minh họa cho câu nói ấy càng làm cho người dự thấy thấm thía hơn sự tâm lý, luôn theo sát và quan tâm học sinh của một cô giáo đã 43 năm gắn bó với nghề.
Chuyện xảy đã lâu, khi ấy cô Phú Thành đang công tác tại Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM). Năm ấy cô vừa là giáo viên dạy văn vừa chủ nhiệm một lớp 12, vì là lớp cuối cấp nên cô rất quan tâm và hay hỏi han trò chuyện với học sinh.
Một hôm, có học sinh chạy đến báo cho cô biết: “Cô ơi, lớp mình sắp xảy ra đại họa rồi”.
Ngạc nhiên, cô hỏi lại thì được biết cậu học sinh tên Toàn đem lòng thích một bạn nữ trong lớp, nhưng éo le thay bạn ấy không hề thích Toàn. Sắp đến sinh nhật mình nhưng bạn nữ không hề mời Toàn mà lại mời một bạn nam lớp khác.
Quá tức giận, Toàn quyết định sẽ đến dự sinh nhật nhưng thay vì đem quà sẽ mang theo một bình axit để tạt người bạn mình thích. Khi mới nghe cô Thành không tin, và cho rằng đó chỉ là những lời nói bộc phát trong lúc giận của học sinh mình và dù có thế nào thì Toàn cũng không dám làm chuyện đó.
Tuy nhiên sau nhiều lần suy nghĩ, sợ nếu chuyện đó là thật thì Toàn sẽ tự hủy hoại 12 năm học và cả tương lai mình nên cô đã gọi riêng em ra để hỏi han đầu đuôi. Lúc đầu cậu học trò cố tình chối quanh, nhưng sau một hồi trò chuyện, từ cách nói chuyện ân cần của cô thì Toàn bắt đầu mở lòng và thừa nhận.
Toàn cho biết em rất “yêu” bạn ấy, vì vậy em muốn tạt axit để cho bạn ấy xấu đi, lúc ấy không ai thèm yêu bạn ấy cả, bạn ấy sẽ mãi mãi thuộc về em. Hơi hoảng với suy nghĩ của học trò nhưng cô Thành không hề nổi giận, với sở trường là giáo viên dạy văn cô đọc cho Toàn nghe bốn câu thơ trong bài Dại khờ của Xuân Diệu:
“Người ta khổ vì thương không phải cách
Yêu sai duyên và mến chẳng nhằm người
Có kho vàng nhưng tặng chẳng tùy nơi
Người ta khổ vì xin không phải chỗ”.
Yêu sai duyên và mến chẳng nhằm người
Có kho vàng nhưng tặng chẳng tùy nơi
Người ta khổ vì xin không phải chỗ”.
Sau đó, cô Thành nhẹ nhàng giảng giải cho Toàn hiểu: “Em vẫn còn là một học sinh, sau này em sẽ gặp và quen nhiều bạn gái khác, không nên vì một mối tình con trẻ mà đánh mất đi cả tương lai. Việc em định tạt axit bạn là vô cùng nông nổi, không chỉ hủy hoại bạn gái ấy mà sẽ hủy hoại cả tương lai của bản thân mình."
"Chưa biết sau này bạn gái ấy có mãi mãi là của em không, nhưng chắc chắn bạn ấy và cả người thân sẽ hận em đến suốt đời. Người ta nói “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, nhưng không chỉ nói mà ngay cả hành động muốn làm gì cũng phải nghĩ trước nghĩ sau và suy tính thiệt hơn”.
Và cô lại đọc cho Toàn nghe một bài thơ nữa của Xuân Diệu:
“Yêu là chết ở trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu
Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu
Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết”.
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu
Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu
Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết”.
Rồi cô tỉ tê: “Cuộc sống vẫn luôn là tương đối chứ không thể tuyệt đối, nên việc thích một ai đó và không được đáp lại là chuyện bình thường và em không nên để bụng, không nên vì vậy mà làm điều dại dột ảnh hưởng đến cả mình và bạn”.
Được cô khuyên, Toàn đã hiểu ra nhưng thấy học trò còn chần chừ, cô đã bắt Toàn hứa với mình rằng sẽ không nuôi ý định tạt axit bạn nữa.
Tuy nhiên, cô Thành vẫn rất lo lắng, từ ngày đó cô luôn theo dõi những cử chỉ hành động của Toàn, mãi cho đến qua hôm sinh nhật em học sinh nữ ấy, bước vào lớp nhìn Toàn vui vẻ đùa cùng chúng bạn cô mới yên tâm.
Cuối năm ấy Toàn cũng hoàn thành xong chương trình học và thi đại học như bao bạn bè khác.
KIM NGÂN
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)