Cả Trường Sa mênh mông, một mình cô Nhung quản 12 trò, từ mầm non đến lớp 4. Một ngày cô dạy 4 “sô”. Chỉ còn môn thể dục là không dạy thôi vì khí hậu khắc nghiệt ở Trường Sa tự thân cũng đã là một môn học quá nặng cho các em rồi.
Đối với cô giáo Nhung, mỗi giờ dạy là mỗi giờ yêu thương
Hai vợ chồng cô giáo Nhung trong căn nhà nhỏ ở đảo Trường Sa
Nhưng chuyện xin ra đảo dạy học, ban đầu cũng vấp phải sự phản đối quyết liệt của gia đình. “Mình là người có gia đình, ra đảo thì chồng con một nơi, mình một nơi cũng khó. Mà mang theo cả chồng, biết làm gì, con cái liệu có sống nổi với khí hậu khắc nghiệt ở Trường Sa không, mình day dứt lắm”, cô Nhung tâm sự.
Trăn trở, day dứt của cô giáo Nhung thật may lại được sự đồng cảm, chia sẻ từ phía chồng. “Nghe vợ bảo đi ra đảo, ban đầu mình cứ tưởng là đùa. Nhưng khi nghe ý định nghiêm túc của vợ, mình cũng suy nghĩ và ủng hộ vì mình hiểu cô ấy hơn ai hết. Lúc đó mình chỉ nói một câu, ở trong đất liền thì lương anh đủ để nuôi em và con, còn ra đó thì em nuôi anh nhé”, anh Chương nửa đùa nửa thật khi nhớ lại ngày xin ra đảo dạy học. Bố mẹ của hai gia đình khi hiểu hết tấm lòng của hai vợ chồng trẻ cũng không ngăn cản nữa, chỉ dặn mỗi câu: “Đã đi thì phải sống hết mình nơi quê hương mới”.
Mỗi ngày 4 “sô”, 5 lớp
Từ ngày ra đảo dạy học, một mình cô Nhung phụ trách 12 cháu nhỏ đủ các lứa tuổi, từ mầm non cho đến lớp 4. Một ngày cô dạy 4 “sô”, cả sáng lẫn chiều. Lúc thì dạy tập đọc, tập viết cho học sinh mẫu giáo, lúc dạy văn, dạy toán cho các em lớp 2, lớp 3, lớp 4. “Mình soạn giáo án đủ 9 môn cho học sinh lớp 2, lớp 3 và 11 môn cho học sinh lớp 4. Ở đây chỉ còn môn thể dục là mình không dạy thôi vì khí hậu khắc nghiệt ở Trường Sa tự thân cũng đã là một môn học quá nặng cho các em rồi”, cô Nhung cho hay.
Mỗi "lớp" của cô Nhung chia thành một cụm, quay lưng vào nhau
Hình ảnh cô Nhung gieo chữ trên đảo Trường Sa khiến nhiều Đoàn viên trẻ trong chuyến ra thăm đảo đầu tháng 5/2009 hết sức cảm động. Bạn Vũ Tô Sa Anh, giáo viên Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh, đồng thời đang là sinh viên Học viện Âm nhạc Hà Nội khẳng định, nếu được thì khi tốt nghiệp em cũng sẽ xin ra đảo để dạy đàn, hát cho các em. Nói như Sa Anh, rằng các em ở đảo không những cần học chữ, mà cần được học cả những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống tâm hồn. |
Dạy học, soạn giáo án cho đến làm đề thi, kiểm tra học kỳ và cho các cháu lên lớp, cô Nhung phụ trách tất. Nhiều đêm cô Nhung phải thức đến tận 2, 3 giờ sáng để soạn giáo án cho các lớp, mà mệt nhất là giáo án về môn văn. Không như trong đất liền, những hình ảnh minh họa luôn phong phú, thậm chí các em có thể đi thực tế để hiểu, nắm bắt vấn đề rõ hơn.
“Học ở đảo nên các cháu không có điều kiện tiếp xúc thực tế nhiều. Các cháu không được đi chơi công viên, sở thú, đi xem phim, tham quan thắng cảnh. Bài tập làm văn các cháu làm luôn phải là một sự tưởng tượng của riêng mình”, cô Nhung kể. Những cánh đồng lúa chín, cây đa, đình làng, con trâu, cái cò… vốn dĩ thân quen, gần gũi với bọn trẻ trong đất liền thì với bọn trẻ ở đảo chúng chỉ biết qua sách vở.
Ghế đu là trò chơi duy nhất của các cháu nhỏ trên đảo
Cô Nhung cho biết, lũ trẻ ở Trường Sa được cái rất ham học. Ở đảo, không có nhiều thứ để chơi nên hầu hết đứa nào cũng thích đi học, vì mỗi giờ học chúng tìm thấy niềm vui. Để chương trình học của các cháu không bị lạc hậu, cô Nhung thường phải liên lạc về đất liền xin đồng nghiệp giáo án, sách vở và cả đồ chơi.
Dù điều kiện khó khăn nhưng học sinh của cô Nhung đều học khá, giỏi
Sông Lam (Dan tri)
Bình luận (0)