Tình huống: Đầu năm học, trường tôi (ở quận vùng ven thành phố) được phòng GD-ĐT phân công dạy tiếng Anh tăng cường. Tại lớp 6A1, sau buổi họp phụ huynh đầu năm, phụ huynh đã làm đơn tập thể xin được đổi giáo viên (GV) dạy tiếng Anh tăng cường với lý do GV giảng bài học sinh (HS) không hiểu, kiểm tra cho đề khó nên các em thường bị điểm kém.
Giờ học môn tiếng Anh của học sinh THCS (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi |
Phụ huynh còn cho rằng GV làm như vậy để cố tình ép HS đi học thêm, và nếu ban giám hiệu nhà trường không giải quyết thì sẽ làm đơn gửi lên phòng GD-ĐT.
Hiệu trưởng tiếp nhận đơn phản ánh của tập thể phụ huynh lớp 6A1, đồng thời xin có thêm thời gian để kiểm tra cụ thể rồi trao đổi lại với phụ huynh. Sau đó hiệu trưởng lập ngay một ban kiểm tra gồm: Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, tổ trưởng tổ bộ môn tiếng Anh, chủ tịch công đoàn, GV chủ nhiệm lớp 6A1.
1. Theo nhận xét, đánh giá ban đầu từ ban kiểm tra thì cô M., giảng dạy môn tiếng Anh tăng cường của lớp 6A1, là một GV có kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm, bản thân cô đã từng đạt rất nhiều thành tích như GV dạy giỏi cấp trường, cấp quận. Đồng thời cô M. chưa bao giờ dạy thêm HS ngoài giờ vì lý do gia đình cô có hai con nhỏ, mẹ chồng lớn tuổi bị bệnh, chồng là bộ đội công tác xa nhà. Chính vì vậy, ban kiểm tra quyết định tìm hiểu thêm để nắm bắt các thông tin xem phụ huynh phản ánh có chính xác hay không. Theo đó, ban kiểm tra trực tiếp đến dự giờ đột xuất tiết học tiếng Anh tăng cường của lớp 6A1. Sau tiết dự giờ có yêu cầu HS làm bài kiểm tra ôn lại kiến thức bài học. Tiết dự giờ đột xuất của cô M. được hiệu trưởng cùng ban kiểm tra đánh giá đạt loại giỏi vì mặc dù là dự giờ đột xuất nhưng GV đáp ứng được đầy đủ yêu cầu các bước lên lớp, có sử dụng đồ dùng dạy học, phân bố thời gian hợp lý, vận dụng các phương pháp giảng dạy rất linh hoạt, cung cấp đầy đủ kiến thức của bài học cho HS; GV phát âm chuẩn, tiết học rất sinh động. Bài kiểm tra của HS được tổ trưởng môn tiếng Anh chấm, kết quả 100% em đạt điểm trên trung bình. Như vậy, hiệu trưởng khẳng định về mặt chuyên môn cô M. đã đạt yêu cầu.
2. Tiếp theo, hiệu trưởng yêu cầu tất cả HS lớp 6A1 nộp lại các bài kiểm tra môn tiếng Anh tăng cường (lưu trong túi đựng kiểm tra) từ đầu năm học đến giờ và mời cô M. đến phòng trao đổi. Tại đây, hiệu trưởng trao đổi với cô M. về việc phụ huynh lớp 6A1 phản ánh. Cô M. xác nhận là mỗi tuần cô đều cho HS lớp 6A1 làm một bài kiểm tra vừa để ôn tập lại kiến thức đã học vừa mở rộng nâng cao thêm kiến thức cho các em. Thế nên trong mỗi bài kiểm tra luôn có một vài HS bị điểm dưới trung bình. Hơn nữa, lớp 6A1 là lớp chọn của trường, bản thân cô cũng là một GV đang giảng dạy ở khối 9 nên cô muốn định hướng cho HS một số kỹ năng học tập để thuận tiện cho các em sau này ôn thi tuyển sinh vào lớp 10. Và việc cô kiểm tra thường xuyên như vậy là muốn nắm bắt việc tiếp thu bài của HS.
Sau khi lắng nghe cô M. trình bày và kết hợp xem xét các bài kiểm tra của HS, hiệu trưởng mời một số phụ huynh trong lớp 6A1, có phụ huynh của HS giỏi, có phụ huynh của HS khá và trung bình. Lần lượt các phụ huynh cho biết cô M. trên lớp giảng bài cho HS rất nhiệt tình nhưng cô giảng hơi nhanh, yêu cầu của cô đối với HS có cao hơn các lớp khác và nhất là phụ huynh sợ điểm của HS thấp như vậy sẽ ảnh hưởng đến kết quả tổng kết của năm học.
3. Khi đã tìm hiểu nắm bắt tất cả các thông tin, hiệu trưởng tiếp tục trao đổi lần nữa với cô M. Thứ nhất, ghi nhận việc cô đã tận tình giảng dạy nhưng cô quá nóng vội khi đặt ra nhiều yêu cầu cao đối với HS và nhất là HS lớp 6, các em mới làm quen với phương pháp học tập của môi trường THCS, khả năng viết và tiếp thu của các em còn rất chậm. Thứ hai, mới đầu năm học mà cô cho HS làm nhiều bài kiểm tra, các em bị điểm thấp sẽ cảm thấy áp lực sinh ra chán nản khi học bài. Thứ ba, phụ huynh vốn đã quen với việc HS đạt điểm cao ở tiểu học nên thấy con mình bị điểm thấp liên tục ngay đầu năm học sẽ cảm thấy bức xúc và lo sợ ảnh hưởng đến kết quả học tập của con. Thứ tư, đối với những HS bị điểm kém, cô cần động viên, khuyến khích các em tích cực học tập hơn nữa và giải thích rõ cho HS hiểu rằng những điểm kém đó các em còn có nhiều cơ hội để kiểm tra lại.
Sau đó, hiệu trưởng đứng ra tổ chức cuộc họp phụ huynh lớp 6A1 đột xuất, trong đó có sự tham gia của GV chủ nhiệm và cô M. Trước phụ huynh, hiệu trưởng thay mặt cho ban giám hiệu nhà trường tiếp thu ý kiến đóng góp của họ, ghi nhận sự thiếu sót và nóng vội của cô M. đã khiến cho phụ huynh có sự hiểu lầm đáng tiếc và khẳng định: GV không ép buộc HS học thêm, chuyên môn của GV rất vững vàng, kết quả kiểm tra đánh giá đột xuất đã đạt loại tốt và trong tiết học, HS rất tích cực phát biểu. Vì thế, nhà trường không thể đổi GV dạy tiếng Anh của lớp 6A1, điều đó sẽ ảnh hưởng đến quá trình phân công chuyên môn của trường và ảnh hưởng đến tâm lý HS. Hiệu trưởng cũng kính nhờ phụ huynh khi có những vướng mắc gì thì nên trao đổi trực tiếp với GV chủ nhiệm, GV bộ môn để phối hợp kịp thời và nắm bắt sự việc được đúng đắn.
4. Cuối cùng, hiệu trưởng mời cô M. trao đổi trực tiếp với phụ huynh về tình hình học tập môn tiếng Anh của lớp và phương pháp giảng dạy của cô cho phụ huynh hiểu rõ. Đồng thời bản thân cô cũng hứa sẽ khắc phục những tồn tại trong thời gian qua để phụ huynh yên tâm. Kết quả, sau buổi họp phụ huynh đó, mối quan hệ giữa phụ huynh lớp 6A1 và GV dạy tiếng Anh tăng cường được cải thiện rõ rệt. Nhờ sự hỗ trợ của phụ huynh kết hợp với sự nhiệt tình của cô giáo mà kết quả học tập của HS đạt kết quả rất cao.
Cách giải quyết tình huống trên của hiệu trưởng cho thấy vừa đảm bảo được tính nguyên tắc trong quản lý nhà trường, vừa thể hiện được tính nhân văn trong hoạt động giáo dục.
Lưu Diệu Hằng – Đức Nhuận
Bình luận (0)