25 năm, sáng tạo ra hàng trăm bức tranh hoa lá ép, cô không chỉ tạo ra sự trường tồn cho bao đời hoa kiếp lá mà mỗi bức tranh là vẹn nguyên một kỷ niệm về quê hương, về ấu thơ, về nơi chôn nhau cắt rốn, nơi ngôi trường bao năm gắn bó với nghề giáo hay những khoảnh khắc đẹp trong một tác phẩm văn học nào đấy… Đó là dòng tranh của cô giáo Võ Thị Quỳnh, giáo viên hệ chuyên THPT, Trường ĐH Khoa học Huế.
Cô Quỳnh bên bức tranh “Vũ điệu Valse đêm giao thừa” do cô giáo Lê Nam Linh mua để đấu giá từ thiện |
Kỷ niệm ép vào tranh
Sau một trận ốm thập tử nhất sinh, cô giáo Quỳnh, lúc ấy đang là giáo viên dạy văn, trường THPT Chuyên Quốc Học Huế chợt nghĩ: “Nếu trận ốm ấy mình không thể vượt qua, thì chưa để lại được chút gì cho riêng mình…”. Thế là cô bất chợt bật dậy, tìm lại những hoa lá khô đã được ép sẵn bao năm qua, bắt đầu “vẽ” tranh theo hình dung tưởng tượng. Cái ngày đánh dấu bước ngoặt ấy cách nay 25 năm!
Cô Quỳnh sinh ra và lớn lên ở một miền quê nghèo thuộc huyện Hải Lăng (Quảng Trị). Tốt nghiệp đại học, cô dạy học ở Trường THPT Tân Lâm (huyện Cam Lộ, Quảng Trị), tiếp đó cô chuyển công tác vào Trường THPT Hai Bà Trưng rồi chuyển sang dạy Trường THPT Chuyên Quốc Học Huế. Cuộc đời một nhà giáo dạy văn gắn liền những trang giáo án, những tác phẩm văn học dạt dào hương vị cuộc sống, tình yêu… trong sâu thẳm ký ức của một người con lớn lên trên những triền cát trắng, dư vị ấu thơ những ngày theo chân cha đi tìm cây thuốc chữa bệnh cứu người rồi nhặt nhạnh để dành những hoa lá đầy sắc màu mang về ép vào trang vở vẫn còn đâu đó như niềm thao thức. Cô kể: “Hồi theo cha, cứ tìm được hoa lá nào đẹp tôi đều đem về ép và cất giữ cẩn thận. Hồi còn đi học, tôi đã làm những tấm thiệp tặng bạn bè vào dịp sinh nhật, chia tay cuối khóa bằng hoa lá. Với tôi mỗi cánh hoa, cành lá đều có một vẻ đẹp riêng, cần phải có tình yêu mới nhìn ra được. Có lẽ đó là điểm khởi đầu để sau này tôi bắt tay vào làm tranh hoa lá ép!”.
Để làm nên những bức tranh của dòng tranh ấy, cô không chỉ gom nhặt muôn hoa lá khắp nơi về ép và bảo quản, mỗi khi ý tưởng bật ra, bất kể không gian, thời gian, cô bắt đầu cầm bút phác họa lên giấy, sau đó tỉ mẩn chọn lựa những hoa lá phù hợp để ép vào. Tùy từng bức tranh với cảm hứng sáng tác mà thời gian hoàn thành có thể ngắn hay dài, có bức chỉ đôi ba ngày nhưng có bức phải mất hàng tháng trời. Nghệ thuật ép tranh là vậy, nội dung tranh của cô không xa vời, khó hiểu mà thật gần gũi với những chủ đề như những con đường thơ ấu cùng lũ bạn lang thang dưới những hàng cây rợp bóng mát; hay dòng sông đá chảy mồ hôi ghi dấu kí ức về dòng Thạch Hãn trong xanh rượi mát chảy ngang qua trước nhà… Mỗi bức tranh là một câu chuyện thường nhật của cuộc sống, thao thức cả một miền kí ức, đồng cảm với người thưởng ngoạn.
Cô giáo Võ Thị Quỳnh bên những bức tranh lá ép |
Lướt nhẹ đôi tay trên bức tranh “Bóng của ước mơ” in hình một người ngồi trước cây đàn măng-đô-lin, cô bộc bạch: “Ngày xưa cha tôi thường nói về ước mơ các con mình trở thành nghệ sĩ chơi đàn. Năm tháng trôi qua, không ai trong số chúng tôi theo đuổi giấc mơ của cha nhưng tôi vẫn luôn nhớ về điều đó. Bức tranh gợi nhớ về kỷ niệm cũng là niềm nhớ của tôi gửi về cha dù ông đã đi thật xa”. Những kỷ niệm cứ thế bất chợt hiện về bất kể không – thời gian, và cô không để vuột mất khoảnh khắc nào.
Ấp ủ một phòng tranh cho giáo dục
Cùng với việc “truyền lửa” cho học trò, cô vẫn miệt mài với dòng tranh do mình khai sáng đầu tiên ở Huế. “Những bức tranh không chỉ gợi nhắc kỷ niệm mà thông qua đời sống hoa lá tôi muốn gửi đến mọi người thông điệp về khát vọng bình yên và niềm tin yêu dành cho cuộc sống”, cô Quỳnh nói. |
Chuyện đến với nghệ thuật tranh lá ép của cô giáo Quỳnh như một lẽ tự nhiên nhưng để làm được điều đó cần cả niềm đam mê giữ lửa. Ngày mới sáng tác tranh, cuộc sống còn khó khăn. Nghề giáo như cô chắt chiu mãi mới mua được chiếc xe đạp mini để đến trường. Chuyện mua khung tranh để lưu giữ tác phẩm của mình lúc ấy chỉ dám gửi vào ước mơ. Hiểu niềm mong ước của vợ, nhà văn Nguyễn Quang Hà – chồng cô dành dụm tiền từ một giải thưởng mua tặng vợ 20 chiếc khung tranh. Năm 1993, cô bắt đầu có triển lãm đầu tiên ở Đà Nẵng. Rồi tiếp đó là các triển lãm ở Huế, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và mới đây nhất, cô mở triển lãm tại quê hương mình sinh ra ở Quảng Trị với 25 bức tranh. Trao một bức tranh đẹp cho người một ai đó với cô là hạnh phúc nhân đôi bởi người chọn tranh của cô đã tìm thấy ở đó sự đồng điệu. Hôm tôi đến, cô cũng vừa trao bức tranh “Điệu Valse đêm giao thừa” cho cô giáo Lê Nam Linh -GV trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (Quảng Trị). “Tôi rất vui khi biết con gái cô Linh – chủ nhân bức tranh này có nhã ý cùng mẹ đấu giá bức tranh này để dành tiền tổ chức những bữa cơm miễn phí cho học trò nghèo”, cô Quỳnh xúc động.
Cô bảo, giữa nghệ thuật tranh và nghề giáo có một mối liên kết đặc biệt: “Nghề giáo đã truyền cảm hứng cho mình làm tranh. Đổi lại, những bức tranh là minh chứng trực quan để mình thổi hồn vào những tác phẩm văn học giúp HS dễ hình dung, cảm nhận sâu sắc hơn”. Trong hơn 200 bức tranh được cô sáng tác, nhiều bức đậm chất văn học, như: Cung đàn không dành cho Từ Hải; Dòng sông Trăng Vỹ Dạ… Trong vòng xoáy cuộc sống có lúc này lúc khác, cô đành nhường các tác phẩm ấy lại cho những người yêu thích nhưng trong cô vẫn luôn ấp ủ một ước mơ sẽ làm riêng cho mình một phòng tranh với chủ đề từ các tác phẩm văn học. Cô bật mí: “Tôi đã phác thảo chân dung các nhà văn mình yêu quý và đang ấp ủ sẽ hoàn thành ước muốn về phòng tranh như vậy”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)