Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Cô giáo giúp học sinh cá biệt bằng cách viết thư

Tạp Chí Giáo Dục

Bằng những lá thư tâm sự như "Cô biết em là đại ca của lớp. Nếu em lãnh đạo phong trào của lớp tốt lên thì sẽ tốt biết bao", cô gái dạy văn đã "biến" những học sinh cá biệt của lớp trở nên hòa đồng, thân thiện.
 
Trong hội nghị tổng kết dự án "Bảo vệ trẻ em, tăng cường phương pháp kỷ luật tích cực" cuối tuần qua, nhiều cơ sở giáo dục đã chia sẻ phương pháp giáo dục tích cực tại địa phương. Hiệu trưởng trường THCS Vĩnh Tú (Vĩnh Linh, Quảng Trị) kể về kỳ tích của một giáo viên dạy văn tên Nhung, đã cảm hóa 5 học sinh cá biệt trở nên ngoan ngoãn.
 
Ngày nhận lớp mới với 30 học sinh, cô Nhung đã phát hoảng khi có 5 em luôn là trung tâm quậy phá và cản trở thành tích chung của tập thể. Các em thường nói chuyện riêng, gây rối, không nghe giảng và không làm bài tập về nhà. Trong số này có một em là "đại ca" ngầm, thường chỉ đạo các bạn quậy phá.
 
Các thầy cô trước đó đã thử nghiệm các biện pháp răn đe như vỗ bàn, đập ghế, bắt chép bài nhiều lần, cho cọ rửa nhà vệ sinh… nhưng không đem lại hiệu quả. Sau khi làm quen với lớp, cô Nhung nhận thấy những biện pháp cứng rắn dường như phản tác dụng nên khi các em quậy, cô chỉ cười trừ, lấy lại bình tĩnh để tìm hướng giải quyết.
 
Sau nhiều ngày suy nghĩ, cô chọn cách viết thư. Hàng ngày, cô đều đặn viết thư cho từng em tâm sự: "Hôm nay cô thấy em bỏ áo vào quần, trông rất gọn gàng. Em rất đẹp trai", hay "Cô biết em là đại ca của lớp. Nếu em lãnh đạo phong trào của lớp tốt lên thì sẽ tốt biết bao", "Cô biết em rất yêu mẹ. Dù nay mẹ em không còn nhưng chắc bà sẽ rất vui khi thấy em cố gắng thế này".
 
Để trẻ chuyển biến tích cực cần sử dụng phương pháp giáo dục hiệu quả. Ảnh: Hoàng Thùy.
 
Với những bức thư nhỏ, chân thành ấy, cô Nhung đã động viên, khích lệ và cũng "khích tướng" các em. Dần dần, những học sinh cá biệt đã có chuyển biến tích cực, gần gũi, thân thiện hơn với cô và các bạn.
 
Dự án tăng cường phương pháp kỷ luật tích cực cho giáo viên cũng mang lại nhiều thay đổi tại trường Tiểu học Văn Bán (Cẩm Khê, Phú Thọ). Cô giáo Nguyễn Thị Thương là điển hình về những thay đổi tích cực này.
 
Khi mới nhận công tác, cô Thương gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ trong việc giáo dục trẻ, đặc biệt là học sinh cá biệt và những em mắc lỗi. Cô tâm sự, thường xuyên bực mình và nhiều lúc không thể kiềm chế được đã mắng học sinh khi các em đi học muộn, không thuộc bài, đánh nhau… "Sau những lần như vậy tôi thấy các em không thay đổi gì", cô tâm sự.
 
Được tham gia khóa tập huấn đầu tiên dự án kỷ luật tích cực, cô Thương đã nhẹ nhàng hơn với học sinh. Thay vì mắng mỏ và dùng hình phạt, cô động viên, khuyến khích, lắng nghe học sinh nhiều hơn. Không khí lớp học từ nặng nề trở nên thoải mái, học sinh cũng nghe lời và biết tự giác nhận lỗi.
 
Ở xã Văn Bán người ta còn nhắc đến câu chuyện em bé 13 tuổi bị bố hành hạ dã man đã được giải thoát nhờ tuyên truyền viên. Bố đi tù vì tàng trữ ma túy, mẹ bỏ đi lấy chồng, cậu bé phải ở với bà nội. Song bà lại bộn rộn việc đồng áng nên không có thời gian dạy dỗ, cậu bé trở nên hư hỏng, hay cãi bà và ăn trộm đồ của những người xung quanh.
 
Sau khi mãn hạn tù, nghe hàng xóm kể về con trai, bố cậu bé thường xuyên đánh đập, hành hạ em thô bạo. Có lần ông bắt em ăn phân trâu, đau bụng mấy ngày. Lần khác ông bắt em nuốt một con chim sống, hoặc buộc sắt vào chân và cổ cả ngày không tháo…
 
Cộng tác viên bảo vệ trẻ em tên Hương đã nghĩ cách tiếp cận với ông bố, giải thích, khuyên nhủ. Phải đến lần thứ năm người cha mới cam kết không đánh đập con nữa. Ông cũng bắt đầu chú tâm làm ăn, cậu bé nghịch ngợm từ bỏ những thói xấu và được nhắc đến rất nhiều trong làng vì thay đổi tích cực.
 
Dự án "Bảo vệ trẻ em và tăng cường phương pháp kỷ luật tích cực" do Bộ GD&ĐT phối hợp với tổ chức Plan tại Việt Nam thực hiện nhằm xây dựng và củng cố môi trường giáo dục thân thiện, không bạo lực, thiết lập và củng cố quan hệ thầy cô với học trò, phụ huynh với con em gần gũi, tích cực hơn. Dự án được thực hiện trơng ba năm 2009- 2011, tại cấp trung ương và bảy tỉnh thành là Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi và Hà Nội.

Dự án tăng cường kiến thức về quyền và nghĩa vụ của trẻ em, kỹ năng giáo dục kỷ luật tích cực cũng như hiểu biết về tâm sinh lý lứa tuổi đối với sinh viên đại học, giáo viên, cán bộ giáo dục trong địa bàn dự án.
Theo Hoàng Thùy
(VNExpress)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)