Đó chính là cô giáo Đinh Thị Kim Phấn (nguyên là giáo viên của Trường Tiểu học Đuốc Sống, quận 1, TP.HCM), người có hơn 15 năm gắn bó với bệnh nhi ung thư. Không những dạy về con chữ mà lớp học của cô còn chứa tất cả tình thương và sự thấu cảm của những mảnh đời bất hạnh.
Duyên nợ với trẻ kém may mắn
Cô Kim Phấn kể: “Năm 2007, tôi tình cờ đọc một bài báo nói về đóa hướng dương Lê Thanh Thúy, một cô bé bị ung thư xương và nghị lực phi thường. Tôi theo dõi cuộc sống của em, sau khi em mất, chương trình Ước mơ của Thúy ra đời. Chương trình hỗ trợ về mặt vật chất lẫn tinh thần dành cho các bệnh nhi ung thư, thế là tôi hăng hái tham gia. Lúc đó tôi đang làm giáo viên của Trường Tiểu học Đuốc Sống, quận 1, TP.HCM. Đến năm 2009, bất ngờ tôi được mời phụ trách lớp học chữ ở Bệnh viện Ung bướu, không ngại ngần mà tôi đồng ý ngay. Sau khi đồng ý, tôi nghĩ mình dạy bán trú sáng chiều trong trường thì không có thời gian cho các bé, một thời gian thì Ban Giám hiệu nhà trường biết được đây là một việc làm ý nghĩa nên xếp cho tôi trống vào buổi chiều thứ sáu hàng tuần, tôi đã dạy cho các em thứ sáu, thứ bảy và cả chủ nhật. Tôi nhớ rất rõ, ngày 4-9-2009, bắt đầu khai giảng lớp học chữ dành cho bệnh nhi ở Bệnh viện Ung bướu”.
Ban đầu lớp học chữ có 45 em học sinh lớp 1, chỉ với mục tiêu cho các em biết đọc, viết tên của mình, vì cuộc sống của các em quá ngắn. Nhưng có một số em đến lớp 2, lớp 3 thậm chí lớp 6, 7, 8, 9 mới phát hiện mình bị ung thư cũng muốn tham gia lớp học chữ tại bệnh viện. Cô Kim Phấn đã vận động giáo viên, sinh viên có tấm lòng nhân hậu để đảm nhiệm việc dạy học. Khi ấy cô Kim Phấn là người đứng ra kết nối, tổ chức, sắp xếp thời gian cho lớp học đặc biệt này. Sau khi hưu trí, cô giáo Kim Phấn đã dành toàn tâm, toàn ý cho các bệnh nhi ung thư nên làm được nhiều việc và chăm sóc cho các bé được nhiều hơn.
Đến nay, lớp học của cô có 8 cô giáo dạy chính đều đã ở tuổi hưu và trên dưới 40 tình nguyện viên.
Ngoài học toán, tiếng Việt, cô Phấn còn hướng dẫn các bé viết thư gửi về quê để đỡ nhớ nhà và chơi trò chơi. Mỗi dịp Tết thiếu nhi, Tết Trung thu, Giáng sinh, Tết Nguyên đán… cô và các tình nguyện viên đều tổ chức liên hoan, vui chơi cho các bé. Cô Phấn nói: “Bệnh viện đã quá nhiều nỗi đau, tiếng khóc. Chúng tôi cố gắng mang đến tiếng cười để các bé quên đi đau đớn do bệnh tật mang lại”.
Những kỷ niệm không quên
Cô Đinh Thị Kim Phấn đã dành cả thanh xuân của mình cho sự nghiệp trồng người, dành cả cuộc đời cho các bệnh nhi ung thư. Cô nói, được sinh ra trong cuộc sống này, được tồn tại với một thân hình lành lặn và có sức khỏe, còn đóng góp những điều tốt cho xã hội thì chúng ta cứ hết sức làm”. |
Hơn 15 năm duy trì và phát triển lớp học, cô Phấn gặp không ít những khó khăn. Cô học sư phạm, được đào tạo dạy những đứa trẻ bình thường khỏe mạnh, nhưng nay lại dạy những đứa trẻ bị bệnh, cho nên về giáo án dạy cũng khó. Tuy bám theo sách giáo khoa nhưng vẫn có chọn lọc và tập huấn. Trước đó, giáo viên tình nguyện phải dạy qua thử rồi rút kinh nghiệm. Giáo viên đều có kiến thức sư phạm, nhưng đối tượng trẻ em này không phải là đối tượng của mình, nên phải trải qua một thời gian rút tỉa nhiều kinh nghiệm thì mới tập huấn được. Chính vì thế, bộ đề toán lớp 3 và lớp 5 do chính tay cô Kim Phấn soạn cho các bé nhỏ, đây là một giáo án vô cùng đặc biệt. Tuy các bé là những bệnh nhi ung thư, nhưng có một số em học rất giỏi, những em giỏi văn viết rất hay và cảm động. Ở lớp học, có nhiều em đang ngồi học phải về vô bệnh viện vô máu, vô thuốc. Cô Kim Phấn kể về trường hợp của Phan Anh Trường: “Cứ thứ sáu hàng tuần là em ấy đứng ngoài cổng nhìn vào. Hỏi ra thì em ấy học lớp 6 nhưng tôi chỉ dạy tới lớp 5 nên em ấy không vô được. Tuần nào cũng đứng nhìn, thế tôi kêu vào cho bài, một số bài toán khó nhưng bé làm rất nhanh, chút xíu là xong. Hôm đó mẹ bé nói Trường sắp về, tôi tưởng bé nghỉ phép nhưng đến gần thấy bé đang thở ôxy, tôi mới hiểu ra sự việc. Bé khóc và đòi ở lại, tôi nói con muốn ăn gì thì nói mẹ mua cho ăn xong tuần sau trở lại học tiếp, bé cũng nghe lời cho mẹ xếp hành lý đi về. Bé về thì tôi tự trách tại sao không xin số điện thoại để liên lạc, không biết Trường như thế nào. Suốt một tuần sau tôi tìm được số điện thoại, điện gặp mẹ bé bảo trên đường đi về Nha Trang, Trường nói với bác tài xế chạy nhanh đi con sợ không kịp, thật là bé không kịp, Phan Anh Trường mất trên đường đi về Nha Trang. Bé là học sinh giỏi toán cấp tỉnh, ngày biết mình là học sinh giỏi toán cấp tỉnh cũng là ngày biết mình mắc bệnh ung thư phải vào TP.HCM chữa trị. Có dịp tôi đi đám tang một bé ở Bình Định, tôi ghé thắp nhang cho bé, thắp nhang xong mẹ bé dẫn tôi về nhà, lại một lần nữa bất ngờ, đó không phải là ngôi nhà mà chỉ hơn túp lều một chút vì tiền bao nhiêu đã dồn xây mộ cho bé hết”.
Cô Kim Phấn cũng không thể nào quên hai quyển vở của hai bé không may mắn, đã ra đi do căn bệnh ung thư. Cô nghẹn ngào: “Trong suốt hơn 15 năm dạy học, bao nhiêu bé đến lớp học tôi đều giữ vở lại và có tới khoảng 1.500 quyển, tức có chừng ấy bé đến học, các bé đến rồi lại đi. Có những bé mất tôi đã gửi về cho em ấy, nhưng có một số em không liên lạc được với gia đình thì tôi vẫn giữ lại. Hai quyển này của một bé 5 tuổi, quậy nhất lớp nhưng cũng dễ thương nhất, bé bị ung thư sau đó di căn lên mắt, mắt bé sưng to không thấy đường, bé vẫn hồn nhiên vô tư, tự gọi mình là siêu nhân, ai hỏi cũng bảo con là siêu nhân Mỹ. Còn quyển còn lại của bé Mỹ Duyên, vừa đẹp người lại đẹp nết, bé biết mình bị ung thư máu từ năm lớp 8 nhưng cầm cự đến năm lớp 12”.
Minh Châu
Bình luận (0)