Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Cô giáo Huệ Triệu và những câu thơ giàu ký ức

Tạp Chí Giáo Dục

Cô giáo Triệu Thị Huệ (bút danh Huệ Triệu) quê quán Hưng Yên, hiện chị là Trưởng bộ môn văn Trường chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM. Huệ Triệu đến với thơ từ giữa những năm 80 của thế kỷ trước, khi còn là sinh viên khoa văn – Đại học Sư phạm I Hà Nội.
 59 bài thơ trong tập Mùa cây thay lá (NXB Thanh Niên), chị dành viết về mẹ, về tuổi thơ, về tình yêu đôi lứa, về quê hương đất nước, con người. Dễ nhận ra, tháng tư được chị nhắc tới nhiều nhất. Tháng tư của chị vừa đậm màu ký ức tình yêu, vừa nói được hiện tại da diết, khắc khoải nhớ mong… “Ừ, thôi, anh nhé/ Tháng tư qua rồi/ Miền xưa cổ tích/ Ừ, thôi, tháng tư/ Biếc trời nõn biếc/ Xanh cành lộc xanh…” (Ừ, thôi tháng tư).
Hình ảnh trăng cũng xuất hiện nhiều lần trong thơ Huệ Triệu. Chị luận về trăng để gửi gắm tâm sự của mình: “Có một lần mình đã nói cùng nhau/ Trăng mãi tròn vẫn khuyết…” (Trăng tròn, trăng khuyết). Là nhà giáo, Huệ Triệu luôn luôn đối diện với cái bắt đầu, bắt đầu của tuổi thơ, bắt đầu bài mới, bắt đầu năm học mới… Nhà thơ Huệ Triệu chính là người chịu trách nhiệm với sự bắt đầu ấy. Chị viết cho thiếu nhi bằng tấm lòng đôn hậu, với cái nhìn âu yếm, trìu mến: “Bé mang về hoa gạo/ Bà ôm bé trong tay/ Hoàng hôn đi nhóm bếp/ Thổi nồi hoa gạo đầy…” (Bông hoa của bà).
Hình ảnh tiếng chim ướt lá thật là mới mẻ, ai giữ lại được tiếng chim, nó không có hình, thế mà nó tồn tại khi ướt lá. Chính cái hữu hình ấy của quá khứ mộng mơ đã khơi dậy giây phút chạnh lòng trước mùa thu hiện tại: “Mùa thu về có còn thấy đâu đây/ Quả bàng vàng và tiếng chim ướt lá/ Một ánh trăng xanh cũng thành rất lạ/ Bỏ ngỏ bên dòng thơ xanh…” (Mùa thu với mình). Cái huyền cảm đối với miền quê quan họ của Huệ Triệu có lẽ đã làm tất cả những ai sinh ra từ miền đất ấy, cũng da diết đồng cảm: “Hội làng mở rồi em chưa đến được đâu/ Dẫu biết rằng anh sẽ cùng câu ca đến hội/ Ánh mắt ai tìm cho mình câu hát đối/ Người ơi người, sao đến hẹn lại không lên?…” (Đến hẹn mà em chưa lên).
Thơ Huệ Triệu trong sáng mà sâu thẳm, dữ dội mà mong manh, càng về sau xuất hiện càng nhiều bài mà ở đó có nghệ thuật lệch chuyển ngôn từ, chuyển cái thực vào hư làm cho câu thơ giàu sức gợi. Chị đã thổi hồn vào truyền thống để có cái tính cách của dòng thơ Việt hôm nay.
Xuân Trường
* (Nhà văn Đoàn Minh Tuấn tặng tác giả Huệ Triệu)
*Những chữ in nghiêng là tựa đề thơ của Huệ Triệu
Tôi đọc tập thơ quá ngỡ ngàng/ Mùa cây thay lá, gợi xuân sang/ Cô giáo dạy văn hiền – đôn hậu/ Mãi mãi đời thơ, mãi mãi xanh/ Cành huệ, loài hoa ngỡ mong manh?/ Bất ngờ trăng khuyết hóa trăng lành/ Heo may say đắm người xa xứ/ Hà Nội ngàn năm vọng cố nhân!
 

Bình luận (0)