Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Cô giáo khiếm âm của học trò khiếm thính

Tạp Chí Giáo Dục

Thật khó lí giải khi một người phụ nữ cặm cụi đạp xe hàng chục cây số để được dạy văn hóa cho trẻ khiếm thính gần chục năm nay. Xin được gọi đó là tình yêu nghề nghiệp của cô giáo khiếm âm Lê Thị Thu Xương.
Gọi là nghề nhưng thật ra là đam mê, là tình yêu mới đúng. Bởi cô Thu Xương đi dạy xuất phát từ sự tình nguyện và không hề đòi hỏi được trả công. Với tình yêu nghề giáo, tình yêu học trò, cô Thu Xương lặng lẽ đi về với những lớp học đã 8 năm ròng.
 
Cô Thu Xương trong một giờ dạy cho trẻ khiếm thính. (Ảnh: Hoàng Hoa)
 Dù bao lần những lớp học cho trẻ khiếm thính hợp rồi lại tan, cô giáo khiếm âm vẫn âm thầm tìm cách giúp đỡ những người khuyết tật. Dẫu cuộc đời mình không được may mắn, nhưng cô không muốn những đứa trẻ vốn đã bất hạnh vì không thể nghe, không thể nói lại phải chịu thêm thiệt thòi vì không biết chữ.
Đứng lớp ở tuổi 48
Lê Thị Thu Xương vốn không phải là người được đào tạo để trở thành giáo viên dạy cho trẻ khiếm thính. Cô vốn là một giáo viên mầm non ở quận 4, TPHCM. Một ngày tháng 10/1987, giọng nói của cô giáo bỗng dưng bị khản dần đi bởi một căn bệnh khó hiểu. Kết thúc ca phẫu thuật là dòng chữ trong hồ sơ bệnh án: “Mất âm thanh vĩnh viễn”.
Năm đó, 34 tuổi, cô bị cho nghỉ việc. Có lẽ đó cũng là duyên số để cô trở thành “cô giáo khiếm âm của học sinh khiếm thính” như cô tự nói về mình. Cô nói mình khiếm âm, bởi vì cô nghe được nhưng không nói được.
Năm 2001, ở tuổi 48, cô Thu Xương lần đầu tiên trở thành cô giáo của những người khiếm thính. Sự tình cờ hay là số phận run rủi đã đưa cô đến với những người kém may mắn giống như cô. Khi đó, cô đến cơ sở giáo dục chuyên biệt Anh Minh (quận Bình Thạnh, TPHCM) xin học ngôn ngữ dấu tay.
Đó là một thử thách vì ngón tay cô Xương đã cứng, ra dấu rất khó. Nhất là khi nói chữ H thì ngón tay không khép lại được. Giáo viên lại không nói mà sử dụng toàn bằng động tác, cử chỉ nên nhiều khi không hiểu. Nhìn quanh thấy toàn là người khiếm thính nên cũng chẳng biết phải trao đổi làm sao.
Một lần giáo viên đứng lớp bị bệnh, cô Thu Xương xung phong lên bảng viết chữ. Chữ đẹp quá, học trò vỗ tay nhưng cô lại đứng chịu trận vì không biết giảng bằng ngôn ngữ dấu tay. Từ đó, những cô giáo ở cơ sở này bắt đầu chỉ cho cô những bài học cơ bản đầu tiên để trở thành một cô giáo. Chỉ một tháng sau, cô Thu Xương đã chính thức đứng lớp.
Những giờ học lặng lẽ
Lớp học đầu tiên đã gắn bó với cô Xương suốt 6 năm. Học trò là những người khiếm thính lớn tuổi, có khi bằng tuổi cô Xương. Họ nghèo, thất học và lao động tay chân để sống. Tuổi họ càng lớn thì việc dạy ngôn ngữ khiếm thính cho họ càng vất vả. Lúc ban đầu, cô Xương ra dấu cho học trò viết chữ. Sau đó, học trò phải giải thích lại bằng dấu tay.
 
Cô Xương làm phiên dịch ngôn ngữ khiếm thính. (Ảnh: Hoàng Hoa) 
“Với cô còn làm là còn hạnh phúc. Phải đánh vật với số phận để được sống, được làm việc. Cứ mỗi lần thất nghiệp là cô lại lại khóc. Nhưng rồi nỗi khát khao được làm việc đã xua tan đi nỗi buồn và vực dậy niềm ham sống. Người ta hay nói sống cần phải có nghị lực nhưng có vấp vào mới biết, khó lắm. Cuộc sống ngắn ngủi, gặp nhau cứ cười cái đã. Còn đôi tay là còn sống được. Nếu bắt cô ngưng dạy, ngưng làm thì cho ngưng thở luôn chứ nếu sống mà không được dạy, không được làm thì cuộc sống này mất hẳn ý nghĩa.” – cô Thu Xương tâm sự.
Cái khó nhất với cô giáo Xương là mỗi khi giải thích những từ trừu tượng. “Học trò khiếm thính chỉ có thể hiểu được 30% và cùng lắm là 50% những gì mình nói. Lúc đó mình phải sử dụng những ví dụ mà các em có thể cảm nhận được nhiều nhất”, cô giáo khiếm âm chia sẻ bí quyết dạy học của mình.
Có khi sau hai ngày học, hỏi lại từ ngữ, học trò quên mất tiêu, cô giáo buồn và trách bản thân không biết cách làm cho các em nhớ chữ. Rút kinh nghiệm, cô hay bắt học trò phải dùng dấu tay đọc lại chữ nhiều lần để các em khỏi quên. Qua thời gian, cô cũng nhận ra là những em khiếm thính khả năng tiếp thu kiến thức yếu hơn người bình thường. Từ đó, mỗi tuần cô đều nhắc lại một từ đã học.
Học trò dù thích học nhưng mau nản, dụ được các em đi học là mừng lắm rồi. Vậy mà lớp cứ thưa thớt dần. Những hôm trời mưa gió, cô đạp xe gần 10 cây số từ quận 4 qua chỉ để dạy cho 2 học sinh khiếm thính. Ăn xong Tết Đinh Hợi 2007 thì lớp học đóng cửa vì không có kinh phí cho tiền điện, nước. Không nhụt chí, cô giáo nhẫn nại thuyết phục một số trường cho mượn địa điểm mở lớp miễn phí. Hiện nay, lớp học của cô Thu Xương được đặt ở trường tiểu học Lý Nhơn (quận 4, TPHCM) với khoảng 30 học sinh khiếm thính học vào ngày chủ nhật.
Chắc ít ai biết rằng đằng sau những buổi dạy nhiệt tình của cô giáo là công việc của một người làm tạp vụ quét dọn trà nước với mức lương 1 triệu đồng/tháng. Cô đã làm công việc này mười mấy năm trời. Cô còn nhận giặt quần áo, lau nhà cho một vài gia đình trong chung cư.
Và cũng có lẽ ít ai biết rằng, đằng sau nụ cười luôn thường trực trên môi là một cô giáo mang đủ thứ bệnh trong người. Năm nay, ở độ tuổi 56, cô Thu Xương dường như già hơn trước tuổi rất nhiều. Sau bốn lần phải đụng đến dao kéo, túi mật và buồng trứng bị cắt, sức khỏe của cô yếu dần thêm. Nhưng nụ cười lạc quan vẫn nở trên môi cô cùng chữ “Kệ” quen thuộc.
Cũng xin chú thích ở đây rằng, vì không phải bị câm bẩm sinh nên cô Thu Xương có thể trò chuyện bằng một chiếc máy đặt ngoài thanh quản. Chiếc máy này do một người Mỹ cho cô vào năm 1992. 
Hoàng Hoa/Dan tri

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)