Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cô giáo… không đứng trên bục giảng

Tạp Chí Giáo Dục

Dù không trực tiếp đứng trên bục giảng song nhiều thế hệ học sinh Trường THCS Nguyễn Du đều xem chị Lâm Thanh Hà – Phó Ban đại diện CMHS trường – là “cô Hà”, để các em gii bày những vui buồn trong học tập, gia đình. Không ít học sinh đã “vượt qua khủng hoảng”, áp lực, trầm cảm, vui vẻ đến trường…


Học sinh vây quanh "cô Hà" sau giờ tan học

Muốn làm bạn với con thì phải làm bạn với bạn của con

Tan học buổi chiều, vừa nhìn thấy “cô Hà”, Tú Uyên cùng bạn bè lớp 8A3 đã “nhảy cẫng” lên, tíu tít kể cho cô nghe chuyện ở trường. “Cả lớp đang bàn nhau sẽ tạo bất ngờ cho cô chủ nhiệm vào ngày 20-11”. Nghe học sinh kể, “cô Hà” mỉm cười “Ồ thích quá, cô nghĩ cô giáo sẽ vui lắm”.

“Lứa tuổi THCS đang ở giai đoạn thích thể hiện mình, với ba mẹ có thể các con sẽ không chia sẻ nhưng lại sẵn sàng thể hiện cá tính với bạn bè. Tôi luôn cho rằng để có thể làm bạn được với con thì trước hết mình phải làm bạn được với bạn của con”.

Với suy nghĩ đó, ngay từ những ngày đầu khi con mới vào lớp 6, vào những lúc chờ đón con tan học, chị Lâm Thanh Hà thường quan sát, chủ động bắt chuyện với học sinh trong trường. Ban đầu chỉ là ngồi cạnh hỏi han hôm nay ở trường có gì vui, rồi “kiếm chuyện” làm thân từ những hoạt động diễn ra ở trường như ngày hội thể thao, chương trình văn nghệ…


Môi trường học tập nhiều gắn kết tại Trường THCS Nguyễn Du

“Thời điểm đầu, các em khá dè dặt bởi dù gì tôi cũng là “người lạ”. Nhưng mỗi ngày trong những buổi chiều đón con, tôi vẫn kiên trì bắt chuyện, làm quen. Lâu dần, các em lại là người chủ động chào, chủ động kể những câu chuyện ở lớp, ở trường cho tôi nghe và tôi trở thành người kết nối với các em lúc nào không hay. Đến bây giờ, nhìn thấy tôi là các em gọi “cô Hà” và kể chuyện, nhờ “cô Hà” gỡ rối”- chị Hà vui vẻ.

Cùng học sinh “gỡ khó”

Đó là câu chuyện của một học sinh nam lần đầu được ba mẹ cho ngủ riêng, đến lớp với khuôn mặt mệt mỏi do “cả đêm không ngủ được” và thường xuyên ngủ gật trên lớp. Khi nghe chia sẻ, “cô Hà” đã kết nối với giáo viên chủ nhiệm để kết nối với phụ huynh.

“Phụ huynh khá bất ngờ vì con không than phiền một câu nào. Nhưng rõ ràng, không phải con không than phiền là con không gặp vấn đề. Ở đây là con không muốn làm ba mẹ thất vọng, muốn chứng tỏ với ba mẹ rằng bản thân đã lớn. Sau khi phụ huynh tiếp nhận vấn đề thì đã có buổi nói chuyện với con, con đã ổn định trở lại” – chị Hà kể.

Là trường hợp một học sinh nam ba mẹ ly dị, ở với bà ngoại. Vì mặc cảm gia đình nên em luôn tự ti, khép mình với bạn bè. Có lần khi thấy vẻ mặt em ủ rũ, “cô Hà” hỏi con đã ăn cơm chưa. Khi con cho biết không muốn ăn, “cô Hà” đã đưa con đi ăn, vừa ăn vừa nói chuyện, thậm chí con đã khóc. “Sau lần đó, con hòa đồng hơn với bạn bè, chia sẻ nhiều hơn với tôi về trường, lớp và cả chuyện tình cảm của con…”.

Đó còn là câu chuyện một nam sinh chuyên trêu ghẹo, bắt nạt bạn bè trong lớp mà… không thầy cô nào trị được. Nhiều em bị bắt nạt vừa khóc vừa kể rằng bị bạn giật tóc, vứt tập vở… “Hôm đó, khi tan học, tôi gặp em và nói: Cô Hà rất tin tưởng con nên cô Hà giao cho con nhiệm vụ bảo vệ lớp, nếu có bạn nào bắt nạt các bạn trong lớp, con nhớ phải báo lại cô Hà. Được cô Hà giao trọng trách lớn, từ bữa đó con đã không dám quậy lớp nữa…” – “cô Hà” hào hứng.


Các hoạt động trải nghiệm của học sinh có sự đồng hành của phụ huynh

Đặc biệt, có trường hợp học sinh nhiều năm liền là học sinh giỏi nhưng… bỗng dưng sa sút trong học tập, khi trò chuyện mới biết em nghiện game nặng nên phân tâm khi học tập. “Riêng trường hợp này tôi đã phải cùng trao đổi với giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh để cùng hỗ trợ con”.

Với vai trò là Phó Ban đại diện Cha mẹ học sinh của trường, “cô Hà” còn được nhiều học sinh mạnh dạn xin hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động của lớp, của trường, hay có khi chỉ xin cô tư vấn ý tưởng tổ chức sinh nhật bất ngờ cho thầy. “Bây giờ các lớp đang tập văn nghệ chào mừng kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, buổi chiều gặp tôi khi tan học, nhiều em chạy lại nói, cô Hà ơi lớp con cần hỗ trợ thêm kinh phí để luyện tập… Tôi sẽ cùng bàn với Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường để có giải pháp hỗ trợ tất cả các lớp, động viên tinh thần các con vui chơi, rèn luyện”.

Thấy “cô Hà” được học sinh tin tưởng chia sẻ, nhiều phụ huynh đã chủ động tìm đến nhờ cô trò chuyện, kết nối để hiểu hơn về con em mình. “Có phụ huynh nói con ở nhà rất ngoan, hiền nhưng lại luôn được giáo viên trao đổi rằng con “có vấn đề” ở trường khi thường xuyên quậy phá, nghịch ngợm. Tôi đã xin nhà trường dắt phụ huynh vào quan sát con trong giờ ra chơi thì phụ huynh “té ngửa” khi con mình nà như 2 con người khác. Song song đó, tôi cùng trò chuyện với trẻ để con thủ thỉ những câu chuyện ở lớp, ở trường, qua đó giúp phụ huynh thêm hiểu và gắn kết với con”- chị Lâm Thanh Hà kể lại.

Người lớn phải “biến hóa” để thấu hiểu tâm lý học sinh

Sau thời gian dài trò chuyện, “cô Hà” được học sinh tin tưởng, add vào nhóm kín của học sinh trong trường.

“Trong nhóm đó, tôi hiểu hơn về tình cảm, tâm tư, nguyện vọng, tâm tính của học sinh bậc THCS. Các em có những suy nghĩ, lời nói mà nếu như đặt vào vị trí là ba, mẹ hay thầy cô thì không thể nghĩ rằng đó là suy nghĩ của học sinh THCS. Khi trò chuyện với các em, tôi không đứng ở tâm thế một người mẹ mà tự biến hoá mình trở thành bạn của các em, nói bằng giọng văn của các em, suy nghĩ cùng các em. Thậm chí, thay vì xưng cô – con, khi trò chuyện với các em tôi xưng ông, bà. Khi các em thấy mình gần gũi, các em sẽ tự kể cho mình chính những vấn đề mà các em gặp phải…”- chị Lâm Thanh Hà chia sẻ.

Cô Nguyễn Đoan Trang – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) cho hay, suốt nhiều năm nay, chị Lâm Thanh Hà đã trở thành “cầu nối” gắn kết học sinh với giáo viên, phụ huynh nhà trường. Đặc biệt, cô đã kịp thời tư vấn, gỡ rối cho rất nhiều tâm tư tình cảm của học sinh, qua đó giúp nhà trường hiểu hơn về hoàn cảnh, tâm sinh lý các em để có hướng cùng đồng hành, hỗ trợ.

“Chị Lâm Thanh Hà là một phụ huynh đặc biệt của trường khi đóng vai như một giáo viên, một chuyên gia tư vấn tâm lý. Trong rất nhiều trường hợp, “cô Hà” là người học sinh tin tưởng kể câu chuyện của các em chứ không phải thầy cô, ba mẹ…”- cô Trang bày tỏ.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)