Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cô giáo… làm từ thiện

Tạp Chí Giáo Dục

Cô Liễu (thứ 3 từ trái sang) trong buổi lễ nhận phần thưởng

Nhiều người nghĩ rằng những ai có tiền mới có điều kiện làm công tác từ thiện nhưng đối với cô thì lại khác, điều trước tiên phải có tấm lòng. Có lẽ vì thế mà 3 năm nay ngoài việc giảng dạy cô còn tham gia các chương trình thăm trẻ mồ côi, tàn tật và giúp đỡ những em HS có mảnh đời bất hạnh ngay trong trường.
Giỏi chuyên môn
Đó là cô giáo Trần Thị Liễu – Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM. Lần đầu tiên tôi gặp cô vào những ngày cuối tháng 5 khi Trường THPT Phú Nhuận vừa tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng 3. Tôi đến trường nhờ cô cho ý kiến hướng dẫn về cách học và ôn tập môn tiếng Anh để giúp các em HS khối 12 bước vào kỳ thi tốt nghiệp được tốt hơn. Tuy nhiên, phải sau hai lần hẹn tôi mới tiếp xúc được người mình cần tìm. Sau gần 30 phút trao đổi xong công việc chính, cô kể cho tôi nghe những tháng ngày mới chập chững bước vào nghề.
… Năm 1975, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng Liễu còn là một nữ sinh của trường THPT. Là học sinh giỏi và yêu thích môn tiếng Anh nên 2 năm sau Liễu thi vào Trường Đại học Sư phạm TP.HCM Khoa Ngoại ngữ dù trong nhà không có ai đi theo ngành giáo. Nhờ tích cực tham gia vào các hoạt động trong trường mà cô là một trong số ít sinh viên sớm được kết nạp vào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Năm 1981, sau khi tốt nghiệp nhiều bạn bè phải đi xa để nhận công tác thì cô được ưu tiên ở lại TP.HCM nhờ tấm thẻ đoàn viên. Cô Liễu nhớ lại: “Nói là ở lại TP.HCM nhưng tôi phải về dạy tại Trường THPT Củ Chi. Tuy cách xa 20 cây số nhưng đi về đều có xe của UBND huyện đưa rước nên cũng rất thuận tiện. Hôm nào không có xe hoặc ra trễ thì đón xe đò, tôi nhớ hồi đó chỉ 2 đồng một vé”. Theo cô tuy vùng đất Củ Chi còn khó khăn, trường học lợp mái tôn nhưng chính quyền địa phương đã rất quan tâm tới công tác giáo dục và luôn tạo mọi điều kiện để ưu tiên cho các thầy cô an tâm công tác. Ngoài giảng dạy giáo viên còn đi lao động cùng học sinh để tăng gia sản xuất. Chính nhờ những lần đó mà thầy trò càng gắn bó nhau hơn, tất cả đã trở thành kỷ niệm sâu sắc không bao giờ quên được. Hết 3 năm hoàn thành nghĩa vụ nhưng cô vẫn tình nguyện ở lại dạy thêm 1 năm nữa do chưa có người để thế chân.
Năm 1985, cô được chuyển về dạy tại Trường THPT Phú Nhuận. Thời gian này môn tiếng Anh chưa thi tốt nghiệp nhưng cô vẫn chăm lo từng trang giáo án để các em hiểu sâu hơn bài giảng của mình. Tài liệu không có gì ngoài cuốn sách giáo khoa nên cô sưu tầm thêm tranh ảnh, hiện vật để tư liệu thêm phong phú. Những tiết học ngoại ngữ không còn đơn điệu khô khan mà rất sinh động và có lực hút đến từng em học sinh. Đây cũng là thời kỳ Trường THPT Phú Nhuận tập trung vào việc nâng cao chất lượng và đổi mới phương pháp dạy học nên cô lại càng có cơ hội hơn trong việc bồi dưỡng chuyên môn cá nhân. Trong danh sách giáo viên đăng ký thao giảng các đợt thi đua luôn có tên của cô. Từ một giáo viên dạy giỏi của trường được Ban giám hiệu tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ Bộ môn và đến năm 2001 cô đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp TP. Như một đoàn tàu có thêm lực kéo, từ khi cô nhận cương vị Tổ trưởng, Tổ Ngoại ngữ đã trở thành một khối đoàn kết nhất trí nhiều năm liền đạt Tổ lao động tiên tiến. Bây giờ cô rất tự hào vì trong tổ đã có 50% thầy cô đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, năm nào cũng có học sinh giỏi tiếng Anh, thi Olympic. Những con số biết nói đó đã khẳng định công sức đóng góp và sự toàn tâm toàn ý của các thành viên trong tổ.
Giàu nhân ái
Gần 3 năm nay nhiều người thấy cô bận rộn hơn trước, sau này hỏi ra họ mới biết cô đi làm từ thiện. Bắt đầu là những cuốn tập, cây bút tặng các em trong lớp chủ nhiệm rồi đến các phần quà gửi cho nhà trường ủng hộ học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Có học sinh được cô giúp trong một học kỳ, có em cô giúp cả năm học. Một vài em khác chăm ngoan có hoàn cảnh đặc biệt hơn cô giúp đỡ trong suốt 3 năm học và cho cả đến khi ra trường. Không chỉ dành tiền cho các em đi học cô còn mua sắm xe đạp để các em có phương tiện đến trường. Vì thế những học sinh đó đã không còn nguy cơ bỏ học và nỗ lực tìm mọi cách vượt qua hoàn cảnh để nuôi tiếp ước mơ của mình. Có một HS lớp cô chủ nhiệm hoàn cảnh gia đình khó khăn cô đã tự nguyện làm người đỡ đầu trong suốt 10 năm liền, theo dõi từng bước đi cho đến khi “đứa con cưng” có việc làm cưới vợ rồi sinh con đẻ cái. Sau này có thời gian hơn, cô không ngồi một chỗ làm từ thiện mà trực tiếp đi xuống các mái ấm, nhà mở, trung tâm trẻ bại liệt vào các ngày lễ, tết. Ngoài những chuyến đi cùng nhà trường, đoàn thể cô Liễu còn rủ thêm mấy người chị ruột trong nhà hùn tiền lại đi làm từ thiện. Nhờ vậy có thêm nhiều trẻ em nghèo được người lớn quan tâm hơn, vòng tay nhân ái lại được nối rộng thêm. Khi nghe tin một thầy giáo công tác ở Phòng GD-ĐT quận gặp khó khăn, với tinh thần “tương thân tương ái” cô Liễu đã bỏ tiền ra cất một ngôi nhà tình thương để tặng đồng nghiệp của mình.
Qua tìm hiểu một số giáo viên trong trường, tôi biết cô giáo Liễu không phải là người có quá nhiều tiền mà những đồng tiền cô gom nhặt đi làm từ thiện chỉ là đồng lương cô dành dụm được khi dạy thêm tại các trung tâm ngoại ngữ. Tất cả đều có được từ chính mồ hôi và công sức lao động của một cô giáo gần cả cuộc đời mình gắn với nghề. Tôi càng bất ngờ hơn khi biết cô đã 22 lần tham gia hiến máu nhân đạo. Cô Nguyễn Thị Là – Bí thư Chi bộ của trường cho biết: “Trong cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cô giáo Trần Thị Liễu là một tấm gương tiêu biểu của phong trào được UBND TP.HCM trao tặng huy hiệu và bằng khen”. Noi theo tinh thần tiết kiệm và tấm lòng nhân ái của Bác Hồ, cô giáo Trần Thị Liễu đã làm được nhiều việc có ích cho đời. Viết bài về cô, tôi thầm mong ước rồi mai đây có thật nhiều bông hoa tươi đẹp như cô nở giữa cuộc đời này.
Bài, ảnh: Hương Thủy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)