Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cô giáo mầm non thuận tay trái

Tạp Chí Giáo Dục

Cô giáo Trần Đức Bảo Lan và các cháu Trường Mầm non Bé Ngoan

Từ bé đã đeo đuổi giấc mơ trở thành cô giáo dạy lớp 1. Lớn lên, quyết tâm thi vào Khoa Tiểu học Trường CĐ Sư phạm. Cứ tưởng giấc mơ sắp thành hiện thực, nào ngờ vì thuận tay trái mà phải từ bỏ. Nhưng đó lại là cơ hội để chị đến với nghề cô nuôi dạy trẻ…
“Cô Bảo Lan!”, nghe tiếng gọi, chị quay lại và nhìn thấy một thanh niên cao lớn đi cùng một phụ nữ hơn 40 tuổi đang tiến về phía mình. Cậu thanh niên nhìn chị và hỏi: “Cô có nhận ra em không?”. Chị nhìn chăm chú cậu thanh niên và cố lục lại trong trí nhớ xem đã gặp người này ở đâu. “Chú Lùn nè cô”, cậu thanh niên tự giới thiệu…
Chú Lùn ấy chính là Minh, học trò lớp mầm của chị cách đây 18 năm. “Ngày ấy, Minh lùn tịt nên các cô gọi là “chú Lùn”. Vậy mà bây giờ đã cao hơn 1,8 mét và là sinh viên đại học năm thứ 3. Nhanh thật…”, chị Trần Đức Bảo Lan (SN 1971) – giáo viên Trường Mầm non Bé Ngoan (Q.1) bắt đầu câu chuyện.
Định mệnh
Gia đình không ai theo nghề giáo nhưng không hiểu sao từ bé Bảo Lan đã rất thích trở thành cô giáo dạy lớp 1.
Năm 1990, chị làm hồ sơ thi vào Trường CĐ Sư phạm TP.HCM Khoa Tiểu học. Nhìn thấy chị viết hồ sơ bằng tay trái, một cán bộ của trường nói: “Cô giáo thì không được viết tay trái”. “Em rất thích nghề sư phạm”, chị trả lời. “Vậy em hãy thi vào sư phạm mầm non, ở đấy không cần đến bảng đen và phấn trắng nên viết tay trái cũng không sao”, người cán bộ tư vấn. Thế là chị đành làm hồ sơ thi và trúng tuyển vào Trường TH Sư phạm Mẫu giáo TP.HCM.
Năm đầu tiên học tại Trường TH Sư phạm Mẫu giáo TP.HCM, chị không mấy vui thích bởi dẫu sao cũng không phải là nghề mà chị mơ ước từ nhỏ. Cho đến năm thứ 2, khi đi kiến tập tại Trường Mầm non 6 (P.6, Q.3) bắt gặp những ánh mắt ngây thơ của các bé chăm chú nhìn cô giáo, chị thấy hãnh diện về cái nghề cô nuôi dạy trẻ. “Lúc đó, tôi đã nghĩ sẽ có một ngày mình cũng trở thành “thần tượng” của các bé như những cô giáo của Trường Mầm non 6 này”, chị nhớ lại.
Và điều bất ngờ hơn nữa là trước năm 1975, chị đã từng học mẫu giáo tại ngôi trường này. “Ký ức tuổi thơ ùa về, hình ảnh các sơ chăm sóc chúng tôi dần dần hiện ra. Tôi bắt đầu thấy yêu nghề và mến trẻ. Trong thời gian kiến tập, tôi đã làm quen với rất nhiều bé và dành tình cảm yêu thương cho các bé. Hết thời gian kiến tập, chia tay nhau, cô và bé cùng bịn rịn, có nhiều bé còn khóc nữa”, chị kể.
Năm 1992, chị ra trường và được phân về Trường Mầm non Bé Ngoan (Q.1). Đi dạy rồi chị mới nhận ra, cái nghề này không chỉ đơn giản là kể chuyện cho bé nghe, dạy cho bé hát. Còn các bé thì không phải lúc nào cũng cười đùa, vui chơi và chăm chú nghe cô giáo nói…
“Ở nhà, tuy không phải là con cưng nhưng cũng chẳng phải làm gì ngoài việc đi học. Đi làm rồi mới biết, biết nhiều thứ lắm…”, chị cười nói.
Vào nghề
Năm đầu tiên khi về Trường Mầm non Bé Ngoan, chị được phân dạy lớp mầm (3 tuổi). Trong lớp hầu hết là học sinh mới đi học lần đầu nên giáo viên rất cực.
Có nhiều bé rời khỏi vòng tay của mẹ là khóc. Mà trẻ nhỏ thì kỳ lắm, chỉ cần một bé khóc là cả lớp khóc theo. Một lớp 40-50 bé mà cùng khóc một lúc thì 3 cô giáo chứ đến 10 cô rồi cũng “bó tay”. Bởi vậy, khi thấy một bé khóc là cô giáo phải ẵm bé dỗ dành để tạo cảm giác yên tâm. Khi bé nín, cô cũng không được rời xa mà phải chơi với bé liên tục. Hết kể chuyện rồi lại múa hát, chơi trò chơi để bé dần dần quên mẹ…
Nhưng đáng sợ hơn cả là lúc bé ói. “Có nhiều phụ huynh sợ con đi học sẽ không ăn được nên bắt trẻ uống sữa ở nhà. Khi vào trường, khóc nhiều nên ói. Cái mùi sữa mà ói ra mới đáng sợ làm sao. Ngày nào cũng vậy, cháu ói, cô dọn. Dọn xong, cô ói. Ngửi riết mùi ói của cháu rồi cũng quen nên dần dần cô không ói nữa. Thậm chí bây giờ cô đang ăn cơm trưa, cháu ị. Cô đứng lên dọn, dọn xong, cầm chén lên ăn tiếp”, chị kể.
Trẻ 3 tuổi cũng nhiều trò lắm, nhất là cái trò cắn và cấu bạn. Cả đám đang chơi vui vẻ với nhau, bỗng dưng có một bé khóc thét lên. Cô chạy lại thế nào cũng thấy một, thậm chí là hai – ba vết cắn hoặc cấu trên người bé này. Cô vội vã lấy dầu xoa lên vết cắn. Chiều khi trả bé cho phụ huynh, cô nói: “Bữa nay bé bị bạn cắn. Cô đã xoa dầu rồi. Mẹ thông cảm vì lớp đông quá”. Nhiều phụ huynh đáp lại: “Không sao đâu cô, trẻ con mà. Vả lại, chắc gì bé đã chưa bao giờ cắn bạn”. Với những phụ huynh hiểu chuyện như thế này, cô giáo thấy nhẹ cả người. Tuy vậy, cũng có một số phụ huynh, nhất là ông, bà của bé tỏ ra rất khó chịu… Nhưng không sao, đã chọn cái nghề này rồi thì phải chấp nhận.
Không giống như những ngành nghề khác, hết giờ thì về. Làm cô giáo mầm non, lúc nào phụ huynh cho về thì mới được về. “Bữa nào phụ huynh tới rước con sớm thì 5 giờ chiều là về. Bữa nào phụ huynh gọi điện: “Cô ơi, mẹ đang bị kẹt xe, cô trông con giúp mẹ…”, thì 6-7 giờ tối mới được về. Về nhà nào đã yên thân. Trẻ hơi nóng một chút, không chịu ăn là phụ huynh lại gọi điện hỏi thăm coi ban ngày ở trường có chuyện gì xảy ra với cháu không. Có thể nói, tối nào mà phụ huynh không gọi điện thì ngủ mới yên”, chị tâm sự.
Những học sinh “đặc biệt”
18 năm gắn bó với nghề cô nuôi dạy trẻ, chị đã nuôi dạy cả ngàn học sinh. Trong số đó có không ít học sinh chị không bao giờ quên…
Cách đây 17 năm, trong lớp mầm của chị có một học sinh tên Huy. Đã 3 tuổi nhưng Huy vẫn không biết nói, mặc dù nghe được. Mỗi khi muốn lấy cái gì, Huy thường cầm tay cô chỉ vào vật đó. Chị rất thương cậu bé này và luôn dành nhiều thời gian cho Huy. Cho đến một ngày, mẹ đưa Huy tới lớp. Vừa nhìn thấy cô, Huy chào: “Cô”. Dù rằng tiếng “cô” không được rõ ràng nhưng đó là một kỳ tích. “Tôi đã bật khóc. Khóc vì vui mừng, khóc vì hạnh phúc”, chị Bảo Lan tâm sự.
Năm ngoái, trong lớp lá (5 tuổi) của chị có một học sinh tên Thiên An. Thiên An “quậy” lắm, chỉ thích làm theo ý mình. Các bạn đang say sưa xếp mô hình, Thiên An chạy lại phá. Cô giáo hỏi: “Sao con làm vậy?”, Thiên An trả lời tỉnh queo: “Con không thích cái mô hình của bạn nên con phá”. Không chỉ có vậy, Thiên An còn thường xuyên đánh bạn, giật đồ chơi của bạn. Bực quá, một hôm Thiên An đang xếp mô hình, cô giáo lại phá. Thiên An hét lên: “Sao cô phá của con?”. Cô giáo trả lời: “Cô thích vậy đó”. “Nhưng cô sẽ xếp lại cho con”, vừa nói cô giáo vừa xếp lại cho bé. Rồi tỉ tê nói với Thiên An rằng không nên phá mô hình của bạn, phải biết chơi chung với bạn. Dần dần cậu bé cũng hiểu chuyện và trở nên rất ngoan, biết chơi với bạn và nghe lời cô giáo.
Trái ngược với “siêu quậy” Thiên An là bé Thảo Anh (lớp lá – năm học 2006-2007). Thảo Anh bị bệnh tự kỷ, không nói chuyện với ai, thường ngồi một mình hoặc đi vòng vòng. Mấy tháng đầu, cô giáo không thể nào đi vào thế giới của bé được. Cô nói gì cứ nói, cháu không thèm phản ứng. “Tôi hỏi phụ huynh về sở thích của bé, thường theo sát bé và nói chuyện rất nhiều. Bé chỉ cần nhìn cái gì là tôi hiểu ngay. Sang đầu học kỳ 2, tôi mới tiếp xúc được với bé”, chị kể tiếp.
Và còn rất nhiều học sinh nữa, bởi với chị học sinh chính là con. Cũng có lẽ vì thế mà chị đã không lập gia đình. “Không vướng bận chồng, con, tôi có nhiều thời gian hơn để chăm sóc các cháu. Vả lại, mỗi năm học tôi đều được làm mẹ của 40-50 bé. Trên thế gian này có bà mẹ nào nhiều con như tôi không…”, chị cười nói.
Bài, ảnh: Kim Anh

“Học sinh mỗi ngày một thay đổi, luôn có cái mới nên tôi không thấy nhàm chán, ngày nào cũng có niềm vui. Càng tiếp xúc với các cháu, tôi càng thấy yêu nghề. Thật là may mắn, nếu tôi không thuận tay trái thì chắc gì đã trở thành cô giáo mầm non”, chị Bảo Lan tâm sư.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)