Nằm cách trung tâm TP chỉ một con sông, nhưng cuộc sống của người dân nơi đây như ở một thế giới khác. Những ngôi nhà lụp xụp, trống hoác che tạm bằng ni lông, tấm liếp đã mục nát, còn những đứa trẻ thì lam lũ, thất học. Và nơi đó có cô giáo nghèo Nguyễn Thị Đỏ suốt 15 năm miệt mài "cõng" con chữ đến với những đứa trẻ kém may mắn này.
Cô giáo Đỏ dạy chữ cho trẻ em nghèo.
|
Lớp học nơi xóm nghèo
Từ nhiều năm qua, cứ vào mỗi chiều thứ hai, tư, sáu, tiếng đánh vần lại vang lên bên trong căn phòng nhỏ là chốt dân phòng khu phố 5, phường Tân Thuận Đông, quận 7. Một lớp học toàn là những đứa trẻ bán vé số, gánh nước thuê, lượm ve chai… Hôm chúng tôi đến vào một buổi chiều cuối tuần, nhưng các em đi học rất đầy đủ, hơn 30 em không vắng em nào. Gặp cô bé Nguyễn Thị Mỹ Hoàng (15 tuổi) chúng tôi không nghĩ em là học sinh của lớp học tình thương này. Khuôn mặt em khá sáng sủa, hoạt bát, nhanh nhẹn.
Khi hỏi ra mới biết, em quê tận Vĩnh Long, theo cha mẹ lên đây định cư từ lúc mới lọt lòng. Hằng ngày em và mẹ phụ bán quán cơm, còn cha đi bán vé số. Hoàng cho biết, trước đó em mù chữ, nhưng sau 2 năm theo lớp cô Đỏ em đã biết đọc, biết viết. Không chỉ có Hoàng mà phần lớn những đứa trẻ ở đây đều như vậy, em nào may mắn lắm thì cũng chỉ học đến biết đọc, biết viết là nghỉ để lo miếng cơm, manh áo. Anh Nguyễn Quốc Thông – Trưởng ban Điều hành khu phố 5 cho biết, nơi đây chỉ hơn 2.000 nhân khẩu nhưng có đến quá nửa là dân nhập cư. Đã trên 20 năm qua khu phố nằm trong diện quy hoạch của dự án mở rộng cảng Bến Nghé giai đoạn 3, người dân nơi đây sống trong điều kiện thiếu thốn trăm bề, có đến 90% thuộc diện đói nghèo. Mọi hoạt động ở đây gần như ngưng trệ, nhà cửa muốn xây dựng cũng không được, đất đai chẳng bán được cho ai để có tiền sửa sang nhà cửa.
Người dân nơi đây vốn đã nghèo, những người tha phương lập nghiệp (chủ yếu là dân các tỉnh miền Tây) lại càng nghèo hơn. Họ chọn bến đỗ này chỉ vì chi phí tiền thuê phòng, giá cả sinh hoạt thấp hơn nhiều nơi khác. Không ít người sống ở đây mấy chục năm nhưng vẫn vô gia cư, không tờ giấy lận lưng, bao đứa trẻ được sinh ra không có giấy khai sinh nên chẳng thể đến trường được.
… Và tấm lòng cô giáo
Ngày trước gia đình cô giáo Đỏ cũng ở xóm nghèo này, học chưa hết lớp 12 thì cô cũng nghỉ học. Sau khi lập gia đình, cô sống bằng nghề may gia công, kết cườm, cuộc sống cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Vì thế cô không có điều kiện đưa con đến nhà trẻ như nhiều gia đình khác, đành phải để ở nhà chăm sóc và dạy chữ cho cháu. Những lúc cô dạy cho con, đám trẻ trong xóm lại kéo đến lấp ló bên hông nhà học lỏm. Thấy thế, cô bàn với chồng sẵn dạy cho con, dạy luôn cho tụi nhỏ, may ra chúng biết đọc, biết viết. Lớp học tình thương của cô Đỏ ra đời từ đó, mỗi ngày một đông. Khi ở nhà không đủ sức chứa nữa, cô mượn chốt dân phòng, xin bàn ghế về mở lớp.
Dù thu nhập ít ỏi lại còn phải lo cho gia đình, nhưng hễ có tiền là cô đều tranh thủ mua tập sách, cuốn vở về cho tụi nhỏ. Ý thức được các em là những đối tượng nhạy cảm, dễ bị lôi kéo vào con đường tệ nạn, nên ngoài dạy chữ, cô còn giáo dục các em lối sống, cách ứng xử với mọi người xung quanh. Mặc dù vậy nhiều gia đình vẫn không muốn cho con đến lớp, cô phải đến từng nhà thuyết phục, phân tích thiệt hơn để họ chấp nhận. Vì thế nhiều người bảo cô "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng". Nhưng đối với cô thì khác, cô thương các em như con, không chỉ vì các em nghèo, sống lang thang không có điều kiện đến trường mà còn tình cảm các em dành cho mình rất lớn. Đó chính là lý do khiến cô không thể rời xa các em. Giờ đây, nhiều học sinh của cô đã biết đọc, biết viết, có đứa được cô giúp làm khai sinh, gửi vào các lớp chính quy để học tiếp lên các lớp lớn hơn, có em đã trở thành công nhân.
Hồ Văn/TPO
Bình luận (0)