Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Cô giáo người Khmer 10 năm liền là GV dạy giỏi cấp tỉnh

Tạp Chí Giáo Dục

Hơn 24 năm đứng trên bục giảng, cô Thạch Thị Khel, giáo viên Trường Tiểu học Thạch Thia (xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) luôn được đồng nghiệp và học trò quý mến. Mười năm liền (từ năm 1999 – 2009), cô đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

Được biết, cô Thạch Thị Khel là giáo viên dân tộc Khmer duy nhất của Trường Tiểu học Thạch Thia.
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở ấp Cần Súc, xã Loan Mỹ, từ nhỏ cô bé Thạch Thị Khel rất chăm học nên được cha, mẹ thương yêu và tạo điều kiện cho đến trường. Những tháng ngày cắp sách đi học dưới mái trường trung học cơ sở, thấy nhiều bạn cùng trang lứa và trẻ em ở quê mình vì nghèo nên không có điều kiện đi học, Khel ước mơ sau này sẽ làm cô giáo để về quê dạy học cho các em. Năm 1985, sau khi tốt nghiệp Trường Trung học Sư phạm Vĩnh Long, Thạch Thị Khel đăng ký xin về Trường tiểu học Thạch Thia ở quê mình giảng dạy.
Được nhà trường phân công giảng dạy lớp 1, đối với giáo viên trẻ, mới ra trường như Khel không dễ dàng. Hơn nữa, học sinh (HS) do cô Khel chủ nhiệm đều là các em dân tộc Khmer với khả năng phát âm tiếng Việt rất hạn chế. Để giúp các em học tốt, cô Khel đã cố gắng xây dựng phương pháp dạy phù hợp với khả năng tiếp thu của HS. Biết rằng phần lớn các em chưa qua lớp mẫu giáo, ngay từ đầu năm học, cô Khel mời các phụ huynh HS đến để chỉ cách hướng dẫn họ cho con em học tập tại nhà. Trong lớp học, cô tập trung hướng dẫn cho các em cách phát âm, đánh vần cho đúng.
Cô Thạch Thị Khel đang soạn giáo án. (Ảnh: Duy Anh)
Trong những năm 1980, trường nằm ở vùng sâu nên cơ sở vật chất, dụng cụ dạy học còn thiếu thốn. Do đó, giáo viên đều tự làm dụng cụ dạy học cho riêng  mình. Vừa dạy, vừa đúc kết kinh nghiệm, cô Khel tìm thêm tài liệu sư phạm để đọc cũng như dành thời gian tìm hiểu tâm lý của HS để giảng dạy cho tốt.
Cô Khel kể: “Đa số các em HS dân tộc Khmer nhút nhát, ít dám mạnh dạn phát biểu trong giờ học, nên trong lúc dạy tôi đều đem hình vẽ và dụng cụ để minh họa cho các em dễ tiếp thu. Sau đó, tôi đặt câu hỏi cho các em đứng lên trả lời, viết vào bảng con, làm toán để các em chủ động hơn”.
Trong giờ giảng, cô Khel sử dụng cả 2 thứ tiếng Việt – Khmer, còn giờ ra chơi thì cô tạo điều kiện cho các em vui chơi với bạn học dân tộc Kinh để các em giao lưu, học hỏi tiếng Việt. Năm học nào cũng vậy, với sự dìu dắt của cô Khel, sau 2 tháng đầu vào lớp 1 còn bỡ ngỡ, các em HS Khmer dần dần quen và chủ động phát biểu khi học tập.
Hết lòng với công tác giảng dạy và quan tâm chăm lo đến HS đã giúp cô Khel thành công trong suốt thời gian đứng trên bục giảng. Năm 1999, cô là giáo viên đầu tiên của Trường tiểu học Thạch Thia đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Mười năm liền (từ năm 1999 đến năm 2009), cô Thạch Thị Khel đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.
Nhiều năm nay, không chỉ làm tốt công tác chuyên môn, cô Khel còn thường xuyên giúp đỡ những HS có hoàn cảnh khó khăn. Hằng năm, cứ đến khai giảng năm học mới, cô Khel đều trích một phần lương của mình mua đồng phục, dụng cụ học tập cho các em HS dân tộc Khmer nghèo. Em Lê Thị Mộng Linh, HS lớp 5, Trường tiểu học Thạch Thia, cho biết: “Gia đình nghèo, cha mẹ đều đi làm mướn nên không có tiền mua quần áo mới cho em đi học. Mấy năm nay, cứ đến đầu năm học mới là cô Khel mua cho em hai bộ đồ mới, tập, sách, viết… đem đến tận nhà. Vậy nên em hứa là sẽ cố gắng học thật giỏi để không phụ lòng của cô ”.
Không chỉ là giáo viên dạy giỏi, cô Khel còn là người vợ, người mẹ hiền. Hiện nay, 2 người con của cô Khel đều đang theo học đại học, cao đẳng.
Thầy Nguyễn Hạnh Phúc, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thạch Thia, nhận xét: “Với đồng nghiệp, cô Thạch Thị Khel luôn sẵn sàng chia sẻ những khó khăn, trao đổi những kinh nghiệm hay trong giảng dạy để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ. Còn đối với HS, khi biết em nào nghỉ học cô đều đến từng nhà động viên, giúp đỡ để các em tiếp tục đến trường. Việc làm tốt của cô Khel luôn được tập thể giáo viên của trường xem đó là tấm gương để học tập và dạy bảo cho HS, con em của mình”.
Duy Anh / Dân Trí

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)