Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Cô giáo nhiều “tham vọng”

Tạp Chí Giáo Dục

Từ một giáo viên (GV) dạy hóa cấp 2, sau hành trình đưa con trai thoát ra nỗi đau từ hệ lụy của một phương pháp sư phạm yếu, bằng những nỗ lực không ngừng của bản thân và khao khát lan tỏa những phương pháp sư phạm tích cực, cô giáo Tô Thụy Diễm Quyên đã trở thành “người truyền lửa” là người Việt Nam đầu tiên được Microsoft công nhận Chuyên gia giáo dục toàn cầu.
Cô Quyên trong một buổi thuyết trình

Hơn 15.000 GV ở khắp 40 tỉnh thành trên cả nước đã được cô Quyên truyền lửa, trực tiếp huấn luyện những phương pháp giảng dạy tích cực trong suốt 4 năm qua.

Từ nỗi đau của người mẹ
18 năm trước, bắt đầu từ chính cậu con trai của mình, khi đó mới chỉ là học sinh lớp 1 nhưng đã phải gồng mình trong nỗi đau bị cô lập, là một người mẹ, là một người GV, cô Quyên hiểu được rằng một phương pháp sư phạm đúng đắn có sức mạnh như thế nào. “Một lần, GV của con điện thoại cho mình nói, bé bị mất căn bản. Tại sao một nhà sư phạm lại có thể vội vàng kết luận một học sinh lớp 1 là mất căn bản. Rồi tình cờ một lần họp phụ huynh năm đó, mình lại ngồi đúng chỗ con ngồi hàng ngày, nhìn những hình ảnh con vẽ mà mình rùng mình” – cô Quyên trải lòng.
Bàng hoàng nhớ lại, cô Quyên kể đó là hình ảnh của một bé trai với dây thòng lọng. “Mình vội vàng về kiểm tra nhật ký của con, thấy con viết rằng muốn chết để thoát khỏi nỗi đau bị cô lập bởi cô giáo và bạn bè”.
Từ đó là hành trình lôi con ra khỏi “vũng lầy chán nản” của một người mẹ, một người GV. “Bé không thiết học, sợ lên lớp, sợ tiếp xúc với bạn bè. Mình ám ảnh mãi và đau thắt lòng cho đến tận bây giờ hình ảnh của 18 năm về trước, khi con kéo lê chiếc cặp trên sân trường sau mỗi buổi học”. 
“Một người GV giỏi không phải bởi kiến thức anh ta có mà chính bởi phương pháp sư phạm anh ta mang đến cho học sinh. Bởi một phương pháp sư phạm đúng đắn sẽ tạo thêm động lực cho học sinh vượt lên chính bản thân và phát huy hết khả năng của mình. Từ đó, mình luôn nung nấu ý định về việc truyền đến cho GV những phương pháp sư phạm đúng đắn” – cô Quyên kết luận.
Nhưng phải mãi đến năm 2013, với Giải Nhất cấp quốc gia cuộc thi GV dạy học tích hợp, là GV đầu tiên của Việt Nam được chọn tham gia Diễn đàn Giáo dục toàn cầu, cô Quyên mới mạnh dạn thực hiện ý tưởng đã đeo đuổi bao nhiêu năm. 
Năm 2015, cô Quyên được Microsoft chọn là người châu Á duy nhất trong 20 giám khảo trên toàn thế giới trong “Diễn đàn Giáo dục toàn cầu lần thứ 2”. Năm 2017, cô trực tiếp tập huấn cho GV tham gia diễn đàn này và đều giành giải cao. Với những nỗ lực của mình, cô Quyên đã được Microsoft công nhận là Chuyên gia giáo dục toàn cầu.

Năm 2015, cô Quyên nghỉ dạy tại Trường THCS Đức Trí Q.1, chính thức trở thành “người hùng truyền lửa” cho GV những phương pháp sử dụng công nghệ sáng tạo trong giảng dạy và sức mạnh của ngôn từ trong một phương pháp sư phạm đúng đắn. Bước ra từ cuộc thi lớn, với kinh nghiệm và nỗ lực không ngừng của bản thân, một lần nữa cô Quyên được Microsoft chọn là người châu Á duy nhất trong 20 giám khảo trên toàn thế giới trong “Diễn đàn Giáo dục toàn cầu lần thứ 2”. Năm 2017, cô trực tiếp tập huấn cho GV tham gia diễn đàn này và đều giành giải cao. Với những nỗ lực của mình, cô Quyên đã được Microsoft công nhận là Chuyên gia giáo dục toàn cầu.

Tham vọng cộng đồng đổi mới sáng tạo giáo dục
Đến nay, liên tục là những chuyến đi khắp các trường và “nhận lịch đặt” của các sở giáo dục từ khắp các tỉnh thành, hơn 15.000 GV khắp mọi miền cả nước đã được cô Quyên “truyền lửa”. Không chỉ dừng lại ở đó, cô Quyên còn tham vọng về một cộng đồng giáo dục sáng tạo khắp cả nước, mà ở đó, các GV từ mọi trình độ, mọi vùng miền được trực tiếp tương tác, hỗ trợ nhau những phương pháp giáo dục tích cực. Nhóm Cộng đồng đổi mới và sáng tạo giáo dục đã được cô Quyên lập ra, chia sẻ những kinh nghiệm về ứng dụng những đổi mới sáng tạo vào trong giáo dục, được nhiều GV ví như “kho báu”. “Tại đây, GV sẽ chia sẻ từ câu chuyện sáng tạo với mỗi môn học, làm mới giáo án bằng công nghệ đến những kỹ năng cần có của một người thầy. Chỉ hơn một tháng thành lập, nhóm đã có gần 5.000 GV tương tác, đến từ khắp các vùng miền cả nước, thậm chí cả những người làm giáo dục của Việt Nam tại nước ngoài cũng tham gia. Vậy mới biết, GV quan tâm và khát khao đổi mới giáo dục như thế nào, chỉ có điều họ chưa có điều kiện để hỗ trợ” – Cô Quyên trăn trở.
Vào mỗi 8h tối thứ 3 hàng tuần, cô Quyên lại có buổi livestream (phát trực tiếp) những vấn đề đổi mới mà GV quan tâm. “Trước mỗi buổi phát, mình sẽ tham khảo ý kiến của GV trên nhóm trước. Chủ đề của mỗi buổi phát cũng chính là những vấn đề mà GV trong nhóm đang băn khoăn”.
Bài, ảnh: Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)