Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Cô giáo ở “lớp học cuối cùng”

Tạp Chí Giáo Dục

Suốt bao nhiêu năm trong sự nghiệp trồng người, điều chị luôn tâm niệm là phải dạy học sinh bằng tất cả tình thương, trách nhiệm
Đang giảng bài, chợt một em học sinh lên tiếng “Cô ơi! Bữa nay là ngày của tụi con nè!”. Lớp học lại được dịp chộn rộn, lao xao. Sực nhớ ra hôm nay là Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1-12), tim chị lại nhói đau…
Dù đã dặn lòng là không được tỏ ra yếu đuối trước mặt lũ trẻ, vậy mà đôi lúc chị vẫn không nén nổi tiếng thở dài, những giọt nước mắt khi một vài tình huống tưởng như rất bình thường xảy ra với những đứa trẻ ở Trung tâm Mai Hòa. Chị là Trịnh Thị Mánh, giáo viên (GV) Trường Tiểu học An Nhơn Đông (Củ Chi).
Yêu trẻ như yêu con
Tròn 30 năm đứng trên bục giảng, chị Mánh không nhớ nổi có bao nhiêu đứa học trò đã được mình dạy dỗ. Thế nhưng, với những đứa trẻ ở Trung tâm Mai Hòa này thì chị dặn mình luôn phải nhớ, vì một điều rất giản dị: Chị là cô giáo đầu tiên nhưng cũng có thể là người duy nhất đem đến cho các em những bài học làm người. Lớp học của chị dù chỉ dạy cho các em những con chữ vỡ lòng, những phép toán giản đơn nhưng cũng có thể là lớp học cuối cùng trong suốt quãng đời ngắn ngủi của một kiếp người.
Tiếng là lớp học, nhưng hễ ai bước chân vào đấy đều không khỏi lắc đầu ái ngại. Học trò của chị chỉ vỏn vẹn 5 em nhưng lại thuộc… 3 khối lớp: Một em lớp 1, hai em lớp 2 và hai em lớp 4. Đều đặn mỗi ngày chị phải soạn ba giáo án, chạy đua với thời gian để đảm bảo lớp học “3 trong 1” có thể “đuổi” kịp chương trình của Bộ GD-ĐT. Nhiều hôm giảng bài say sưa quá, tới lúc liếc thấy kim giờ đồng hồ mới chớm điểm qua con số 9, chị phải vội vã cho các em giải lao để kịp giờ uống thuốc. Mà đám học trò của chị ngộ lắm! Vừa học đấy, nhưng ngoảnh trước ngoảnh sau lại quên ngay đấy thôi. Đứa học lớp 4 chưa thuộc bảng cửu chương, đứa học lớp 2 loay hoay với phép tính cộng một chữ số, hay đứa lớp 1 viết sai chính tả, viết không đúng độ cao dòng kẻ ly là chuyện ngày nào cũng có. Nhiều hôm chưa hết giờ học mà đứa nào đứa nấy đã bắt đầu tỏ ra mệt mỏi, thậm chí đổ gục xuống bàn. Đó cũng là lúc chị phải ngừng giờ học, mọi điều muốn truyền đạt phải chuyển qua buổi chiều vì lúc này thuốc đang phát huy tác dụng phụ. Ba năm ròng rã, tuần nào chị cũng có mặt từ sáng thứ hai tới chiều thứ bảy để dạy 4 tiết/ngày. Ba năm, thời gian đó cũng đủ để chị hiểu hoàn cảnh của từng đứa trẻ mồ côi vô tội trót mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Này em Thiên Ân mồ côi ba mẹ được nhận vào từ khi mới biết bò, này Tuấn Anh được nhận khi ông bà em không đủ sức thuyết phục người thân nhận nuôi cháu lúc ba mẹ em mới mất, này Hữu Nghĩa vào trung tâm với ba nhưng chẳng bao lâu thì ba cũng về bên kia thế giới… Chị hiểu, dù chị hay những người xung quanh có bù đắp, có yêu thương thế nào chăng nữa cũng không thể bằng tình thương mà ba mẹ dành cho các em. Sự thiếu vắng tình thân như một vết thương dễ làm các em xúc động, tủi thân khi ai đó vô tình nhắc đến. Một lần, bài tập làm văn lớp 2 có bài yêu cầu tả về người mẹ, đang hào hứng chỉ bài bỗng chị nhìn thấy em Võ Thành Danh úp mặt xuống bàn khóc nức nở. Danh được vào đây với cả ba lẫn mẹ nhưng họ cũng lần lượt ra đi cách nhau chưa đầy 2 tuần ngắn ngủi. Ôm Danh vào lòng, những giọt nước mắt nơi khóe mắt chị cũng chực trào tuôn theo từng tiếng nấc nghẹn ngào của cậu học trò tội nghiệp. Kể từ đó, chị tránh hẳn việc nhắc tới người thân trong gia đình, tránh những vấn đề nhạy cảm dễ làm các em tổn thương.
Dạy trẻ bằng tình thương và trách nhiệm
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, chị hạnh phúc khi nhận được những bó hoa cỏ dại các em hái trong vườn, những cánh thư với lời chúc ngô nghê, vụng về.
Ngày đến với lũ trẻ, nhiều người bảo chị gàn dở. Cũng phải thôi, có ai đang yên đang lành lại tình nguyện xin về dạy cho những đứa trẻ mang trong mình căn bệnh mà theo cách nói của những người chung quanh là “trái bom không hẹn giờ nổ”. Ở nơi khác, khái niệm trẻ OVC được hiểu là trẻ có thể bị nhiễm hoặc không nhiễm HIV/AIDS. Nhưng những đứa trẻ được đưa tới Trung tâm Mai Hòa thì tất cả đều bị nhiễm HIV/AIDS. Ở cái tuổi như chị ngày ấy, thường thì người ta chỉ muốn làm tốt công việc của mình, ổn định thêm vài năm nữa để chờ quyết định về hưu. Bản thân chị hồi đó cũng là GV của Trường Tiểu học Trung Lập Thượng, và điều đó sẽ chẳng có gì thay đổi nếu không xảy ra biến cố trong ngày khai giảng năm học 2009-2010. Đó là lúc một số em nhỏ từ Trung tâm Mai Hòa được các soeur dẫn ra học hòa nhập tại Trường Tiểu học An Nhơn Đông đã phải tức tưởi ra về trong nước mắt vì gặp phải sự phản đối từ phía phụ huynh. Người dân ở đây sẵn sàng mang quà, bánh, sách vở tặng cho các em nhưng lại không chấp nhận việc con em mình cùng học, cùng chơi chung với lũ trẻ nhiễm AIDS. Một GV trẻ được điều về dạy tại trung tâm sau cuộc họp bàn giữa các ban ngành, quyết định coi Mai Hòa như một điểm trường của Trường Tiểu học An Nhơn Đông. Thế nhưng, GV này lại gặp phải sự cản trở từ gia đình vì chính họ cũng không hiểu hết tính chất, nguồn cơn của căn bệnh. Vậy là chị tình nguyện đảm nhiệm công việc này thay cho đồng nghiệp. Người thân, đồng nghiệp ủng hộ chị, nhưng bạn bè, những người xung quanh không ít kẻ vẫn lời ra tiếng vào với việc làm “đường đột” ấy. Họ hỏi: “Tụi nó bị si-đa hết, bộ không sợ lây à?”, “Mày vào trỏng, rồi ăn uống sao?”, thậm chí có người còn hạn chế tiếp xúc với chị. Mặc người ta nói, chị vẫn đến cùng các em chỉ với suy nghĩ đơn giản: Ai cũng sợ AIDS, mình mà sợ như người ta thì lấy ai dạy dỗ các em, mà đã là người thì ai cũng có quyền được hưởng sự giáo dục như nhau. Vậy là chị tới Trung tâm Mai Hòa, chính thức chuyển biên chế về Trường Tiểu học An Nhơn Đông dù mỗi ngày phải chạy xe hơn 10km để tới “trường”.
Trấn an mình như vậy, nhưng những ngày đầu đến với các em, chị cũng không tránh khỏi bỡ ngỡ. Đang là GV dạy học sinh cùng cấp, chị phải làm quen với một lớp học mà độ tuổi, khả năng tiếp nhận của mỗi em lại chẳng ai giống ai. Chị như con quay giữa đám học trò. Dạy em này, chị phải luôn miệng nhắc em khác xem trước bài mới, làm bài tập để giữ trật tự, quan tâm tới từng cử chỉ nhỏ nhặt nhất trong lớp học. Nhiều hôm đi dạy về, chị không nuốt nổi miếng cơm vì quá mệt mỏi, nhưng chưa bao giờ trong chị có ý định từ bỏ việc làm này vì nếu bỏ sẽ chẳng tìm đâu ra người thay thế. Ngày qua ngày, chị cũng quen dần với cách điều khiển lớp, quen với sự ồn ào vốn có ở lớp học “3 trong 1” này. Thỉnh thoảng, chị thực hiện việc lồng ghép để học sinh lớp trên có thể ôn lại kiến thức lớp dưới, tổ chức các trò chơi để cả lớp cùng hào hứng học bài. Chị còn làm đồ ăn ngon mang vào để cô trò cùng ăn uống, nói chuyện sau giờ học. Với những em hay thắc mắc về bệnh tật, chị động viên các em không nên quan tâm quá nhiều bởi ai cũng mang trong mình một căn bệnh nào đó, gợi mở tương lai để các em quên đi ý nghĩ bệnh tật. Ba năm gắn bó, chị nhận ra mình đằm thắm hơn, quan tâm hơn tới từng học sinh. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, chị hạnh phúc khi được nhận những bó hoa cỏ dại các em hái trong vườn, những cánh thư với lời chúc ngô nghê, vụng về. Những lúc như vậy, chị bỗng thấy cuộc đời mình thật ý nghĩa khi được làm người mẹ, người chỉ lối cho những đứa con kém may mắn của mình.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
 
Đến giờ, nhiều người vẫn hỏi chị: “Lớp hồi đó mày dạy giờ còn mấy đứa?”. Chị chỉ cười, rồi giải thích cho người ta hiểu: Si-đa không dễ lây, dễ chết như người ta tưởng; rằng “Lớp tôi dạy đến nay mấy đứa nhỏ vẫn vẹn nguyên và khỏe mạnh”; rằng hãy bớt đi sự kỳ thị và dành cho các em sự yêu thương của tình người. Dẫu biết, sự giải thích của mình sẽ chẳng mấy tác dụng nhưng chị vẫn không nản, vẫn lấy việc làm của mình làm minh chứng cụ thể cho những sự kỳ thị đó. Và, chị nguyện dành nốt thời gian còn lại của đời mình để tiếp tục dạy dỗ các em.
 

Bình luận (0)