Các học sinh tiểu học ở Nhật Bản đã lần đầu tiên được tiếp xúc với một cô giáo robot rất dễ thương.
Một buổi lên lớp của cô giáo robot.
Giáo sư Hiroshi Kobayashi, Trường Đại học Tokyo, người đứng đầu nhóm chế tạo, đã mất 15 năm để nghiên cứu cô giáo robot Saya và cho cô giáo này lên lớp thử nghiệm tại Trường Tiểu học Kudan ở Tokyo.
Những học sinh tại đây đã biểu lộ những cảm xúc rất khác nhau khi lần đầu tiên được tiếp xúc với một giáo viên là người máy. Theo giáo sư Hiroshi, mọi việc diễn ra rất tốt đẹp và những học sinh tại Trường tiểu học Kudan đã cư xử với Saya như một giáo viên thực thụ. Các học sinh cảm thấy thú vị khi giáo viên người máy có thể xướng đúng tên các em khi điểm danh và giao các bài tập trong sách cho học sinh làm.
Nhờ 18 thiết bị máy móc được thiết kế sau khuôn mặt cao su, Saya có thể biểu lộ được các cảm xúc thông thường như ngạc nhiên, sợ hãi, phẫn nộ, giận dữ, vui, buồn. Hơn nữa, cô có thể nói được nhiều thứ ngôn ngữ khác nhau. Saya được nghiên cứu và thiết kế để không những thay thế cho giáo viên dạy học mà còn một số vị trí khác trong trường với mục đích cắt giảm chi phí.
Nhóm nghiên cứu dự định sẽ đặt robot tại một vài lớp học và mọi hoạt động sẽ được điều phối từ trung tâm điều khiển từ xa.
Saya là phiên bản robot mới nhất và hiện đại nhất tại Nhật. Các nhà khoa học ở nước này đã cho ra đời nhiều loại robot có thể đảm đương công việc trong các lĩnh vực của cuộc sống như điều phối giao thông, hướng dẫn sinh viên đại học và trợ giúp cho những người già mắc bệnh Alzheimer.
Chính phủ Nhật Bản đã đầu tư 35 triệu USD cho công việc nghiên cứu người máy và hy vọng rằng đến năm 2015 trong mỗi gia đình đều có một người máy. Nguyên nhân là do tỷ lệ người già tại Nhật hiện ở mức cao – cứ 4 người thì có 1 người trên 65 tuổi, trong khi lực lượng lao động ngày càng ít và việc tuyển dụng nhân công ngày càng khó khăn.
Thu Nga Tổng hợp (Dan tri)
Bình luận (0)