Cô Phạm Thị Tuyết Loan vào sổ điểm cho các em học sinh |
Phải mất hơn 3 giờ tàu chạy và hai lần chuyển đò chúng tôi mới tới được ấp Thiềng Liềng, xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM. Từ xa khu dân cư Cán Gáo hiện ra với những mái nhà liền kề, các ô cửa nhỏ ẩn hiện dưới các giàn hoa giấy đang khoe sắc đẹp đến mê hồn. Không khí trong lành, cuộc sống thanh bình cùng con người đôn hậu nơi mảnh đất này đã níu kéo nhiều người chọn nơi đây làm quê hương thứ hai của mình. Cô Phạm Thị Tuyết Loan là một trong số đó. Cô đã trải qua hơn 15 năm gieo chữ nơi ấp đảo đầy sóng và gió!
Quanh năm theo người lớn đánh cá trên biển và làm muối để mưu sinh là tình cảnh chung của các em nhỏ ở ấp đảo Thiềng Liềng (xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM). Song với những buổi làm việc cật lực cùng gia đình nhưng cơm không đủ ăn thì nói chi đến chuyện học hành!
Gian nan nghề… cấy chữ
Sinh năm 1964 trong một gia đình nghèo, có hai chị em gái tại huyện Bình Chánh, TP.HCM. Do yêu nghề “gõ đầu trẻ” nên ngay từ những năm còn ngồi trên ghế nhà trường, Tuyết Loan đã có ước mong sau này sẽ làm cô giáo. Học hết THPT Loan thi vào Trường Trung học Sư phạm TP.HCM và sau khi ra trường cô được phân công về dạy học tại Trường Tiểu học Tân Quý Tây, Bình Chánh. Dạy được 8 năm, lúc này huyện Bình Chánh bắt đầu đô thị hóa, lương công nhân cao gấp mấy lần lương giáo viên (150 đồng/70 đồng) làm Loan đắn đo giữa đi dạy hay ra làm công nhân may. Không cưỡng lại được áp lực cơm áo, gạo tiền Loan xin nghỉ dạy và bắt đầu công việc “mưu sinh” mới. “Bỏ nghề dạy học ra học may được một tháng tôi xin vào làm công nhân cho một xí nghiệp liên doanh của Đài Loan nhưng “ở đời ai học được chữ ngờ”, sau một tuần làm việc, chủ đối xử với công nhân như nô dịch, tôi đã bỏ nghề. Cũng từ đây, công việc của tôi khi thì bán hàng rong lúc làm thuê làm mướn” – cô Loan tâm sự. Bẵng đi một thời gian, cuộc mưu sinh vất vả cũng không làm Loan nguôi nhớ trường, nhớ lớp. Nhiều hôm đi bán hàng rong ngang qua những ngôi trường, nhìn thấy các em bi bô học bài, trong lòng Loan lại trào dâng khát vọng được đi dạy. “Trời không phụ lòng người”, cơ may đã đến khi huyện Cần Giờ có chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên ra dạy học ngoài xã đảo Thạnh An. Và đầu năm 1995, cô giáo Phạm Thị Tuyết Loan nhận được quyết định gọi đi dạy tại điểm trường bên ấp đảo Thiềng Liềng.
Nói là trường cho oai chứ thật ra nó chỉ là một dãy nhà lá có 3 phòng học với vách làm bằng những tấm liếp và mái lợp bằng lá cây rừng. Còn nhớ những ngày đầu mới ra đảo, lớp học của cô chỉ có khoảng 10 em học trò. Vậy là cô phải tìm đến từng gia đình có con chưa biết đọc, biết viết để động viên phụ huynh cho các em ra lớp. Trong những lần như vậy, có phụ huynh cười bảo với cô rằng: “biết đọc, biết viết có thay cơm được không cô?”. Những câu hỏi “vô tư” như vậy đã làm cho cô Loan buồn lắm! Nhưng nhìn những đứa trẻ lấm lem bùn sình, ngày ngày lặn lội ngoài bãi biển mò cua bắt ốc đã không ngăn cản được trong lòng cô quyết tâm đưa cho được các em đến với con chữ. Có những em học trò nhà cách trường trên 2km cô đã đạp xe đến nhà đưa các em ra lớp, còn những em gia đình quá khó khăn thì cô đưa luôn các em về ở chung với mình đến cuối tuần mới về thăm bố mẹ. “Khu vực xung quanh trường chỉ có cây rừng và nước biển! Hiếm khi có một bóng người xuất hiện mỗi khi trời tối, là con gái mới xa nhà lần đầu lại chưa chồng nên mỗi khi tắm tôi rất sợ, luôn phải nhìn trước ngó sau. Khi nào có học trò ngủ lại, tôi mừng hết biết” – cô Loan cười và kể lại. Những năm đầu mới ra đảo, để làm quen với sóng nước, sau giờ học cô Loan được các em dạy bơi và cách sống chung với muỗi, vắt. Riết rồi chuyện gì cô cũng thành thạo, từ bơi xuồng đi bắt thêm con tôm, con cá cho tới học cách làm thế nào để hứng được sương đêm tích nước trong những tháng mùa khô… Vậy mà, một lần “chết hụt” là kỷ niệm mà cô và các đồng nghiệp không bao giờ quên: trong một lần phải vào trường chính trong Thạnh An để dự lễ sơ kết học kỳ 1, chiếc xuồng máy đang chạy ngon trớn trên rạch Năm Mười thì bị nước tràn vô ngập cả xuồng, trong khi xã đảo còn cách cả ba, bốn hải lý. Ba anh chị em cố sức tát nước mà không xuể, mọi người tính bỏ xuồng bơi vô rừng đước gần đó đợi người ra cứu. Đồ dùng đã được cột chặt trong người và chuẩn bị bơi thì may mắn được tàu cá gần đó phát hiện và tới ứng cứu kịp thời.
Món nợ ân tình
Do liên tục đứng lớp (sáng chiều) trong khi ăn uống thất thường nên vào khoảng tháng 3-2001, trong lúc dạy cô Loan đã bị té ngất xỉu. Được đồng nghiệp phát hiện và sơ cứu kịp thời, sau gần một tiếng thì tỉnh lại. Phụ huynh sợ cô giáo bệnh nặng nên đã thay nhau chăm sóc, còn học sinh đứa ôm bịch gạo, trái cây đến thăm rồi ở lại ngủ cùng. Cô Loan kể: “Khi nằm trên giường bệnh những cứng rắn, nghị lực của tôi “nó” như cứ biến đi đâu hết. Tôi cảm thấy quá cô đơn và cần có bờ vai để nương tựa! Tôi điện thoại về nhà, là tôi đồng ý lấy chồng”. Trước đó ông Chín (cậu ruột) thương cháu, đã âm thầm “tìm” cho cô Loan hai anh trai làng, chỉ đợi cô Loan bằng lòng là đưa đi xem mắt. Gặp người đàn ông đầu tiên, cô ưng liền và sau đó hai người nên duyên vợ chồng. Cô Loan nói: “Sau đám cưới được hơn một năm thì tôi sinh được một cô con gái rất dễ thương, xinh xắn. Điều khiến hai vợ chồng tôi cứ kẻ trên bờ người dưới nước suốt bấy nhiêu năm nay là do anh ấy “sợ” nước. Tôi đành phải chấp nhận để con ở trên bờ với cha cháu”. Sống trong căn nhà tình thương mới được cấp, nhiều đêm ôm gối khóc hoài vì nhớ con nhưng với nhiều lý do chồng cô vẫn không chịu ra đảo sống cùng vợ. “Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời, nhớ con quá cứ mong ngày nghỉ đến thật nhanh là tôi lên tàu về thăm con liền. Lúc có tiền mỗi tháng tôi về nhà 5-7 lần”, cô Loan đau đáu nhớ lại. Da diết nhớ con, có lúc cô không kiềm chế được đã định bỏ đảo về ngay đất liền. Nhưng nghĩ lại cô thấy nếu bỏ đi ai sẽ lo cho bọn trẻ ở đất đảo này? Cô lại nén lòng mình! Càng thương con bao nhiêu, cô càng dốc tình thương vào chăm sóc, dạy dỗ những đứa trẻ nơi đảo xa nhiều hơn. Cô Loan bày tỏ: “Sau những buổi lên lớp mệt mỏi, tối về ăn uống qua loa rồi lại chấm bài và soạn giáo án nhiều khi đến nửa đêm. Cứ ngày này qua tháng khác, sức khỏe giảm sút nhưng khi nghĩ đến con và học trò là tôi lại có sức mạnh để tiếp tục theo đuổi sự nghiệp và ước mơ của mình”.
Với tấm lòng tận tụy yêu nghề mến trẻ, cô Loan đã được bà con địa phương tin yêu và đồng nghiệp quý mến. Cô Loan được tập thể bình chọn gương nhà giáo điển hình và danh hiệu lao động tiên tiến nhiều năm liền. Trong suốt những năm qua, cô giáo Phạm Thị Tuyết Loan đã cùng với tập thể sư phạm nhà trường xóa được mù chữ cho hơn 300 học sinh và mở nhiều lớp học bổ túc cho người dân trên đảo.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy
Thầy Dương Văn Thư, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Cần Giờ chia sẻ: “Cô Phạm Thị Tuyết Loan khi mới về nhận nhiệm sở tại Trường Tiểu học Thạnh An (Phân hiệu Thiềng Liềng) đã không khỏi có cảm giác lo lắng và buồn chán bởi nơi đây mọi thứ đều thiếu thốn… đặc biệt là cảnh sông nước đi lại khó khăn. Nhưng với tấm lòng yêu nghề mến trẻ cô đã ở lại nơi mảnh đất xa xôi này để gieo chữ cho những học trò nghèo. Với cái tâm và lòng nhiệt huyết của mình, cô giáo Loan không dừng lại ở việc dạy chữ cho học sinh mà cô còn làm tốt công tác vận động học sinh ra lớp, xóa mù chữ ở nơi này”. |
Bình luận (0)